Phêrô: vị thánh giáo hoàng tiên khởi, vị giáo hoàng bị bêu riếu nhiều nhất... và đôi điều suy gẫm về tội!

Giáo hoàng mà bị bêu riếu, thánh mà bị bêu riếu nhiều nhất ư? Người bị bêu riếu nhìn nhất trong Kitô giáo, dường như hổng phải Giuđa bán Chúa nha... Nghe có vẻ lạ kỳ nhưng không tin tôi, bạn cứ thử tìm trên Google với từ khóa, chẳng hạn: "The Denial of Saint Peter" (Phêrô chối Chúa), hay "Saint Peter and rooster" (thánh Phêrô và con gà, với gà trống)... Thánh Phêrô đã bị "bêu riếu" từ rất lâu rồi: việc chối Chúa của ông Phêrô, chẳng những được thuật lại chi tiết trong Kinh thánh, mà còn được mô tả rất chân thực trong những họa phẩm, tranh tường ngay từ thời kỳ đầu của Giáo hội. NGUỒN: https://stringfixer.com/pt/Denial_of_Peter

Giáo hoàng mà bị bêu riếu, thánh mà bị bêu riếu nhiều nhất ư? Người bị bêu riếu nhiều nhất trong Kitô giáo, dường như hổng phải Giuđa bán Chúa nha...

Nghe có vẻ lạ kỳ nhưng không tin tôi, bạn cứ thử tìm trên Google với từ khóa, chẳng hạn: "The Denial of Saint Peter" (Phêrô chối Chúa), hay "Saint Peter and rooster" (thánh Phêrô và con gà, với gà trống)... Thánh Phêrô đã bị "bêu riếu" từ rất lâu rồi: việc chối Chúa của ông Phêrô, chẳng những được thuật lại chi tiết trong Kinh thánh, mà còn được mô tả rất chân thực trong những họa phẩm, tranh tường ngay từ thời kỳ đầu của Giáo hội.

Theo dọc dài lịch sử Kitô giáo, lịch sử hội họa: hình tượng, tích truyện về sự sa ngã, phản bội của vị tông đồ trưởng, vị giáo hoàng tiên khởi này, đã trở thành đề tài trong nhiều bài suy niệm, bài giảng, bài luận, là nguồn hứng khởi sáng tác cho các họa sỹ nổi tiếng, kể cả những nghệ nhân, họa sỹ mà ngày nay chúng ta không thể biết được đích danh, danh tánh của họ.

Lạ kỳ thế đấy, một tôn giáo lớn, nhưng ngay cả vị giáo hoàng tiên khởi (tức là: người đứng đầu về mặt phẩm trật cơ cấu) lại là một con người yếu đuối, thậm chí là người đã phạm phải một trọng tội là: phản bội chính Thiên Chúa hạ phàm là Chúa Giêsu nữa. Lạ lùng quá đi chứ, phải không các bạn?

Xin hãy khoan đưa ra lời kết luận kiểu "chốt hạ"! Cũng xin đừng vội ngỡ ngàng nữa...

Kitô giáo không lạc quan, vội vàng đưa ra một quan niệm về con người theo kiểu như "Nhân chi sơ tính bổn thiện", nhưng khá thực tế, khi nhìn nhận về thế giới và con người. Ngay từ trong những trang đầu của sách Sáng thế, chúng ta đã thấy sự sa ngã của con người, cùng với những hệ lụy của sự sa ngã ấy. Con người là bùn đất, nhưng được Thiên Chúa thổi vào sinh khí, sức thiêng của Người. Rồi con người sa ngã, nhưng sự sa ngã đó không phá hủy hoàn toàn bản tánh tốt lành được phú ban lúc đầu. Con người không hoàn hảo, nó đã bị "sứt mẻ"...

Ấy là quan niệm rất thực tế về bản tính của con người, mà nếu chân thành, và đến một độ tuổi nào đó, người ta cũng sẽ có cùng cảm nhận như các tác giả Kinh thánh: tội chẳng phải là tội A, tội B, tội C... cho bằng, nó là sự đổ vỡ, bất toàn ngay trong bản tánh, trong thân phận con người.

Sự sám hối, sự ăn năn... rốt ráo, phải được khởi đi từ sự nhìn nhận ra điểm mấu chốt đó! Ai cũng là tội nhân, trước nhất là "tội nguyên tổ", "tội tổ tông truyền"... Tội do tự chính cái thân phận, gắn liền với, nằm trong ngay trong cái chữ "con người"!

Do vậy, tội lụy không phải là chuyện chi xa lạ với Kitô giáo, nó là một đề tài lớn và mấu chốt, nằm ngay ở trong những chương đầu của Kinh thánh, trong cuốn Giáo lý Hội thánh Công giáo. Sám hối là như vậy, là nhìn nhận ra, nhìn thấy thân phận của bản thân, của kiếp người, của thân phận mình, để rồi... đó sẽ trở thành lý do để ta phải hướng lên, để trông chờ một Sức Thiêng khác cứu độ. "Hãy Sám Hối và hãy Tin" là vậy!

Phúc cho ai thấy "tội" nơi thân phận mình, và phúc cho ai biết hướng nhìn lên, để trông chờ, để tin vào Ơn Cứu Độ là chính Chúa, giống như Phêrô đã nhìn thấy ánh mắt hiền từ và tha thứ của Vị Chúa sắp chịu đóng đinh vì ông, Vị Chúa mà ông mới phản bội! Chắc ông sẽ thấm thía lắm về ơn tha thứ mà mình nhận được, Chúa dường như đã tha thứ cho ông, ngay cả trước khi ông thực sự phạm tội vậy: "Đức Giê-su nói với ông: 'Thầy bảo thật anh: hôm nay, nội đêm nay, gà chưa kịp gáy hai lần, thì chính anh, anh đã chối Thầy đến ba lần.' Nhưng ông Phê-rô lại nói quả quyết hơn: 'Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.' Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy" (Mc 14,30-31).

Phêrô chỉ khác mỗi Giuđa ở chỗ, Phêrô biết hướng nhìn lên, và gặp được ánh mắt của Chúa. Còn Giuđa thì không, Giuđa chỉ biết nhìn vào chính bản thân mình, chỉ nhìn thấy thân phận mình... và chắc chắn sẽ tuyệt vọng!

Sám hối mà không tin, thì sẽ tuyệt vọng! Bảo rằng tin mà không sám hối, thì là nói dối...

Thôi, nói vắn tắt đôi điều, giờ thì mời bạn ngắm vài bức hình, bức tượng mà tôi Google ra được, cùng với chú thích, thông tin vắn tắt đi kèm.

👍 Xin chúc mừng, xin mừng kính thánh Phêrô, vị thánh đã phạm tội, nhưng tội lỗi ấy, xem ra đã trở thành lý do để ông yêu mến Chúa nhiều hơn, để sống chết hết mình vì Chúa, vì anh em, sau khi ông trở lại.

👍 Xin chúc mừng bạn và tôi, những người mang thân phận con người, mang "tội" trong mình, nhưng dám tin mình được cứu độ. A-men.

Tượng "Thánh Phêrô", nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời (xây quãng 1781-1785, kiến trúc sư Giovanni Pietro Mathole).

Tượng cổ "Thánh Phêrô Tông đồ và con gà trống", (Pháp quốc).

Tượng "Thánh Phêrô Tông đồ", trưng bày trong cuộc triển lãm Mùa Chay 2021 của Bảo tàng Thánh Augustine.

"Thánh Phêrô e ngại con gà trống", tranh cổ thế kỷ IX (thời Byzantine)

"Phêrô chối Chúa", tranh Caravaggio (1571-1610)

"Phêrô chối Chúa", tranh Gerard Seghers (1591-1651)

"Phêrô chối Chúa", tranh của học trò Gerard Seghers (1591-1651)

"Phêrô chối Chúa", tranh Robert Leinweber (1845-1921)

"Phêrô chối Chúa", tranh Gerard van Honthorst (1622-1624)

"Phêrô chối Chúa", tranh Karel Dujardin (1622-1678)

"Phêrô chối Chúa", tranh vẽ năm 1660 của Rembrandt (1606-1669)

"Thánh Phêrô và con gà trống", tranh không rõ tác giả (Bảo tàng Horniman và Gardens).

Hoàng Long

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ