Mình ở trong nhà cho đến nay là đã 14 ngày không ra đường, chỉ ra hành lang đổ rác, đồ ăn cũng có đủ trong tủ lạnh. Thấy vậy nhiều người chế giễu, cười chê mình sợ chết. Bảo đừng có hoảng loạn, sống chết có số, virus này chữa được. Là mình không hoảng loạn. Nếu có việc cần mình vẫn đi. Hôm 28/1 mình đi Ấn Độ đến 1/2 về. Đấy là đi công tác, có việc thì phải đi thôi, trong quá trình di chuyển từ taxi ra sân bay rồi sang đến nước bạn lúc nào cũng đeo khẩu trang và rửa tay liên tục. Nhưng hiện mình đang được nghỉ dạy, còn những việc khác như du lịch, xem phim, cà phê, ăn tiệm, đi bar, shopping, đàn đúm… mình có cả cuộc đời còn lại để làm nên delay được. Nhưng virus thì… thi thoảng nó mới xuất hiện thôi, nhường nó một tí. Đối với những người luôn miệng “Sống chết có số” và tự hào vì họ không cần đeo khẩu trang, cứ thế xuống đường đi lại lung tung, tự tin rằng sức khỏe của họ miễn nhiễm với virus thì mình xin có vài lời thế này:
▪ 1. Báo chí hôm nọ đưa tin cầu thủ đá cho giải hạng nhất của Trung Quốc vừa bị nhiễm corona. Nhiều bác sĩ sống lành mạnh vẫn nhiễm corona. Và ngay cả một vận động viên thể hình 10 năm không ốm cũng đã qua đời vì corona. Nếu ai khẳng định sức khỏe được miễn nhiễm với corona chắc có tố chất Người Dơi, vì xưa nay chỉ có dơi mới miễn nhiễm với Ebola, Mers, Sarc và Covid-19, để mình giới thiệu các Người Dơi cho WHO nghiên cứu làm vắc xin.
▪ 2. Nếu mình nhiễm virus, dẫu không chết, cũng vẫn phải nằm cách ly cả tháng trong viện, khỏi rồi khỏe như voi vẫn chưa được ra nếu chưa đủ xét nghiệm 4 lần âm tính. Mình không có sở thích được nằm cách ly, ốm 2 ngày đã đủ chết rồi. Còn ai có sở thích ấy thì mình chịu.
▪ 3. Nếu nhiễm virus, mình không chết nhưng lây sang cho con nhỏ, bố mẹ già, hoặc phụ nữ có thai thì còn tệ nữa. Các cụ 70, 80 người đầy bệnh, thêm cú virus nữa là dễ đi, cuối cùng đời đang vui lại phải làm đám ma cho bố mẹ không.
▪ 4. “Thôi tôi già rồi, cũng đến tuổi trời gọi là dạ, đời ai chả một lần chết, không cần khẩu trang.” Khổ, cơ mà chết vì corona nào có được như nhà người ta chết đâu. Ở Trung Quốc, bệnh nhân chết vì corona sẽ bị nhân viên y tế trùm kín rồi mang thẳng đi hỏa thiêu. Thậm chí còn không cho người nhà làm đám tang hay mở ra nhìn mặt. Cũng không trân trối được câu nào. Dù không sợ chết mình cũng không muốn đi theo cách “bí ẩn” này đâu á.
▪ 5. Có những người sống một mình, không bà con thân thích, bảo tôi không có ai để mà lây, nhưng một người bị virus sẽ lây sang cho cả cộng đồng, chờ đến lúc ho sù sụ, khó thở mới biết mình dương tính thì đã có cả tuần trời lây nhiễm cho người khác rồi. Cả thế giới điên đảo vì virus, có những trận virus càn quét khiến cả triệu người chết làm kinh tế thế giới kiệt quệ hóa ra cũng chỉ từ một ông sống chết có số mà ra. Nếu cả nước bị nhiễm virus mỗi mình mình không sao thì cũng không vội mừng vì kinh tế thế nào cũng kiệt quệ và lạm phát. Lúc đó người giàu cũng phá sản còn người nghèo chỉ còn nước chết đói.
▪ 6. “Mình có ở tâm dịch đâu mà sợ”. Việc bất cẩn sẽ góp phần biến quốc gia thành tâm dịch. Tất cả những đại họa virus trong lịch sử đều lây từ một người mà ra. Nếu có điều gì khiến mình e ngại nhất ở đất nước này thì đó chính là Y Tế. Tại sao chúng ta lại chắc chắn một điều rằng Việt Nam chỉ dừng lại ở 16 ca nhiễm virus và Vĩnh Phúc đã được khoanh vùng triệt để. Trước nay chúng ta luôn hoài nghi mọi thứ mà giờ lại thật thà đến thế. Thêm nữa, chiếc tàu du lịch Diamond Princess có 218 người nhiễm virus cập cảng Huế và Quảng Ninh với hàng trăm hành khách lên bờ đi chơi lung tung suốt cả ngày, ai biết được họ đã giao tiếp với những ai trong suốt thời gian ấy.
▪ 7. “Việt Nam chữa khỏi bệnh cho người nhiễm rồi đấy thôi!” Lý do bệnh nhân Vũ Hán chết nhiều là vì bệnh viện tải không xuể. Nếu trăm người, nghìn người cần dùng máy thở may ra còn đủ, còn vài vạn người, vài trăm ngàn người thì tự cố mà thở. Bệnh nhân xếp hàng vài ngày không đến lượt, chờ lúc tới lượt thì khéo nhập viện một lúc là chết. Các trang thiết bị cũng không thể chuyển từ các bệnh viện tỉnh khác vì chính người ta cũng đang cần. Nếu ai đi Trung Quốc nhiều thì biết các thành phố lớn của Trung Quốc, cơ sở vật chất nhiều phần cũng không kém gì Âu Mỹ, thế mà còn chết như ngả rạ. Trong khi bệnh viện mình thường ngày chưa dịch dọt gì bệnh nhân đã phải lê la hành lang vì quá tải. Việt Nam mà vào tâm dịch như Vũ Hán thì… thôi chả dám nghĩ đến nữa. Còn hiện giờ là đang cả bệnh viện tập trung vào chữa cho 1 ông. Bệnh nhân còn được cả cục trưởng đến thăm hỏi. Y như nhà con một thì cả hai họ tập trung vào xúc cho ăn, nhà đông con thôi để chân đất mà chạy rông.
▪ 8. Đi ra ngoài mà không đeo khẩu trang, có ho 1 cái người ta cũng kinh. Nhất là đứng trong cầu thang máy với quán ăn, dù chẳng có dịch với rút riếc gì mà bình thường ở cự li gần thế có ông nào ho với hắt hơi là mình tức. Thực kinh khiếp, ai biết được ông bị những bệnh truyền nhiễm gì. Không bị bệnh gì nhưng đứng trong thang máy cách nhau có mấy chục xen ti mét ho cũng thực gớm, nhất là người lạ. Người lịch sự họ không thể hiện ra thôi chớ trong bụng họ ghê lắm ấy. Hèn chi dân Nhật ngày nào cũng đeo khẩu trang dù không vào mùa dịch vì họ hay phải đứng gần nhau trong tàu điện ngầm.
Để nói về cơ chế lây virus thì mình kể hồi con gái mình bị thủy đậu. Cơ chế lây thủy đậu cũng giống như virus cúm, lây qua tiếp xúc và dịch tiết của đường hô hấp trong không khí. Lúc ấy những người xung quanh từng bị thủy đậu hồi bé hết rồi nên không ngại, duy nhất có mình và em gái mình chưa thủy đậu bao giờ, cũng chưa từng tiêm phòng. Hôm ấy dì cháu gọi điện bảo hôm nọ em quên cái áo, chị quẳng xuống cho em, em sợ thủy đậu lắm không dám lên đâu. Mình nghĩ dì chết nhát vì lây thế quái nào được nên bảo tôi chịu, lên mà lấy, tôi đang tắm đây. Dì đành lên nhà nhưng đứng ngoài cửa không dám vào bảo vứt áo ra đây cho em. Mình lại trêu tiếp bảo vô mà lấy, không thì kệ. Cái áo treo trên tai ghế, cách cửa có mét rưỡi. Dì nó nhón 1 chân vào, chân sau vẫn giữ nguyên ngoài cửa, tay với cái áo rồi vội vàng chạy vù đi. Thế mà 3 hôm sau dì gọi lên thông báo đã bị nhiễm thủy đậu, miệng bảo mình ác. Mình kinh ngạc cực độ, nghĩ có mỗi thế mà cũng lây. Nghĩa là toàn bộ bầu không khí trong nhà mình đã biến thành cái lò ấp virus thủy đậu, khéo có kính hiển vi thì sẽ thấy đậu bay phấp phới như cờ trong nhà. (Nên những nơi bí khí như taxi, xe buýt, xe khách, cầu thang máy, phòng học kín là dễ ủ virus nhất, chớ trời nắng đi dạo giữa đường thì lại không ngại. Rồi những quán ăn có ống thìa đũa, đĩa chanh ớt để tơ hơ ra, người nhiễm bệnh hắt hơi vào đấy thì khẩu trang hay rửa tay cũng bằng không. Rau sống với quẩy chẳng hạn, khách ăn không hết người ta thả lại vào rổ chớ có vứt đi đâu.)
Tuy nhiên mình nằm ôm con bé thủy đậu suốt cả tháng thấy chả lây nhiễm gì cả. Lúc ấy là nghĩ đằng nào lây cũng lây rồi nên còn hun hít vào nốt thủy đậu của nó để… an ủi. Hồi 2009 mình đi Bali, đi về thì hôm trước hôm sau ông bạn đi cùng sốt 40 độ nhập viện lâm sàng nhiệt đới vì H1N1. Cả đoàn run cầy sấy, mình thì run nhất vì trên máy bay ngồi cạnh cậu ấy, xong lại còn tiếc tiền không mua cà phê mà uống chạ của cậu ta mấy ngụm. Đấy là ngay trước hôm cậu ta nhập viện, nghĩa là cậu đã ủ bệnh suốt cả tuần rồi, chắc từ lúc vừa rời Nội Bài. Rồi ngày xưa ông cùng nhà mình bị viêm gan B. Hội sinh viên nội trú (ổ lây truyền nhanh nhất các bệnh truyền nhiễm) quanh năm đau mắt đỏ, quai bị… suốt ngày lên bàn giáo viên chí vào mặt mình thì thầm “Cô ơi em quai bị sốt quá cô cho em về sớm với” khiến cô giật nảy mình.
Nhưng đời mình từ lúc sơ sinh đến giờ chả bị dính bất cứ một bệnh truyền nhiễm nào, từ lúc còn quấn tã tới nay cũng chỉ sốt có vài lần. Mình đi qua dịch sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, quai bị, thủy đậu, H1N1, viêm gan A, B, các loại cúm… êm ru như được miễn nhiễm và vô trùng, dù tiếp xúc khắng khít với người bệnh và ngày xưa cũng toàn ở khu dân cư lao động đông lúc nhúc chứ nào có phải villa biệt lập gì. Mình lên Tây Tạng không gặp bất cứ phản ứng sốc cao nguyên nào dù khoa học thống kê 80% người sẽ bị triệu chứng. Vào những đợt ăn kiêng, ngày mình ăn có một bữa, mà toàn ăn lăng nhăng cơm nắm muối vừng vẫn lêu bêu vượt gió lên Everest hay lang thang ngoài sa mạc nắng cháy suốt 12 tiếng đồng hồ. Hàng trăm người đi phượt cùng mình, dù nam phụ lão ấu đều đặt biệt danh cho mình là Buffalo. Cho đến giờ thực tế cũng chưa thấy ai vượt qua Buffalo về sức khỏe cả. Thế mà Buffalo vẫn còn cẩn thận và nghiêm túc phòng dịch, ấy là vì trách nhiệm chung với mình và với người. Vì bọn khỏe một khi đã bị là lây nhiễm rất mạnh, dù chả có triệu chứng gì, khoa học gọi là người “siêu lây nhiễm”. Còn bạn nào đời đã ít nhiều bị lên sởi với thủy đậu, rồi lớn rồi mà vẫn còn hay sốt, ăn lúc nào cũng phải đủ 3 bữa không thì hoa mày chóng mặt lên thì không nói hay được đâu. Kính mong các bác giữ gìn giùm, chớ không được nói thân tao tao lo việc đếch gì đến mầy. Mình sợ nhất cái câu “Sống chết có số” đấy. Ở Trung Quốc giờ mà cứ sống chết có số sợ quái gì rồi lên mạng hô hào đừng đeo khẩu trang là bị bắt bỏ tù ngay và luôn ấy, chưa kể bị toàn dân ghét thậm tệ. Bạn mình ở Moscow vừa kể hôm qua đang đi tàu điện ngầm có một nhóm châu Á nghịch ngợm, một ông lăn đùng ra giả vờ ngất xong những ông xung quanh kêu lên Corona rồi. Thế là thiên hạ giẫm đạp lên nhau mà chạy. Lập tức anh chàng nghịch dại đó bị công an đến còng tay áp tải đi và khả năng sẽ phải đối diện với mức án cao nhất là 5 năm tù.
Kính mời các bác xem biểu ngữ của Trung Quốc đang được dăng hàng trên các đường phố lớn nhỏ của Trung Hoa đại lục. “Ta ở nhà ta đầy kiêu ngạo…”
Nhà văn Di Li
Tin liên quan:
✔️ Triệu chứng nhiễm corona qua từng ngày
✔️ Làm thế nào bảo vệ được chính bạn khỏi virus corona?
✔️ Dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng trong “mùa” dịch COVID-19 (nCoV)
✔️ 10 điều “kinh điển” cho mùa dịch corona
✔️ “Đừng để diễn ra tình trạng phải lùng bắt người nghi nhiễm và người nhiễm…”
✔️ Không phải kỳ thị mà là biện pháp ngăn chặn lây lan dịch bệnh
✔️ Đặt cược bằng sinh mạng của con cái người khác
✔️ Thư gửi các bậc phụ huynh mùa dịch COVID-19…
✔️ Địa ngục trần gian
✔️ Vũ Hán ăn năn: Trung Quốc đã bỏ lỡ thời kỳ quan trọng để khống chế dịch virus corona như thế nào?
✔️ Virus corona: Chính quyền Trung Quốc và quả báo gian dối
Bài về chủ đề Khủng hoảng: