Công cuộc loan báo Tin Mừng trên những vùng đất mới, luôn gắn liền với những thách đố. Và thách đố thường thấy trước tiên, đó là sự khác biệt và rào cản ngôn ngữ.
Như chúng ta đã biết, linh mục Đắc Lộ khi đến với Việt Nam, để truyền giáo, chứ không phải để hệ thống hoá Tiếng Việt, ký âm theo ký tự La-tinh... Thế nhưng để có thể loan báo Tin Mừng cho vùng đất mới là Việt Nam, ngài đã tiến hành việc tìm hiểu, nghiên cứu, rồi kế thừa công việc của các vị đi trước, mà khai sinh ra chữ quốc ngữ. Ngài đến Việt Nam để truyền giáo, nhưng rồi ngài cũng đã làm công việc y như một nhà ngôn ngữ thực thụ. Quá trình ấy chẳng phải là công việc một sớm một chiều, nhiều cam go, nhưng cũng khá thú vị, như được ghi nhận trong một số nghiên cứu gần đây. Chẳng hạn, có nghiên cứu gần đây đào sâu sự đóng góp của người Việt, đặc biệt một cậu bé rất sáng dạ người Việt, trong việc giúp vị linh mục Tây Phương này, hệ thống hoá Tiếng Việt và ký âm nó...
Nhắc đến vị linh mục người Tây Phương và lược qua đôi chút về lý do, cũng như lịch sử ra đời của chữ quốc ngữ, và tôi nhận thấy có khá nhiều điểm tương đồng, nơi công trình mà vị linh mục mới bị sát hại tại Kontum gần đây, đang thực hiện.
▓ Đây là toà giải tội của vị linh mục tại giáo họ Sa Loong, cuối năm 2020. Cha đăng hình và còn "khoe": "Thánh Giuse cũng phải bó tay, đây là toà giải tội của tôi."
Theo linh mục AZ. Phan Tự Cường, o.p. (vị linh mục đàn anh cùng dòng với linh mục Trần Ngọc Thanh, o.p.), người đã có nhiều năm lăn lộn, cùng ăn cùng ở với bà con sắc tộc tại khu vực Tây Nguyên, cho đến năm 2021, trong giáo phận Kontum, ước chừng có khoảng 260.000 tín hữu Công giáo là các anh chị em thuộc các sắc tộc Bahnar, Rơngao, Sê Đăng, HơLăng, Jarai, Xơdrah, Giẻ Triêng Jơlơng... Trong đó anh chị em tín hữu thuộc sắc tộc Bahnar chiếm con số đông đảo nhất. Dù Tin Mừng đã được loan báo tại vùng đất này từ rất sớm, từ thời giám mục Stêphanô Cuénot (Thể), là vị giám mục hầm trú suốt 26 năm trời (1835-1861), nhưng việc hệ thống hoá ngôn ngữ, chuyển ngữ Kinh thánh, kinh sách... Công giáo cho các anh chị em sắc tộc, vẫn là công việc còn dang dở; ngay cả, với tiếng Bahnar, tiếng Sê Đăng, là tiếng mẹ đẻ của không ít bà con giáo dân tại đây.
Đơn cử: các bản văn bằng tiếng sắc tộc được phép dùng trong việc cử hành phụng vụ thánh lễ, gồm có những bản văn sau (kể cả những bản văn đang được sử dụng thí điểm):
1. Bản tiếng Bahnar: đây là bản văn chính thức đã được phê chuẩn và được phép sử dụng rộng rãi. Bản văn này khởi sự từ rất lâu do các linh mục Thừa sai Paris khởi xướng, được chỉnh sửa, bổ túc lần cuối cùng năm 2013.
2. Bản tiếng Jrai: bản này do cha Jacque Dournes khởi sự khi ngài được sai đến truyền giáo cho người Jrai tại Phú Bổn từ năm 1955; sau đó, được các cha dòng Chúa Cứu Thế bổ túc và kiện toàn dần. Bản văn này vẫn đang được sử dụng thí điểm tại các buôn làng Công giáo vùng Gia Lai.
3. Bản tiếng Sê Đăng (Đak Tô): bản này do linh mục Giuse Võ Viết Dũng, cha sở giáo xứ Tea Rơxá chủ biên, phiên dịch, có sự cộng tác của các giáo phu vùng Đak Tô. Ngài là một linh mục trẻ đam mê nghiên cứu ngôn ngữ của bà con sắc tộc. Công trình tập thể do ngài chủ biên, cùng với sự công tác của các giáo phu vùng Đak Tô, ngoài bản văn dùng trong thánh lễ, còn có các bản văn kinh đọc hằng ngày, sách giáo lý cho trẻ em bằng tiếng Sê Đăng (Đak Tô). Công trình dịch thuật này đã gần hoàn thành, đang trong giai đoạn đón nhận góp ý để hoàn thiện.
Cũng nên biết, cũng là tiếng Sê Đăng, nhưng có sự khác biệt không hề nhỏ giữa tiếng Sê Đăng ở các vùng khác nhau. Chẳng hạn, bản văn tiếng Sê Đăng dùng ở vùng Đak Tô, không thể dùng được tại vùng bà con sử dụng tiếng Sê Đăng ở vùng Đak Mốt. Sự khác biệt mang tính địa phương là rất lớn trong một số ngôn ngữ của bà con, bởi vậy, cũng cần có những bản văn riêng biệt cho từng khu vực.
Cũng nên nhắc lại rằng: Trong Giáo hội Công giáo, từ sau Công đồng Vatican II, việc chuyển ngữ bản văn Kinh thánh, các sách nghi lễ trong cử hành phụng vụ, thánh lễ sang các thứ tiếng địa phương, là việc chẳng những được phép, mà còn được khuyến khích nữa. Lời Chúa, Tin Mừng được truyền đạt bằng tiếng mẹ đẻ, bao giờ cũng gần gũi, và dễ hiểu hơn. Đây cũng là điều mà các vị truyền giáo trước kia đã thấy rõ. Đây cũng là điều mà một số tu sỹ Đa Minh nhận thấy rõ, khi được giao phó cho nhiệm vụ coi sóc một số giáo điểm tại vùng đất truyền giáo còn khá mới mẻ với các vị.
Nên có thêm những bản dịch Kinh thánh, sách lễ, kinh sách... để phục vụ cho công việc loan báo Tin Mừng ở vùng đất này là dễ hiểu và rõ ràng, nhưng công việc này quả là một công việc không đơn giản. Sở học của anh em khi được sai đến phục vụ này thường không phải là ngôn ngữ học. Việc học ngoại ngữ (thường là Tiếng Anh) được tập trung ở những năm trước khi tuyên khấn. Trong khi đó việc nghiên cứu để chuyển ngữ một bản văn, nhất là một bản văn nặng tính tôn giáo, đòi hỏi tính chuẩn xác, xuôi xắn cả về nhịp điệu lẫn cung bậc... như Kinh thánh hay các bản văn dùng trong phụng vụ, là việc không hề đơn giản. Ngay cả tiếng Việt, vốn có nguồn nhân lực dồi dào hơn nhiều, thì việc có được một bản dịch Kinh thánh, Các Giờ kinh Phụng vụ... cũng chẳng hề đơn giản.
Công việc ấy chẳng hề dễ dàng, nhưng với những anh em tu sỹ Đa Minh đã trót "bén duyên" với vùng đất Kontum, thì việc ấy khó, nhưng không phải là không thể thực hiện được. Không kể lớp đàn anh đã dấn thân từ trước, những năm gần đây, Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam đã sai tới vùng đất Kontum khá đông tu sỹ trẻ để phục vụ trong cánh đồng của Chúa. Và dĩ nhiên, một trong những công việc được anh em ưu tiên, được đấng bản quyền địa phương khuyến khích, đó là việc chuyển ngữ như vừa nói ở trên.
Giai đoạn đầu của công việc chuyển ngữ này, không thể không nhắc đến sự dấn thân có tính tiên phong của linh mục Antôn Phạm Minh Châu, o.p. Khi được bổ nhiệm về giáo xứ Đak Mốt, ngoài công việc mục vụ được giao, ngài đã chính thức khởi sự việc học tiếng Sê Đăng với các chú giáo phu từ năm 2014, rồi bắt đầu chủ trì việc chuyển ngữ với sự hỗ trợ của các chú giáo phu từ năm 2016. Sau khoảng 2 năm, công việc đã hoàn thành là: 4 quyển bài đọc cho mùa Mùa Vọng và Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục Sinh và 2 quyển các bài đọc Mùa Thường Niên. Công trình được sự ủng hộ rất nhiệt tình của linh mục sở tại khi đó, là linh mục Simon Phan Văn Bình
▓ Ảnh chụp màn hình: Bản "từ điển bỏ túi" của linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, o.p.
Vì lý do mục vụ, Tháng Tư, 2018, linh mục Antôn Phạm Minh Châu được điều chuyển về làm cha sở giáo xứ Kon Robang, và linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, o.p. được điều tới Đak Mốt.
Theo như đánh giá của một số anh em cùng dòng, cha Thanh có khiếu ngoại ngữ, ngài đã học tiếng Bahnar mấy năm khi còn phục vụ ở giáo xứ Kon Robang và học khá nhanh. Chắc vậy, nên khi đến Đak Mốt, ngoài những công việc mục vụ vốn gắn liền với linh mục, ngài bắt đầu học thứ tiếng Sê Đăng mà bà con trong vùng quen dùng - tiếng Sê Đăng-Đak Mốt; tiếp tục công việc mà linh mục Châu đã thực hiện trước đó: việc chuyển ngữ. Trong công việc này, cha đã nhận được sự cộng tác, tiếp sức tích cực từ các linh mục, chủng sinh, hay cựu chủng sinh (người bản địa, chẳng hạn thầy Noan, thầy Noat, thầy Dia...) của giáo phận Kontum. Ngoài các chú giáo phu (chú Bet...), công việc của cha cũng nhận được sự hỗ trợ, phản hồi tích cực của bà con giáo dân thuộc nhiều thành phần, trình độ, lứa tuổi, ở các công đoạn khác nhau, với ý hướng muốn có được những bản văn được chuyển ngữ nhưng vừa sát nghĩa, vừa gần gũi, dễ hiểu với bà con bình dân.
Công việc rà soát lại các bản văn nói trên đã được hoàn thành. Việc chuyển ngữ trọn bộ các bản văn dùng trong Phụng vụ Thánh lễ cũng đã hoàn thành với 4 quyển Bài đọc và Sách lễ Rôma, gộp lại là hơn 2.800 trang A4. Theo sự đánh giá của nhiều người, đây là một công trình khổng lồ.
Ngoài việc đã chuyển ngữ thêm để bổ sung cho đủ bản dịch của bộ Kinh thánh Tân ước tiếng Sê Đăng (Đak Mốt), linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh đã tiến hành việc soạn "Từ điển Sê Đăng-Anh-Việt" (dựa trên quyển "Tự điển Xơđăng-Anh-Việt-Pháp", 2012 của Kenneth D.Smith).
Ngôn ngữ luôn gắn liền với sự tồn vong, thịnh suy của một dân tộc, một sắc tộc, hơn ai hết, vị linh mục dấn thân và đồng hành, gần gũi với các anh chị em sắc tộc này, hiểu được giá trị, tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của những bộ từ điển. Công việc và những dự tính tốt đẹp mà ngài đã và đang thực hiện, như chúng ta đã biết, giờ đã phải tạm dừng lại.
▓ Giáo họ Sa Loong, nơi vị linh mục tạm rời xa chúng ta.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà lịch sử của công cuộc loan báo Tin Mừng, chẳng những luôn gắn liền với những cuộc tử vì đạo đẫm máu, nhưng còn luôn gắn liền với lịch sử của việc bảo vệ nhân quyền, việc bảo tồn, và phát huy ngôn ngữ bản địa. Cũng thế, chúng ta thấy nơi vị linh mục mới ngã xuống, chẳng những là máu, nhưng còn là những ước vọng và thiện chí lớn lao cho anh em đồng bào. Sự ra đi của ngài không hề vô ích, tôi vẫn tin là như vậy. Mà thật ra, trong niềm tin của chúng ta, cuộc đời này dù rất là quan trọng nhưng đâu có phải là bất tận, và là tất cả nhỉ...
Xin Chúa hãy tiếp tục công việc tốt đẹp mà Ngài đã khởi sự nơi linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, o.p.
【Mõ Làng Bể】
Như chúng ta đã biết, linh mục Đắc Lộ khi đến với Việt Nam, để truyền giáo, chứ không phải để hệ thống hoá Tiếng Việt, ký âm theo ký tự La-tinh... Thế nhưng để có thể loan báo Tin Mừng cho vùng đất mới là Việt Nam, ngài đã tiến hành việc tìm hiểu, nghiên cứu, rồi kế thừa công việc của các vị đi trước, mà khai sinh ra chữ quốc ngữ. Ngài đến Việt Nam để truyền giáo, nhưng rồi ngài cũng đã làm công việc y như một nhà ngôn ngữ thực thụ. Quá trình ấy chẳng phải là công việc một sớm một chiều, nhiều cam go, nhưng cũng khá thú vị, như được ghi nhận trong một số nghiên cứu gần đây. Chẳng hạn, có nghiên cứu gần đây đào sâu sự đóng góp của người Việt, đặc biệt một cậu bé rất sáng dạ người Việt, trong việc giúp vị linh mục Tây Phương này, hệ thống hoá Tiếng Việt và ký âm nó...
Nhắc đến vị linh mục người Tây Phương và lược qua đôi chút về lý do, cũng như lịch sử ra đời của chữ quốc ngữ, và tôi nhận thấy có khá nhiều điểm tương đồng, nơi công trình mà vị linh mục mới bị sát hại tại Kontum gần đây, đang thực hiện.
▓ Đây là toà giải tội của vị linh mục tại giáo họ Sa Loong, cuối năm 2020. Cha đăng hình và còn "khoe": "Thánh Giuse cũng phải bó tay, đây là toà giải tội của tôi."
Theo linh mục AZ. Phan Tự Cường, o.p. (vị linh mục đàn anh cùng dòng với linh mục Trần Ngọc Thanh, o.p.), người đã có nhiều năm lăn lộn, cùng ăn cùng ở với bà con sắc tộc tại khu vực Tây Nguyên, cho đến năm 2021, trong giáo phận Kontum, ước chừng có khoảng 260.000 tín hữu Công giáo là các anh chị em thuộc các sắc tộc Bahnar, Rơngao, Sê Đăng, HơLăng, Jarai, Xơdrah, Giẻ Triêng Jơlơng... Trong đó anh chị em tín hữu thuộc sắc tộc Bahnar chiếm con số đông đảo nhất. Dù Tin Mừng đã được loan báo tại vùng đất này từ rất sớm, từ thời giám mục Stêphanô Cuénot (Thể), là vị giám mục hầm trú suốt 26 năm trời (1835-1861), nhưng việc hệ thống hoá ngôn ngữ, chuyển ngữ Kinh thánh, kinh sách... Công giáo cho các anh chị em sắc tộc, vẫn là công việc còn dang dở; ngay cả, với tiếng Bahnar, tiếng Sê Đăng, là tiếng mẹ đẻ của không ít bà con giáo dân tại đây.
Đơn cử: các bản văn bằng tiếng sắc tộc được phép dùng trong việc cử hành phụng vụ thánh lễ, gồm có những bản văn sau (kể cả những bản văn đang được sử dụng thí điểm):
1. Bản tiếng Bahnar: đây là bản văn chính thức đã được phê chuẩn và được phép sử dụng rộng rãi. Bản văn này khởi sự từ rất lâu do các linh mục Thừa sai Paris khởi xướng, được chỉnh sửa, bổ túc lần cuối cùng năm 2013.
2. Bản tiếng Jrai: bản này do cha Jacque Dournes khởi sự khi ngài được sai đến truyền giáo cho người Jrai tại Phú Bổn từ năm 1955; sau đó, được các cha dòng Chúa Cứu Thế bổ túc và kiện toàn dần. Bản văn này vẫn đang được sử dụng thí điểm tại các buôn làng Công giáo vùng Gia Lai.
3. Bản tiếng Sê Đăng (Đak Tô): bản này do linh mục Giuse Võ Viết Dũng, cha sở giáo xứ Tea Rơxá chủ biên, phiên dịch, có sự cộng tác của các giáo phu vùng Đak Tô. Ngài là một linh mục trẻ đam mê nghiên cứu ngôn ngữ của bà con sắc tộc. Công trình tập thể do ngài chủ biên, cùng với sự công tác của các giáo phu vùng Đak Tô, ngoài bản văn dùng trong thánh lễ, còn có các bản văn kinh đọc hằng ngày, sách giáo lý cho trẻ em bằng tiếng Sê Đăng (Đak Tô). Công trình dịch thuật này đã gần hoàn thành, đang trong giai đoạn đón nhận góp ý để hoàn thiện.
Cũng nên biết, cũng là tiếng Sê Đăng, nhưng có sự khác biệt không hề nhỏ giữa tiếng Sê Đăng ở các vùng khác nhau. Chẳng hạn, bản văn tiếng Sê Đăng dùng ở vùng Đak Tô, không thể dùng được tại vùng bà con sử dụng tiếng Sê Đăng ở vùng Đak Mốt. Sự khác biệt mang tính địa phương là rất lớn trong một số ngôn ngữ của bà con, bởi vậy, cũng cần có những bản văn riêng biệt cho từng khu vực.
Cũng nên nhắc lại rằng: Trong Giáo hội Công giáo, từ sau Công đồng Vatican II, việc chuyển ngữ bản văn Kinh thánh, các sách nghi lễ trong cử hành phụng vụ, thánh lễ sang các thứ tiếng địa phương, là việc chẳng những được phép, mà còn được khuyến khích nữa. Lời Chúa, Tin Mừng được truyền đạt bằng tiếng mẹ đẻ, bao giờ cũng gần gũi, và dễ hiểu hơn. Đây cũng là điều mà các vị truyền giáo trước kia đã thấy rõ. Đây cũng là điều mà một số tu sỹ Đa Minh nhận thấy rõ, khi được giao phó cho nhiệm vụ coi sóc một số giáo điểm tại vùng đất truyền giáo còn khá mới mẻ với các vị.
Nên có thêm những bản dịch Kinh thánh, sách lễ, kinh sách... để phục vụ cho công việc loan báo Tin Mừng ở vùng đất này là dễ hiểu và rõ ràng, nhưng công việc này quả là một công việc không đơn giản. Sở học của anh em khi được sai đến phục vụ này thường không phải là ngôn ngữ học. Việc học ngoại ngữ (thường là Tiếng Anh) được tập trung ở những năm trước khi tuyên khấn. Trong khi đó việc nghiên cứu để chuyển ngữ một bản văn, nhất là một bản văn nặng tính tôn giáo, đòi hỏi tính chuẩn xác, xuôi xắn cả về nhịp điệu lẫn cung bậc... như Kinh thánh hay các bản văn dùng trong phụng vụ, là việc không hề đơn giản. Ngay cả tiếng Việt, vốn có nguồn nhân lực dồi dào hơn nhiều, thì việc có được một bản dịch Kinh thánh, Các Giờ kinh Phụng vụ... cũng chẳng hề đơn giản.
Công việc ấy chẳng hề dễ dàng, nhưng với những anh em tu sỹ Đa Minh đã trót "bén duyên" với vùng đất Kontum, thì việc ấy khó, nhưng không phải là không thể thực hiện được. Không kể lớp đàn anh đã dấn thân từ trước, những năm gần đây, Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam đã sai tới vùng đất Kontum khá đông tu sỹ trẻ để phục vụ trong cánh đồng của Chúa. Và dĩ nhiên, một trong những công việc được anh em ưu tiên, được đấng bản quyền địa phương khuyến khích, đó là việc chuyển ngữ như vừa nói ở trên.
Giai đoạn đầu của công việc chuyển ngữ này, không thể không nhắc đến sự dấn thân có tính tiên phong của linh mục Antôn Phạm Minh Châu, o.p. Khi được bổ nhiệm về giáo xứ Đak Mốt, ngoài công việc mục vụ được giao, ngài đã chính thức khởi sự việc học tiếng Sê Đăng với các chú giáo phu từ năm 2014, rồi bắt đầu chủ trì việc chuyển ngữ với sự hỗ trợ của các chú giáo phu từ năm 2016. Sau khoảng 2 năm, công việc đã hoàn thành là: 4 quyển bài đọc cho mùa Mùa Vọng và Giáng Sinh, Mùa Chay và Phục Sinh và 2 quyển các bài đọc Mùa Thường Niên. Công trình được sự ủng hộ rất nhiệt tình của linh mục sở tại khi đó, là linh mục Simon Phan Văn Bình
▓ Ảnh chụp màn hình: Bản "từ điển bỏ túi" của linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, o.p.
Vì lý do mục vụ, Tháng Tư, 2018, linh mục Antôn Phạm Minh Châu được điều chuyển về làm cha sở giáo xứ Kon Robang, và linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, o.p. được điều tới Đak Mốt.
Theo như đánh giá của một số anh em cùng dòng, cha Thanh có khiếu ngoại ngữ, ngài đã học tiếng Bahnar mấy năm khi còn phục vụ ở giáo xứ Kon Robang và học khá nhanh. Chắc vậy, nên khi đến Đak Mốt, ngoài những công việc mục vụ vốn gắn liền với linh mục, ngài bắt đầu học thứ tiếng Sê Đăng mà bà con trong vùng quen dùng - tiếng Sê Đăng-Đak Mốt; tiếp tục công việc mà linh mục Châu đã thực hiện trước đó: việc chuyển ngữ. Trong công việc này, cha đã nhận được sự cộng tác, tiếp sức tích cực từ các linh mục, chủng sinh, hay cựu chủng sinh (người bản địa, chẳng hạn thầy Noan, thầy Noat, thầy Dia...) của giáo phận Kontum. Ngoài các chú giáo phu (chú Bet...), công việc của cha cũng nhận được sự hỗ trợ, phản hồi tích cực của bà con giáo dân thuộc nhiều thành phần, trình độ, lứa tuổi, ở các công đoạn khác nhau, với ý hướng muốn có được những bản văn được chuyển ngữ nhưng vừa sát nghĩa, vừa gần gũi, dễ hiểu với bà con bình dân.
Công việc rà soát lại các bản văn nói trên đã được hoàn thành. Việc chuyển ngữ trọn bộ các bản văn dùng trong Phụng vụ Thánh lễ cũng đã hoàn thành với 4 quyển Bài đọc và Sách lễ Rôma, gộp lại là hơn 2.800 trang A4. Theo sự đánh giá của nhiều người, đây là một công trình khổng lồ.
Ngoài việc đã chuyển ngữ thêm để bổ sung cho đủ bản dịch của bộ Kinh thánh Tân ước tiếng Sê Đăng (Đak Mốt), linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh đã tiến hành việc soạn "Từ điển Sê Đăng-Anh-Việt" (dựa trên quyển "Tự điển Xơđăng-Anh-Việt-Pháp", 2012 của Kenneth D.Smith).
Ngôn ngữ luôn gắn liền với sự tồn vong, thịnh suy của một dân tộc, một sắc tộc, hơn ai hết, vị linh mục dấn thân và đồng hành, gần gũi với các anh chị em sắc tộc này, hiểu được giá trị, tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của những bộ từ điển. Công việc và những dự tính tốt đẹp mà ngài đã và đang thực hiện, như chúng ta đã biết, giờ đã phải tạm dừng lại.
▓ Giáo họ Sa Loong, nơi vị linh mục tạm rời xa chúng ta.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà lịch sử của công cuộc loan báo Tin Mừng, chẳng những luôn gắn liền với những cuộc tử vì đạo đẫm máu, nhưng còn luôn gắn liền với lịch sử của việc bảo vệ nhân quyền, việc bảo tồn, và phát huy ngôn ngữ bản địa. Cũng thế, chúng ta thấy nơi vị linh mục mới ngã xuống, chẳng những là máu, nhưng còn là những ước vọng và thiện chí lớn lao cho anh em đồng bào. Sự ra đi của ngài không hề vô ích, tôi vẫn tin là như vậy. Mà thật ra, trong niềm tin của chúng ta, cuộc đời này dù rất là quan trọng nhưng đâu có phải là bất tận, và là tất cả nhỉ...
Xin Chúa hãy tiếp tục công việc tốt đẹp mà Ngài đã khởi sự nơi linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh, o.p.
【Mõ Làng Bể】