Chúng ta nên nhìn về đâu? Nhìn lên trên, nhìn xuống dưới, hay chỉ chăm chăm nhìn vào con đường mình đang đi? Có ba thứ linh đạo khác nhau: Linh đạo Hướng thượng, Linh đạo Nhập thế, và Linh đạo Bảo dưỡng, và linh đạo nào cũng quan trọng cả.
Linh đạo Hướng thượng là linh đạo mời gọi chúng ta ra công gắng sức cho những gì cao quý hơn, bền vững hơn, cho những điều đòi hỏi chúng ta và nâng chúng ta (nói bóng bảy là như thế) vượt lên những lối mòn luân lý và đạo đức mà chúng ta vẫn tự quan niệm về chính mình. Linh đạo Hướng thượng nói với chúng ta rằng, chúng ta có thể tốt đẹp hơn, chúng ta có thể siêu việt hoá những gì là tầm thường và phá vỡ những giới hạn cũ kỹ, cho đến nay vẫn kềm hãm, giới hạn chúng ta lại. Linh đạo này cho chúng ta biết, nếu chúng ta biết tự đòi hỏi bản thân, biết tự nỗ lực cho đủ, chúng ta có thể đi trên mặt nước, có thể trở nên những vị đại thánh, được thôi thúc, được cháy lửa Thánh Thần và được cảm nếm trước niềm vui phong nhiêu của Nước Trời. Linh đạo này cho chúng ta biết, sự thánh thiện cần phải trả giá bằng những nỗ lực đi ngược dòng, và chúng ta cần liên lỉ cố gắng hướng đến những mục tiêu cao cả hơn.
Có một sự tương đồng, tương ứng với linh đạo này nơi lãnh vực thế tục, và đấy là lý do chúng ta thường được nghe các học viện, đại học chẳng bao giờ ngừng thôi thúc các học viên, các nghiên cứu sinh của mình rằng, hãy dám mơ những giấc mơ lớn, hãy dám bay cao, lên đến tận các vì sao.
Có nhiều điều để bàn về những lời mời gọi như thế. Phần lớn Tin Mừng chính là kiểu thách đố cùng loại: hãy hướng nhìn lên; hãy dám nghĩ; hãy thao thức; hãy dám tin rằng mình là con cái của Thiên Chúa và hãy dám sống sự thật lớn lao ấy; hãy để cho những lời của Chúa Giêsu chất vấn bạn; hãy để cho tinh thần của Giêsu đổ tràn trên bạn; hãy để cho những lý tưởng tốt đẹp biến đổi bạn nên quảng đại, rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, Tin Mừng cũng mời gọi chúng ta đến với Linh đạo Nhập thế. Linh đạo này nhắn nhủ chúng ta hãy làm bạn với hoang mạc, với Thập giá, với tro với bụi, với sự tự huỷ, với sỉ nhục, với bóng tối, và với cả cái chết nữa. Linh đạo này cho chúng ta biết, chúng ta trưởng thành không chỉ nhờ những bước đi lên, nhưng còn nhờ những bước “xuống núi” nữa. Chúng ta cứng cáp hơn khi để cho hoang mạc trui rèn chúng ta, khi từ bỏ những giấc mơ từng ấp ủ và nhận lấy thập giá, khi để cho những sỉ nhục xảy tới cho mình, giúp chúng ta sống bản lãnh hơn, khi can đảm đối diện với những đảo điên nơi chính cuộc đời chúng ta, khi biết sống an hoà với kiếp phải chết của mình. Linh đạo này chỉ cho chúng ta thấy, nhiều khi, sứ mệnh của chúng ta, cả tâm linh lẫn tâm lý, không phải là ngước nhìn lên trời, nhưng là hướng nhìn xuống đất, ngồi trong tro bụi cô đơn và tủi nhục, nhìn chằm chằm vào cái hoang mạc bất tận bên trong chúng ta, và xoay xở để chân nhận, để chấp nhận vui sống với những giới hạn, và cái kiếp mong manh phải chết vốn gắn liền với kiếp người của mình.
Trong lãnh vực thế tục, không có nhiều quan điểm tương đồng với linh đạo loại này (dầu vậy bạn vẫn nhận thấy có nơi những kết luận tinh tuý nhất của ngành tâm lý và nhân chủng học). Thách đố “Xuống núi” kiểu này, ít khi bạn nghe được từ các bậc thầy tâm linh.
Tuy nhiên, còn có một loại linh đạo khác, một thứ linh đạo rất quan trọng, tên gọi là Linh đạo Bảo dưỡng. Linh đạo này mời gọi chúng ta biết tự chăm sóc bản thân, ý thức rằng hành trình tâm linh là một cuộc đua đường trường (marathon), chứ không phải là một cuộc đua nước rút, do vậy, cần quan tâm đến những giới hạn bản thân. Chúng ta hết thảy, không phải là những lực sỹ tâm linh. Sự mệt mỏi, chán nản, cô đơn và sự yếu đuối (cả thể xác lẫn tinh thần) có thể đánh gục chúng ta, nếu chúng ta không cẩn thận chăm lo cho chính mình.
Linh đạo này cảnh báo chúng ta về cả hai thứ: một là hướng thượng sốt mến thái quá, hai là ngây ngô “xuống núi” nhập thế. Linh đạo này nhắc nhớ chúng ta về những uể oải, chán nản, tẻ nhạt mà chúng ta sẽ gặp phải trên đường, và rằng, chúng ta nên “làm một ly” khi cần, cũng như hãy để ý đến sự mệt mỏi của bản thân, biết đâu đó là dấu chỉ cho thấy, khi ấy, tốt cho tâm linh chúng ta hơn, nếu chúng ta nằm ườn để xem một chương trình thực tế vui nhộn, một sự kiện thể thao hơn là xem một kênh truyền hình chuyên về tâm linh.
Linh đạo này nhắc chúng ta hãy tôn trọng sự thật là: những khi tâm trạng mệt mỏi, yếu đuối, có những thứ dấn thân, “xuống núi” chúng ta không nên làm, không thực hiện. Linh đạo này không phủ nhận rằng, chúng ta cần phải nỗ lực bước lên những tầm cao mới, và rằng, nhiều khi chúng ta cần can đảm đến đối mặt với những đảo điên, với những hoang mạc bên trong mình; nhưng linh đạo này cũng cảnh báo rằng, chúng ta cũng cần lượng định xem, lúc nào thì mình có thể và không thể đảm đương, xoay sở được.
Một linh đạo đúng đắn thì không đặt bạn lên một cái băng chuyền đa năng, một con đường cho mọi người, nhưng suy xét đến những yếu tố cần thiết giúp bạn bảo toàn được sức lực và sự minh mẫn trong một hành trình đường trường.
Quan điểm của Linh đạo Bảo dưỡng có sự tương đồng nơi lãnh vực thế tục, và chúng ta có thể học biết được nhiều điều nơi nền văn hoá của chúng ta, một nền văn hoá nhấn mạnh đến việc gìn giữ sức khoẻ thể chất nhờ tập thể dục, ăn kiêng và những thói quen lành mạnh. Nhiều khi, trong nền văn hoá của chúng ta, quan điểm ấy trở nên phiến diện và thái quá, nhưng vẫn có điều gì đó mà các linh đạo rút tỉa được: cụ thể đó là, sứ mạng trần thế không chỉ là lớn lên, trưởng thành và can đảm đương đầu với những bóng tối và thân phận phải chết của mình. Nhiều khi, rất nhiều khi, việc thực tế, thiết thực và cấp bách nhất cần làm, đơn giản là, hãy sống khoẻ, sống lành mạnh, vui vẻ.
Các linh đạo khác nhau thì nhấn mạnh tới một trong những khía cạnh này là: Hướng thượng, Nhập thế, hoặc (ít thấy hơn) Bảo dưỡng, nhưng một linh đạo đúng đắn thì nhấn mạnh tới cả ba điểm trên. Hãy biết nhìn lên, nhưng cũng đừng quên nhìn xuống, và giữ cho đôi chân bạn vững chãi trên nền đất.
Tin liên quan:
✔️ Chuyện nọ xọ chuyện kia
✔️ Thầy có nhớ em không?
✔️ “Thực tế” và “thực dụng”
✔️ Không gì chóng quên bằng người chết… hay “Nhật ký sau khi chết”!
✔️ Một cuộc đời thành đạt
Fr Ronald Rolheiser
Chuyển ngữ: Nhóm Phiên dịch Mai Khôi
https://catholicherald.co.uk