Bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và những bài học trong thời đại ngày nay

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã lùi xa vài thập kỷ kể từ ngày 17-2-1979, khi 600.000 quân Trung Quốc tràn qua biên giới tấn công xâm lược 6 tỉnh biên giới Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km. Source: https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/bao-ve-chu-quyen-thieng-lieng-cua-to-quoc-va-nhung-bai-hoc-trong-thoi-dai-ngay-nay/842941.antd
Nhắc lại cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 để các thế hệ mai sau trân trọng giá trị của hòa bình, hiểu rõ tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu và thấy được trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trong thời đại ngày nay.

Bộ đội biên phòng Cao Bằng tuần tra thác Bản Giốc.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã lùi xa vài thập kỷ kể từ ngày 17-2-1979, khi 600.000 quân Trung Quốc tràn qua biên giới tấn công xâm lược 6 tỉnh biên giới Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200 km. Bốn thập kỷ cũng là quãng thời gian đủ để một thế hệ sinh ra, lớn lên, thậm chí là quá nửa đời người.

Lịch sử minh định tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu


Với lịch sử, bốn thập kỷ trôi qua như chớp mắt. Nhưng dù nhìn nhận ở góc độ nào thì cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của chúng ta sau bốn thập kỷ đã có đủ khoảng lùi để nhìn nhận khách quan, toàn diện hơn tầm vóc ý nghĩa lịch sử của nó. Đặc biệt, có một điều không thể bào chữa hoặc bóp méo, đó là tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến. Lịch sử còn giúp tưởng nhớ, tôn vinh và nhắc nhở chúng ta trách nhiệm ghi tạc, tri ân công ơn của những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến, hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đó là một trang ký ức bi tráng, hào hùng trong lịch sử dân tộc hơn 4.000 năm giữ nước và dựng nước.

Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc ngày nay đã được bình thường hóa, khôi phục và phát triển nhanh chóng. Hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và chân thành mong muốn thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu.

Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng đất nước sau này. Lịch sử cho thấy, việc không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, là hoàn toàn phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước, góp phần củng cố hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

Nhưng sự thật lịch sử là không thể bóp méo hoặc đảo ngược. Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 là cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của quốc gia. Cuộc chiến đấu này cần được lịch sử ghi lại để thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về sự quả cảm của thế hệ đi trước trong bảo vệ chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ bằng mọi giá.

Dù hơn bốn thập kỷ đã trôi qua, nhưng trong mỗi lần gặp mặt, nhắc lại cuộc chiến đấu tháng 2-1979, những cựu chiến binh, những người con từng quên mình vì Tổ quốc ngày ấy giờ vẫn nhớ như in từng mỏm núi, con đèo, khe sâu… nơi họ đã bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của quê hương, đất nước. Nhắc lại cuộc chiến đấu này và những gì xảy ra ở biên giới phía Bắc năm 1979, để các thế hệ mai sau trân trọng giá trị của hòa bình. Bởi cả nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đều mong muốn hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới


Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong tình hình mới đang đứng trước những cơ hội thuận lợi và không ít khó khăn, phức tạp, thách thức đan xen. Tư duy về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cũng đòi hỏi một tầm mức cao hơn, sâu sắc và toàn diện hơn. Mà theo đó, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” vừa là mục tiêu, vừa là quan điểm xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bộ Chính trị (khóa XII) ngày 28-9-2018, đã ban hành Nghị quyết 33-CT/TW về việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Đây là một chiến lược chuyên ngành nằm trong hệ thống chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chiến lược ra đời đã đề cập nhiều nội dung quan trọng, trong đó nội hàm tư tưởng đã thể hiện rõ sự thấu suốt quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các chiến lược quân sự, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Đảng ta trong tình hình mới.

Chiến lược đã xác định được một hệ thống các quan điểm chỉ đạo, nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm đối với biên giới trên đất liền, biển, đảo của Tổ quốc. Trong đó, tiếp tục khẳng định quan điểm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở khu vực biên giới…”. Quan điểm này, có vị trí, vai trò rất quan trọng, nhưng không phải bây giờ mới có mà đã được đúc kết từ thực tiễn lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và được đề cập trong các nghị quyết đại hội của Đảng, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược quân sự, quốc phòng, an ninh.

Trao truyền, giáo dục các thế hệ đời sau


Nhắc nhở cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc là dịp để mỗi chúng ta cùng nâng cao nhận thức, hành động đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đây cũng là dịp trao truyền, giáo dục các thế hệ đời sau hiểu rõ lịch sử, hiểu rõ trách nhiệm tiếp nối cơ đồ, giang san của cha ông để lại, tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc. Nhắc nhở lịch sử cuộc chiến đấu để người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và nhân dân thế giới hiểu rõ tính chính nghĩa của Việt Nam trong bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia - dân tộc.

Bởi vậy, việc cung cấp thông tin quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ trên bộ, chủ quyền trên biển với các nước láng giềng, trong khu vực, cần làm một cách kịp thời, chính xác trên cơ sở tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Có như vậy, chúng ta mới tạo sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Ở vị thế Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam có thêm cơ hội để xây dựng, củng cố niềm tin chiến lược với quốc tế, khẳng định tính chính nghĩa trong quá trình đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới của Tổ quốc. Điều này là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp theo khi tình hình thế giới, khu vực vẫn tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, phức tạp, khó lường.

Tạ Toàn (theo An ninh thủ đô)

Tin liên quan:
✔️ Những ca khuc về một thời máu lửa Chiến tranh Biên giới Việt — Trung
✔️ Về bản chất cuộc chiến tranh Trung Quốc tiến hành với Việt Nam vào năm 1979
✔️ 40 năm Chiến tranh Biên giới Việt–Trung: những điều chưa nói hết
✔️ Chiến tranh biên giới: Ám ảnh từ đáy giếng chôn 43 xác
✔️ Cuộc chiến biên giới 1979: Trao huy hiệu cho hơn 1.600 chiến sỹ Sư đoàn 338
✔️ Một cuộc tọa đàm hết sức sôi nổi và cảm động
✔️ Sử dụng vũ khí sinh học, quét sạch nước Mỹ
✔️ 75 năm Quân đội Nhân dân Việt Nam
Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ