❓ Cha có thể viết một bài viết cho con về linh tông không thưa cha để con hiểu thêm về linh tông! (Vì sao con người ta lại nhận linh tông? Vì lý do gì nhận linh tông? Vì sao mình lại nhận linh tông?) Con cảm ơn cha rất nhiều. Con chúc cha luôn bình an và dồi dào sức khỏe qua lời cầu cầu của thánh Phêrô quan thầy của cha! Con hi vọng sớm nhận được sự phản hồi của cha! Con chúc cha ngủ ngon! (VTDA)
👨 Bạn VTDA thân mến,
Linh tông là thuật ngữ đặc thù "nhà đạo" với ý nghĩa là dòng họ thiêng liêng. Dòng họ này không liên quan tới vấn đề huyết thống, dù rằng rất có thể họ cùng chung huyết thống, thí dụ như cháu nhận chú ruột là linh mục làm nghĩa phụ hay linh phụ, thí dụ như hai anh em ruột cùng chung một cha bố v.v...
Nhận cha bố để rồi có anh em linh tông hay nhận người đỡ đầu thiêng liêng trong đời sống tu trì không phải là điều kiện ắt có và đủ để đi tu. Có nhiều người đi tu mà không có cha bố, hoặc không cần có cha bố. Trong khi đó cũng có vị có vài cha bố (!). Linh tông không phải là mốt thời thượng để rồi chúng ta phải chạy theo. Người ta chỉ nhận linh mục làm cha bố khi người ta cảm thấy thật sự cần sự hỗ trợ nào đó trên con đường tu trì, cụ thể là cần được giúp đỡ về vật chất để học hành, sinh hoạt và cần tới sự hướng dẫn tinh thần, thiêng liêng. Và cũng có nhiều linh mục giúp đỡ nhiều người đi tu nhưng nhất quyết không nhận họ làm con thiêng liêng, vì lý do nào đó của riêng ngài.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này chúng ta cần đi ngược lên thế kỷ XVII, tới thời cha Đắc Lộ. Ngài là người có công rất lớn với Giáo hội Việt nam khi tích cực xin đức thánh cha Alexandre VII thành lập hai địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài năm 1659, và cũng là người có công rất lớn với dân tộc Việt Nam về chữ quốc ngữ. Hoạt động của ngài rất có hiệu quả là nhờ ngài biết chọn người cộng tác. Ngài kêu gọi những người có năng lực và huấn luyện họ về giáo lý và khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm. Sau khóa huấn luyện, các cộng sự viên này trở thành các thày giảng, sống chung với nhau và sinh hoạt theo sự hướng dẫn của ngài. Mô hình này trở thành tiền thân cho "Nhà Đức Chúa Trời", là nơi đào tạo linh mục sau này.
Năm 1670 công đồng đầu tiên tại Việt Nam ở Phố Hiến chính thức xác nhận mô hình "Nhà Đức Chúa Trời" như khuôn mẫu tuyển chọn người đi tu làm linh mục. Từ đấy giáo xứ nào có linh mục cũng có "Nhà Đức Chúa Trời" và mời gọi các thiếu niên gia nhập. Tình nghĩa cha con và anh em thiêng liêng cũng xuất phát từ đó. Và đấy là xuất xứ của linh tông như ta thấy bây giờ.
【Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng】
👨 Bạn VTDA thân mến,
Linh tông là thuật ngữ đặc thù "nhà đạo" với ý nghĩa là dòng họ thiêng liêng. Dòng họ này không liên quan tới vấn đề huyết thống, dù rằng rất có thể họ cùng chung huyết thống, thí dụ như cháu nhận chú ruột là linh mục làm nghĩa phụ hay linh phụ, thí dụ như hai anh em ruột cùng chung một cha bố v.v...
Nhận cha bố để rồi có anh em linh tông hay nhận người đỡ đầu thiêng liêng trong đời sống tu trì không phải là điều kiện ắt có và đủ để đi tu. Có nhiều người đi tu mà không có cha bố, hoặc không cần có cha bố. Trong khi đó cũng có vị có vài cha bố (!). Linh tông không phải là mốt thời thượng để rồi chúng ta phải chạy theo. Người ta chỉ nhận linh mục làm cha bố khi người ta cảm thấy thật sự cần sự hỗ trợ nào đó trên con đường tu trì, cụ thể là cần được giúp đỡ về vật chất để học hành, sinh hoạt và cần tới sự hướng dẫn tinh thần, thiêng liêng. Và cũng có nhiều linh mục giúp đỡ nhiều người đi tu nhưng nhất quyết không nhận họ làm con thiêng liêng, vì lý do nào đó của riêng ngài.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này chúng ta cần đi ngược lên thế kỷ XVII, tới thời cha Đắc Lộ. Ngài là người có công rất lớn với Giáo hội Việt nam khi tích cực xin đức thánh cha Alexandre VII thành lập hai địa phận Đàng Trong và Đàng Ngoài năm 1659, và cũng là người có công rất lớn với dân tộc Việt Nam về chữ quốc ngữ. Hoạt động của ngài rất có hiệu quả là nhờ ngài biết chọn người cộng tác. Ngài kêu gọi những người có năng lực và huấn luyện họ về giáo lý và khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm. Sau khóa huấn luyện, các cộng sự viên này trở thành các thày giảng, sống chung với nhau và sinh hoạt theo sự hướng dẫn của ngài. Mô hình này trở thành tiền thân cho "Nhà Đức Chúa Trời", là nơi đào tạo linh mục sau này.
Năm 1670 công đồng đầu tiên tại Việt Nam ở Phố Hiến chính thức xác nhận mô hình "Nhà Đức Chúa Trời" như khuôn mẫu tuyển chọn người đi tu làm linh mục. Từ đấy giáo xứ nào có linh mục cũng có "Nhà Đức Chúa Trời" và mời gọi các thiếu niên gia nhập. Tình nghĩa cha con và anh em thiêng liêng cũng xuất phát từ đó. Và đấy là xuất xứ của linh tông như ta thấy bây giờ.
【Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng】