Giới thiệu sách: "Từ điển VIỆT - BỒ - LA và các cứ liệu liên quan"

Phải nói rằng ban đầu, các nhà truyền giáo đã gặp phải khó khăn vì họ không học được chữ Nôm, theo cha Alexandre de Rhodes thì đây là "thứ chữ rất khó và hầu như vô số, đặc biệt là thứ chữ họ sử dụng để viết sách, cũng là thứ chữ y như người Trung Hoa, và người ta nói có thể tới tám mươi ngàn chữ: các dân tộc này bỏ trọn đời mình để học những chữ đó mà chẳng một ai làm quen được để đạt tới sự hiểu biết hoàn toàn hết mọi chữ." Ý thức chữ Nôm không thể là phương tiện giao tiếp với người bản xứ nên các nhà truyền giáo tìm một phương pháp đơn giản. Lắng nghe người Việt phát âm rồi dùng mẫu tự Latinh để diễn tả âm điệu theo cách mà tiếng Bồ Đào Nha vốn có mà người Bồ Đào Nha sử dụng lúc bấy giờ.

Ngày 6 tháng Giêng, lễ Chúa Hiển Linh, là kỷ niệm đúng 400 năm ngày thành lập Bộ Truyền giáo, do quyết định của Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI năm 1622, lúc đó gọi là "Thánh Bộ truyền bá đức tin," với mục đích cổ võ sự tái hiệp nhất các tín hữu Kitô và phổ biến đức tin nơi dân ngoại.

Theo tinh thần của Đức Giáo hoàng Grêgôriô XVI, các giáo sĩ lên đường truyền giáo và bộ Truyền giáo hỗ trợ bằng việc in các sách đa ngữ. Chữ viết Latinh hóa nằm trong chiều hướng chung này, nhằm phục vụ mục đích truyền giáo tại những nước thuộc địa bàn truyền giáo của các giáo sĩ Tây Phương ở Đông Á. Tại Trung Hoa, Hoa ngữ được các nhà truyền giáo dùng mẫu tự Latinh phiên âm trước nhất (khoảng 1584-1588); tại Nhật Bản Nhật ngữ được các nhà truyền giáo dùng mẫu tự Latinh phiên âm (khoảng 1592-1596), Tự Điển La - Bồ - Nhật ra đời 1595; tại Việt Nam, Việt ngữ được các nhà truyền giáo dùng mẫu tự Latinh phiên âm (khoảng 1585-1650), Từ điển Việt - Bồ - La được in tại Roma năm 1651.

Phải nói rằng ban đầu, các nhà truyền giáo đã gặp phải khó khăn vì họ không học được chữ Nôm, theo cha Alexandre de Rhodes thì đây là "thứ chữ rất khó và hầu như vô số, đặc biệt là thứ chữ họ sử dụng để viết sách, cũng là thứ chữ y như người Trung Hoa, và người ta nói có thể tới tám mươi ngàn chữ: các dân tộc này bỏ trọn đời mình để học những chữ đó mà chẳng một ai làm quen được để đạt tới sự hiểu biết hoàn toàn hết mọi chữ." Ý thức chữ Nôm không thể là phương tiện giao tiếp với người bản xứ nên các nhà truyền giáo tìm một phương pháp đơn giản. Lắng nghe người Việt phát âm rồi dùng mẫu tự Latinh để diễn tả âm điệu theo cách mà tiếng Bồ Đào Nha vốn có mà người Bồ Đào Nha sử dụng lúc bấy giờ.

Qua nhiều giai đoạn, với nhiều công khó, Tin Mừng của Chúa đến được với dân Việt đồng thời người Việt đã có được chữ viết. Quả là "nhất cử lưỡng tiện," mục đích là đem lời Chúa đến cho mọi người, nhưng Chúa lại cho một hoa trái lớn mà mọi người dân Việt được hưởng nhờ đó là Chữ Quốc ngữ.

Tác phẩm đầu tiên tiếng Việt được in bằng Chữ Quốc ngữ đó là Từ điển Việt - Bồ - La (1651). Kỷ niệm 400 năm thành lập Bộ Truyền giáo cũng là kỷ niệm 370 năm tác phẩm đầu tiên này được đến với thế giới. Nữ tu Bùi Thị Minh Thùy, dòng Nữ Đa Minh Rosa Lima cùng với Ban Truyền thông Dòng Tên Việt Nam cho ra mắt "Từ điển VIỆT - BỒ - LA và các cứ liệu liên quan" như là cột mốc đánh dấu, 400 năm niềm vui dân Việt được đón nhận Tin Mừng, 370 năm con người, văn hoá, tôn giáo, lịch sử, ngôn ngữ Việt Nam được lan tỏa ra thế giới và ngược lại văn hóa thế giới đến với dân tộc Việt Nam ngang qua tác phẩm.

Cuốn "Từ điển VIỆT - BỒ - LA và các cứ liệu liên quan" là công trình tập thể với sự đóng góp của nhiều người, có đến ba thế hệ trực tiếp hình thành nên tác phẩm:

Thế hệ thứ nhất – thế hệ tác giả


Cha Alexandre de Rhodes là tác giả nguyên bản quyển sách có tựa bằng tiếng Latinh "Dictionarivm Annamiticvm - Lvsitanvm et Latinvm." Tuy nhiên, cha đã không nhận mình là tác giả duy nhất, nhưng đã nhắc đến công khó cũng như sự đóng góp quý giá của cha Francisco de Pina, cha Gaspar de Amaral, cha Antonio Barbosa và các cha khác thuộc Dòng Tên cùng với nhiều người Việt Nam lúc bấy giờ để tác phẩm được ra đời vào năm 1651.

Nhờ ấn phẩm này lần đầu tiên con người, văn hoá, tôn giáo, lịch sử, ngôn ngữ Việt Nam được lan tỏa ra thế giới và ngược lại văn hóa thế giới đến với dân tộc Việt Nam ngang qua tác phẩm. Đây là một trong những công trình đầu tiên và quan trọng nhất cho lịch sử Chữ Quốc ngữ giai đoạn khởi đầu. Sự đóng góp của cha Alexandre de Rhodes và của các vị nêu trên được coi là sự đóng góp của thế hệ thứ nhất - thế hệ khai sinh tác phẩm.

Thế hệ thứ hai – thế hệ dịch giả


Quyển từ điển rất giá trị "Dictionarivm Annamiticvm - Lvsitanvm et Latinvm" của Alexandre de Rhodes sẽ rất khó đến với người Việt Nam nếu không có công sức của các dịch giả: Đỗ Quang Chính, Hoàng Xuân Việt và Thanh Lãng.[1] Ba nhà nghiên cứu này đã dịch nguyên bản Từ điển sang tiếng Việt và được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1991 với tên gọi bằng tiếng Bồ Đào Nha "Từ điển Annam – Lusitan – Latinh" năm 1991.

Sau khi ấn phẩm tái bản với phần tiếng Latinh và Bồ Đào Nha được phiên dịch sang tiếng Việt, rất nhiều công trình nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, lịch sử chữ Quốc ngữ, lịch sử ngữ âm tiếng Việt, lịch sử từ vựng tiếng Việt, các từ ngữ cổ, văn hoá - tôn giáo và dân tộc... đã khởi đi từ tác phẩm đó. Sự đóng góp của các dịch giả được coi là bước tiến giúp quyển Từ điển của cha Alexandre de Rhodes đến với nhiều người dân Việt và nhiều nhà nghiên cứu hơn. Đây là sự đóng góp của thế hệ thứ hai - thế hệ các dịch giả.

Thế hệ thứ ba – thế hệ soạn giả


Năm 1991 - thời điểm in "Từ điển Annam – Lusitan – Latinh," kỹ thuật in ấn chưa được tốt như hiện nay nên các hình thức chữ Quốc ngữ trong nguyên bản chưa được bảo lưu trọn vẹn, tất cả các từ đầu mục từ đều được "IN HOA," một số ký tự phải đồ bằng tay. Khi nghiên cứu tiếng Việt lịch sử ngang qua bản gốc tác phẩm "Dictionarivm Annamiticvm - Lvsitanvm et Latinvm" (1651) dạng pdf và bản in quyển "Từ điển Annam – Lusitan – Latinh" (1991), chúng tôi được thừa hưởng thành quả của hai thế hệ đi trước, đã dò từng mục từ tiếng Việt ở nguyên bản, đối chiếu với từng mục từ trong bản dịch 1991, chỉnh lý từng ký tự, tạo font chữ để bảo lưu hình thức chữ sao cho giống nhất so với bản gốc.

Ngoài phần nội dung chính của từ điển, chúng tôi đã thiết lập ba bảng từ gồm các cứ liệu liên quan đến quyển từ điển. Chúng tôi đã liệt kê, đính chính và đề nghị các hình thức chính tả tương ứng bản gốc từ điển giúp cho độc giả sử dụng từ điển dễ dàng hơn rất nhiều. Sự đóng góp về phần biên soạn đã góp phần cho ra đời bản in 2021, gọi là "Từ điển VIỆT - BỒ - LA và các cứ liệu liên quan"

Linh mục Nguyễn Công Đoan, Dòng Tên, trong lời giới thiệu cuốn "Từ điển VIỆT - BỒ - LA và các cứ liệu liên quan" đã nhận định: "Thế hệ thứ ba (sau người xuất bản và các nhà nghiên cứu thuộc thế kỷ XX), nhiều nghiên cứu sinh đã lấy từ điển này làm đề tài nghiên cứu của mình. Nữ tu Bùi Thị Minh Thùy, dòng Nữ Đa Minh Rosa Lima, đã tận dụng các công trình nghiên cứu của các bậc tiền bối thế kỷ XX, phối hợp với những nghiên cứu của bản thân trong quá trình thực hiện luận án Tiến sĩ qua các ứng dụng của kỹ thuật hiện đại, ước mong cuốn Từ điển được in lại bằng hình thức tốt nhất phục vụ cho việc nghiên cứu. Nay đúng 370 năm sau lần xuất bản đầu tiên, Ban Truyền thông của Dòng Tên tại Việt Nam đã chung tay với nữ tu Minh Thùy, in lại cuốn từ điển quý giá này, mong cống hiến cho các nhà nghiên cứu và mọi người quan tâm tới giá trị của cuốn từ điển, như một tài liệu về ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, lịch sử và tôn giáo, ở cả trong nước và ngoài nước."

Nữ tu Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy (Dòng nữ Đa Minh Rosa Lima)

[1] Vì không biết rõ công khó lớn nhất thuộc về ai, xin phép được sắp xếp tên các vị theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt.

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ