Trong Sài Gòn và các tỉnh Phía Nam sự học khác nhiều với phía Bắc. Ở trong Nam các trung tâm dạy nghề, dạy từng kỹ năng nghề rất nhiều và đông học viên. Người ta đi học vì cần bổ túc nghề, cần kỹ năng sống, kỹ năng làm việc. Mục tiêu rõ ràng, ngắn gọn và thực tế, sự học được phổ cập rộng rãi nhờ các trung tâm với thời lượng học ngắn, khối kiến thức đủ cho người cần, tính ứng dụng cao, nên ở các lớp học ấy có đủ thành phần từ công nhân đến các trí thức, họ học thật, tìm kiếm thứ mình thiếu để hoàn thiện mình, học để sống tốt hơn, làm việc tốt hơn. Mấy năm sống ở Sài Gòn tôi đã mở mắt và hoàn thiện nhiều kỹ năng cho bản thân từ các lớp học ngắn ấy, các kỹ năng tôi không thể có được do cách định hướng khi học ở hệ thống giáo dục phía Bắc.
▓ Hình ảnh một số trung tâm dạy nghề đủ thể loại, lãnh vực ở phía Nam.
Ở phía Bắc nguời ta chú trọng đến sự học dài hơi, có tính hệ thống chính quy kiểu học tầm chương trích cú các giáo trình nặng nề với các kỳ thi mệt mỏi và thi xong đỗ rồi nhìn lại thấy kỹ năng làm việc vẫn gần số không tròn trĩnh. Một sinh viên tốt nghiệp từ các trường đào tạo phía Bắc nếu được trải nghiệm thêm 1 hay 2 năm môi trường giáo dục ngắn từ các trung tâm phía Nam thì rất hay bởi khi đó những kiến thức ở trường sẽ được soi sáng và tiêu hoá để thàng năng lượng thực sự.
Có một thời gian mô hình trung tâm đào tạo ngắn từ phía Nam nở rộ ở phía Bắc nhưng dần chết yểu bởi tư duy của dân Bắc là học ở các trung tâm đó không có bằng chính quy họ trọng cái giấy chứng nhận hơn sự có kỹ năng thật. Và trong các mô hình trung tâm ấy chỉ duy nhất mô hình trung tâm dạy ngoại ngữ là tồn tại bởi vì ban đầu họ cần cái chứng chỉ cho vào hồ sơ, sau thì thấy có học có hơn và tính ưu việt của việc học ở đó hơn hẳn ở trường nên trung tâm ngoại ngữ tồn tại.
Học hành là thứ công việc nhọc nhằn cho cả người học và người dạy. Câu hỏi học để làm gì nó trả lời anh chọn học thế nào. Một người bạn của tôi là giáo viên có vợ dạy ngoại ngữ giỏi nhưng con anh ấy học ngoại ngữ và giao tiếp được là nhờ anh ấy khuyến khích con cái hoà nhập môi trường giao tiếp, rất nhọc công anh tạo ra môi trường bằng cách mời về nhà anh các anh Tây ba lô, cho con cái anh trải nghiệm các chuyến đi có người nước ngoài tham gia. Những cậu bé nói và giao tiếp giỏi trong khi mẹ thì không giao tiếp và nghe được, nhưng bù lại chị sửa được cho các con mình các sai sót ngữ pháp hay cách hành văn có tính văn phạm. Anh bạn tôi nhọc nhằn tìm phương pháp bổ khuyết cái anh thấy thiếu ở việc dạy và học trong trường.
Sơ lược vài ý như thế để nói rằng việc học, và cả dạy học cần được tự do hơn, mục đích của việc học sẽ do người muốn học chọn, và họ sẽ chọn tốt nhất cho bản thân vì họ cần.
Sự tự chủ và quyền tự chủ đào tạo phải được trả cho người ta thật sự. Đến mặc cái áo kiểu gì còn phải báo cáo thì tự chủ thế mịa nào được. Cứ để các trường làm thứ họ muốn làm miễn là không trái luật, cứ để các sinh viên chọn nơi họ cần rồi mọi thứ sẽ về đúng quy luật đào thải hay phát triển. Các cụ nhà mình có câu: "Y phục xứng kỳ đức" kệ các anh ấy mặc áo gì, tay cầm gì nó tự thể hiện cái lõi thật các anh ấy có trong đầu, và từ đó nguời đi học biết mà chọn lọc, ý kiến ý cò làm con mịa gì cho bận thêm, nhà còn bao việc!
【Phạm Mạnh Tuấn】