Từ "giáo sĩ trị" đang rất "hot" trên mạng hiện nay. Nhờ mạng xã hội lan truyền nhanh chóng, các tin đó làm cho người ta cảm thấy dường như toàn bộ giáo sĩ là sai trái, cần đả phá tất cả, đạp đổ tất cả. Nhớ rằng, thường khi chúng ta quy mọi sai trái về vấn đề này vào thời trung cổ, thì thời ấy vẫn có rất nhiều giáo sĩ thánh thiện với hoa thơm quả ngọt vẫn còn ảnh hưởng đến lối sống đạo đức hôm nay, trong đó, không ít người được tuyên thánh.
Chẳng cần đi vào các tuyên ngôn, văn bản về giáo sĩ trị của toà thánh, chúng ta nói tới thực trạng của vấn đề tại Việt Nam. Đó là não trạng gia trưởng hệ luỵ to lớn của xã hội Khổng Giáo. Do vậy, việc nuôi dưỡng "tính cách giáo sĩ trị" không chỉ đến từ sai lầm của các linh mục, giám mục, mà cả từ nơi giáo dân nữa. Bởi từ sự thụ động của mình, người ta trao tất cả trách nhiệm quyền hành vào tay giáo sĩ và phó thác mọi sự. Hãy tích cực tham gia, nhận lấy phận vụ của mình, kính trọng nhau cách phải lẽ, đừng quá đáng, cũng đừng từ thái cực này sang thái cực kia: "Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính" (Mt.10,40-41).
Ngày nay, Giáo Hội, qua Đức Phanxicô, muốn mọi thành phần dân Chúa tham gia cách tích cực hơn để xây dựng Hội Thánh như một gia đình của Thiên Chúa, một cộng đoàn bác ái yêu thương. Trong chiều hướng đó, chính Đức Thánh Cha đã nói tới "giáo sĩ trị như là một ung nhọt, một căn bệnh ung thư" cần trị tận gốc. Hiểu cách tích cực, cả giáo sĩ cả giáo dân cần phải thay đổi cách thức phục vụ. Điều tiên quyết là cần khiêm tốn hạ mình xuống. Đó là nhân đức hàng đầu trong việc thay đổi "nạn giáo sĩ trị". Tuy nhiên, phong trào bài giáo sĩ trị có vẻ như đang đi quá hăng say và mất hướng.
Mất hướng vì trong khi hưởng ứng lời canh tân Hội Thánh, nhiều người trong đó có các giáo sĩ đã học cách khiêm tốn, âm thầm giản dị, thì nguy thay, đã có nhiều phần tử trong Hội Thánh "té nước theo mưa" nhảy lên chiếm ngôi cao trở thành người phán xử. "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?". "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam,... " (Lc. 12, 13-15). Ở đây là sự tham lam danh vọng, vị trí cao trọng vốn bản thân họ thầm kín mơ ước. Chúa Giêsu đã không muốn trở thành người phán xử hay người đứng sai vị trí của mình. Người cũng muốn chúng ta nên làm thế, hãy đứng đúng vị trí của mình.
Mất hướng khi những người không xứng đáng tự nhận quyền xét xử. Thật là nguy hại khi quyền vào tay những người như thế. Điều này bao gồm cả những người đang tự nhận mình là người diệt trừ nạn giáo sĩ trị. Nhiều facebookers, không biết là giáo dân hay tu sĩ linh mục, có những nick nghe thật đáng sợ vi có tính hung hăng, máu lửa trong vụ ăn theo để bài trừ nạn giáo sĩ trị này. Hãy nhớ tới những sai lầm trong quá khứ khi quyền lực vào tay những người nông dân tưởng/vốn hiền lành chất phác khi đấu tố người khác, trong đó có cả các linh mục tốt lành bị oan ức.
Để có thể chung tay xây dựng Hội Thánh, bài trừ nạn giáo sĩ trị, mỗi người chúng ta, không phân biệt bậc sống, cần thay đổi chính bản thân mình để trở nên hiền lành và khiêm nhường theo gương Chúa Giêsu. Chúng ta có đang theo lối sống của Chúa không: "Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi". Hay chúng ta đang hô to hét lớn, kêu gọi bè phái, đang đánh hội đồng ai đó, một người nào đó mà chúng ta cho là có tính giáo sĩ trị? Và tự hào rằng mình trở thành người "trị giáo sĩ"?
【Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng】