Nhà cầu nguyện

Dường như thế giới hiện nay đang có thái độ khước từ những gì thánh thiêng. "Trong thời đại của chúng ta, một ý niệm hết sức giả dối đang được phổ biến, cho rằng tâm thức tôn giáo vốn đã tự nhiên ăn sâu nơi con người là điều ngẫu nhiên hoặc tưởng tượng, và do đó, phải bị nhổ bỏ hoàn toàn khỏi tâm trí vì không phù hợp với tinh thần của thời đại và sự tiến bộ của văn minh." Thật hãi sợ khi nhìn thấy những kẻ tuyên truyền cho những ý tưởng này, những kẻ tự nhận là văn hóa cao. Ai cũng tin có một ‘Đấng Nào Đó’ cai quản vũ trụ, ấy là Đấng không bị ràng buộc bởi kiến thức hoặc kỹ thuật của nhân loại. "Con người thời này không có đức tin, nhưng lại đầy những dị đoan."
Bài đọc I (Kh 10, 8-11)
Tôi là Gioan, tôi đã nghe có tiếng từ trời phán cùng tôi rằng: "Ngươi hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trên tay thiên thần đứng trên biển và trên đất". Tôi liền đến xin thiên thần trao cho tôi cuốn sách ấy và người nói với tôi: "Ngươi hãy cầm lấy sách mà nuốt đi; nó sẽ làm cho ruột gan ngươi đầy cay đắng, nhưng miệng ngươi lại cảm thấy ngọt ngào như mật". Tôi cầm lấy cuốn sách từ tay thiên thần mà nuốt; miệng tôi cảm thấy ngọt ngào như mật, nhưng khi tôi đã nuốt rồi thì nó làm cho ruột gan tôi đầy cay đắng. Bấy giờ tiếng lại phán cùng tôi rằng: "Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều nước, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua chúa nữa".
Đáp ca (Tv 118,14.24.72.103.111.131)
Đáp: Những lời sấm của Chúa ngon ngọt thay cho cổ họng con (c. 103a).

1. Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang.
Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con.

2. Đối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn.
Những lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con.

3. Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời, vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ.
Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài.
Tung hô Tin Mừng (Tv 118,34)
ALLELUIA. – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia.
Tin Mừng (Lc 19,45-48)
Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: "Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp". Và hằng ngày Người giảng dạy trong Đền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.
"Cụ ơi, giãn cách nên nhà thờ không mở cửa, cụ về nhà đọc kinh nha..." - câu chuyện của mới năm ngoái thôi!

1. Chúa Giêsu xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ


Bài đọc I hôm nay trích quyển một, sách Maccabê kể lại câu chuyện tướng Giuđa Maccabê và anh em ông đánh thắng đội quân ngoại giáo hùng mạnh. Sau chiến thắng trên mặt trận, Giuđa và các anh em quyết định thanh tẩy Đền Thờ và thánh hiến cung thánh đã bị dân ngoại tục hóa. "Tế đàn đã được khánh thành giữa tiếng ca vãn, với tiếng đàn cầm đàn sắt và chũm choẹ. Toàn dân sấp mặt xuống đất và thờ lạy chúc tụng Thiên Chúa, Đấng đã cho họ được thành công. Họ cũng làm lễ cung hiến Tế đàn suốt tám ngày, và hân hoan dâng lễ thượng tiến và tế lễ vật kỳ an, cảm tạ. Họ trang hoàng mặt tiền cung thánh với những triều thiên vàng và những thuẫn nhỏ; họ tu bổ các cửa và các phòng và tra cánh cửa các phòng ấy. Thực là một niềm vui khôn xiết cho dân, và sự nhục nhã do dân ngoại đã được gột rửa." Giuđa và các anh em cùng các lãnh tụ trong dân quyết định hằng năm vào mùa đó sẽ tổ chức kỷ niệm lễ cung hiến Đền Thờ. Sau nhiều năm ô nhục, Dân Chúa đã dâng lời chân thành cám tạ Thiên Chúa vì đã giải thoát họ sau thời gian trông đợi lâu dài.

Bài Phúc âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu nổi giận vì nạn thương mại hóa Đền Thờ. Chúa xua đuổi những người buôn bán ra khỏi tiền đường Đền Thờ, nơi họ đã biến thành một cái chợ. "Sách Xuất Hành (23:15) truyền cho dân Do Thái không được vào Đền Thờ tay không, nhưng phải mang một của lễ để dâng hiến. Đế tạo điều kiện thuận lợi cho khách hành hương từ xa đến, người ta đã lập một khu chợ ngay trong sân Đền Thờ, buôn bán súc vật và các vật phẩm dùng trong sự hiến tế. Ban đầu, việc này xem ra có ý nghĩa, nhưng thời gian trôi qua, mối lợi kinh doanh trở thành mục đích chính trong việc buôn bán các của lễ; có lẽ các thầy tư tế và những người phục vụ Đền Thờ được hưởng lợi, và thậm chí còn đứng ra điều hành việc kinh doanh này nữa. Kết quả là Đền Thờ trông giống như một khu chợ buôn bán súc vật hơn là một nơi phụng thờ Thiên Chúa."

Sôi sục lòng nhiệt thành với nhà Cha, Chúa Giêsu đã hành động: "Người lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng vơi chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ." Chúa dùng một câu danh tiếng của ngôn sứ Isaia để tuyên bố mục đích của Đền Thờ: "Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện", và cay đắng thêm rằng, "nhưng các ngươi đã biến thành hang trộm cướp". Chúa muốn để lại cho chúng ta một tấm gương muôn đời về thái độ phải có đối với các nơi thánh. Chúng ta hãy vào các thánh đường với một thái độ tôn kính chân thành đối với Chúa Giêsu, Đấng đang ngự thật trong Nhà Tạm. "Trong việc đạo đức cũng có một thứ lịch thiệp. Bạn hãy học cho biết. Thực xấu hổ khi thấy những người đạo đức mà không biết cách tham dự thánh lễ, làm dấu Thánh Giá mà ngoái vội vài cử chỉ bâng quơ, bái gối trước Mình Thánh với vẻ bôi bác, và không biết cúi đầu trước ảnh tượng Đức Mẹ."

2. Đền Thờ là nơi cầu nguyện


"Nhà Ta sẽ được gọi là nơi cầu nguyện." Thật là một lời tuyên bố sáng sủa không thể quên được! Chúng ta phải tôn trọng ý định của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đến nhà Chúa với tình yêu, niềm vui, và lòng trọng kính sâu xa. Chính Thiên Chúa đang đợi chờ chúng ta tại đó.

Mọi người chúng ta đều quen với hình thức nghi lễ trong những dịp lễ của quốc gia, đời sống chính trị, môi

trường học thuật, và những biến cố thể thao. Chúng ta biết những nghi thức này có những điều buộc mọi người phải tuân giữ. Đây là điều hệ trọng. Các nghi thức được phong phú thêm nhờ những chi tiết trang phục, trật tự, diễn tiến, và cung cách tổ chức.

Chúng ta cũng thấy các nghi thức truyền thống trong việc cưới hỏi. Khi thực sự quan tâm đến nhau, người ta bộc lộ tình yêu qua những chi tiết truyền thống để thể hiện tình cảm. Như thế, chiếc nhẫn đính hôn là biểu tượng tình yêu giữa người nam và người nữ. Khi trao nhẫn cho hôn thê của mình, người thanh niên tuân theo một nghi thức đơn sơ, nhưng biểu lộ những cảm tình sâu đậm của anh. Nói cho cùng, con người là hợp thể giữa xác và hồn. Họ cần biểu lộ những cảm xúc, những niềm tin ra các việc bên ngoài. Khi thấy một người cung kính bái gối trước Nhà Tạm, chúng ta biết người ấy tin vào sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa ở đó. Cử chỉ phát xuất từ thâm tâm, giúp mỗi người và mọi người có thêm niềm tin và tình yêu. Đồng thời, những cử chỉ ấy cũng là gương sáng, như lời Đức Gioan Phaolô II đã nói về vấn đề này. Khi còn trẻ, ngài ghi đậm ấn tượng về lòng đạo đức sâu xa và chân thành của thân phụ: "Chỉ nhìn thấy ông quỳ gối, một ảnh hưởng nhất định đã tác động dài theo năm tháng cuộc đời tôi."

Người tín hữu biểu lộ đức tin qua nhiều dâu chỉ và biểu tượng: bái gối, cung giọng phụng vụ, sử dụng trầm hương, quý trọng các vật thánh, mỹ thuật thánh, và phẩm giá của thánh nhạc. Chính vẻ uy nghiêm của các yếu tố phụng vụ càng tôn thêm tâm tình thờ phượng của chúng ta đối với Chúa. Khi nghiên cứu những kho tàng nghệ thuật của thế kỷ XVI và XVII, chúng ta nhận thấy mỗi vật phẩm đều có giá trị theo tỷ lệ tương quan giữa vật ấy đối với Thánh Thể. Trên một số bình thánh, ta phải nhìn thật kỹ mới thấy được những công phu của nghệ nhân, dường như phẩm vật này được sáng tác cho một mình Thiên Chúa. Thật xúc động trước một tình yêu như thế đối với Thiên Chúa, qua một đức tin thật mãnh liệt.

Chúa vui lòng với việc chúng ta chào kính Người khi bước vào nhà thờ. Chúng ta kính chào Chúa trước hết. Chúng ta hãy cố gắng đến nhà thờ sớm, một vài phút trước khi thánh lễ khai mạc. Chúng ta đặt bao nhiêu tình yêu của chúng ta trong những lần bái gối? Chúng ta có giữ tư thế cung kính trước sự hiện diện của Chúa hay không? Chúng ta có thể hiện qua hành động và cử chỉ, rằng chúng ta tin thực Chúa đang ngự trong nhà Chầu hay không?

3. Ý nghĩa việc tôn thờ đích thực


Chúa đã ban cho Môsê những lời hướng dẫn rất tỉ mỉ liên quan đến việc thờ phượng. Người dạy cụ thể về cách làm nhà tạm, hòm bia thánh, và bàn thờ. Chúa ban cho Môsê những chỉ dẫn về đồ thờ và lễ phục. Người giải thích các nghi thức chuẩn bị lễ vật. Người kể ra các đại lễ phải mừng. Thiên Chúa tuyển chọn chi tộc và những người được cử hành phụng tự.

Trên núi Sinai, Thiên Chúa dạy cho dân Do Thái phải kính trọng các đồ vật được sử dụng trong việc phượng tự, vì họ dễ bị ảnh hưởng các tôn giáo ngoại bang. Thiên Chúa muốn dân Người phải có một lòng tôn trọng sâu xa đối với những sự thánh. Chúa Giêsu Kitô đã đề cao giáo huấn này bằng một tinh thần mới mẻ. Nhiệt tâm của Chúa Kitô đối với Đền Thờ là căn bản cho Tin Mừng. Qua việc xua đuổi những người lái buôn ra khỏi Đền Thờ, Chúa Giêsu đã khẳng định chủ ý của Người. Chúa đã dùng những lời mạnh mẽ khi đề cập về đề tài này: "Đừng lấy của thánh mà cho chó; và đừng ném ngọc quý trước bầy heo."

Dường như thế giới hiện nay đang có thái độ khước từ những gì thánh thiêng. "Trong thời đại của chúng ta, một ý niệm hết sức giả dối đang được phổ biến, cho rằng tâm thức tôn giáo vốn đã tự nhiên ăn sâu nơi con người là điều ngẫu nhiên hoặc tưởng tượng, và do đó, phải bị nhổ bỏ hoàn toàn khỏi tâm trí vì không phù hợp với tinh thần của thời đại và sự tiến bộ của văn minh." Thật hãi sợ khi nhìn thấy những kẻ tuyên truyền cho những ý tưởng này, những kẻ tự nhận là văn hóa cao. Ai cũng tin có một ‘Đấng Nào Đó’ cai quản vũ trụ, ấy là Đấng không bị ràng buộc bởi kiến thức hoặc kỹ thuật của nhân loại. "Con người thời này không có đức tin, nhưng lại đầy những dị đoan."

Chúa Giêsu cho chúng ta biết Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Giáo Hội cũng dạy chúng ta rất tỉ mỉ về việc phượng thờ Người. Những hướng dẫn này là cách biểu hiện tình yêu và niềm tin kính của Giáo Hội đối với Thiên Chúa. Mẹ Giáo Hội muốn mọi nhà thờ đều là một nhà cầu nguyện đúng nghĩa. Thánh lễ là trung tâm và cội nguồn của đời sống Kitô hữu. "Các mục tử phải lo liệu để mọi nhà thờ và nhà nguyện công, nơi Thánh Thể được lưu giữ, phải mở cửa ít nhất vài giờ vào buổi sáng và buổi chiều tối để các tín hữu có thể dễ dàng đến cầu nguyện trước Thánh Thể. Sự hiện diện của Thánh Thể phải được biểu thị cách truyền thống, chẳng hạn bằng một chiếc đèn chầu. Thánh Thể phải được lưu giữ trong một nhà tạm chắc chắn, không thể bị xúc phạm, đặt giữa bàn thờ chính hoặc trên một bàn cạnh, nhưng ở một nơi dễ nhận thấy. Phải tiện cho việc cầu nguyện tư để các tín hữu, với lòng sốt sắng cá nhân, có thể liên tục đến tôn kính Chúa trong nhiệm tích này một cách dễ dàng và kết quả." Những tập quán này, trước tiên và trên hết, là những biểu hiện tình yêu của chúng ta đối với Chúa Giêsu Kitô. Thứ đến, đó cũng là những dấu chỉ cho biết sự hiện diện của Chúa. "Vì vậy, các mục tử hãy giảng dạy để ai nấy đều sốt sắng mộ mến đề cao việc phụng thờ tôn kính Thiên Chúa, và sốt sắng noi gương Đấng đã từng nói... ‘Nhiệt tâm nhà Chúa làm hao tổn thân tôi’ (Tv 68:9)."

Francis Fernandez
Chuyển ngữ: Mathia Ngọc Đính

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ