Ở vùng ôn đới, Tháng Năm là trung tâm của mùa xuân. Sau mùa đông lạnh giá, cây cối tàn úa, thì tới mùa xuân và cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Vào Tháng Năm muôn hoa đua sắc, trăm hoa đua nở. Chính vì vậy thời xa xưa dân ngoại có truyền thống xem hoa là nữ thần của mùa xuân và có những lễ hội mùa xuân trong Tháng Năm. Các tín hữu Công giáo đã thánh hóa tập tục trên khi tổ chức những cuộc rước kiệu hoa và cầu nguyện cho mùa màng phong phú, đồng thời mặc cho nó ý nghĩa mới, đó là tôn kính Đức Mẹ như mùa xuân. Như thế hoa vừa tượng trưng cho Đức Mẹ vừa để tôn kính Đức Mẹ. Mẹ chính là bông hoa đẹp nhất và Mẹ xứng đáng được chúng ta yêu mến dâng lên những bông hoa xinh tươi đầu mùa xuân. Từ đó, Tháng Năm trở thành tháng tôn kính Đức Mẹ. Tên gọi Tháng Hoa bắt nguồn từ hình thức dâng hoa kính Đức Mẹ.
Đức Thánh Cha Piô XII, trong Thông điệp "Đấng Trung gian Thiên Chúa", nhấn mạnh "việc tôn kính Đức Mẹ trong Tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ".
Năm 1965, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành Tông huấn đề cao lòng tôn sùng Đức Mẹ Maria trong Tháng Năm: "Tháng Năm là tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng. Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ những tấm lòng của họ những lời cầu nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai toà rất dồi dào của Đức Mẹ" (1).
Việt Nam là vùng nhiệt đới hoa lá nở quanh năm nên chúng ta khó hình dung được nét đặc biệt của Tháng Năm như ở vùng ôn đới, nơi mà muôn hoa chỉ bắt đầu đua nở trong thời gian này. Tuy nhiên lòng yêu mến và tôn kính Đức Mẹ không hệ tại ở đặc điểm địa lý và khí hậu này, nhưng ở chính tấm lòng của chúng ta. Rõ ràng việc dâng hoa kính Đức Mẹ được tổ chức rất rầm rộ và hoành tráng ở Việt Nam, trong khi ở châu âu lại không được như vậy. Chỉ có điều ước mong sao các tín hữu đừng chỉ bám vào những nghi thức hoành tráng bên ngoài, chỉ tổ chức múa hoa, dâng hoa và thậm chí là những cuộc thi dâng hoa giữa các giáo họ, giáo xứ nhưng không thực sự chú ý đến nội tâm, đến ý nghĩa thực sự của Tháng Hoa là để tăng thêm lòng yêu mến Đức Mẹ qua việc siêng năng lần hạt Mân Côi và sám hối hoán cải đời sống mỗi ngày.
Bắt đầu Tháng Hoa, chúng ta hãy dâng lên Đức Mẹ lòng yêu mến như những bông hoa thiêng liêng, và xin Mẹ giúp chúng ta biết sống ý nghĩa thiêng liêng của Tháng Hoa này, đó là noi gương Mẹ sống gắn bó với Chúa. Nhờ Mẹ đến với Chúa.
(1) Tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, số 1.
【M. Hạnh Tử】