Nắm và buông!

Những điều gây ra bất đồng thường bắt đầu từ những chuyện chóng qua, những điều vặt vãnh, từ những tự ái, cao ngạo, những cách nhìn trầm trọng hoá vấn đề... Nói chung, đó là "những điều chóng qua và mau hư nát"! Lúc xảy ra chuyện thì căng thẳng lắm, nhưng để qua thời gian, bình tĩnh mà nhìn lại, thì chuyện không đáng như vậy! Tệ hại hơn là cách thực hành tôn giáo cũng góp phần vào đó: đầu óc nệ luật, thích lễ nghi đi kèm với sự an tâm giả tạo và tính tự tôn đã gây ra những đổ vỡ thực sự chẳng đâu vào đâu! Source: https://fb.com/permalink.php?story_fbid=1287063438428929&id=100013758553279
Bài đọc I (2Sm 7,18-19.24-29)
Sau khi Nathan nói với Ðavít xong, vua Ðavít đến ngồi trước Thiên Chúa mà nói rằng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, con là ai và gia đình con là chi mà Chúa dẫn con đến đây? Nhưng lạy Chúa là Thiên Chúa, như thế Chúa còn cho là ít, nên Chúa còn nói đến nhà tôi tớ Chúa trong tương lai lâu dài, vì lạy Chúa, đó là thường tình của loài người. “Chúa đã thiết lập dân Israel làm dân Chúa đến muôn đời, và lạy Chúa, chính Chúa trở thành Thiên Chúa của họ. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, xin hãy thực hiện mãi mãi lời Chúa đã nói về tôi tớ và về nhà của nó, và hãy làm như Chúa đã phán, để danh Chúa được ca khen đến muôn đời, và được truyền tụng rằng: ‘Chúa các đạo binh là Thiên Chúa của Israel’. Xin cho nhà tôi tớ Chúa được vững chắc trước nhan thánh Chúa. Lạy Chúa các đạo binh, Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã mạc khải cho tôi tớ Chúa biết những lời này: ‘Ta sẽ xây dựng cho ngươi một ngôi nhà’, vì thế, tôi tớ Chúa vững tâm thốt lên lời khẩn nguyện trên đây. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, và lời Chúa thì chân thật, vì Chúa đã tỏ ra cho tôi tớ Chúa những điều hạnh phúc ấy. Giờ đây, xin hãy khởi sự chúc phúc cho nhà tôi tớ Chúa, để nhà tôi tớ Chúa tồn tại trước mặt Chúa đến muôn đời, vì lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đã phán và xin giáng phúc cho nhà tôi tớ Chúa đến muôn đời”.
Đáp ca (Tv 131,1-2.3-5.11.12.13-14)
Đáp: Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người (Lc 1, 32a).

1) Lạy Chúa, để thương Đavít, xin Chúa nhớ đến mọi nỗi ưu tư của người: người đã thề như thế nào với Chúa, người đã khấn hứa cùng Đấng toàn năng nhà Giacóp rằng:

2) "Tôi sẽ không vào lều trại nhà tôi, tôi sẽ không bước lên giường nằm, tôi sẽ không nhắm mắt ngủ, không để cho mi mắt tôi được nghỉ an, cho tới khi tôi gặp được nơi ngự điện cho Chúa, gặp được cung lâu cho Đấng Toàn năng nhà Giacóp".

3) Chúa đã thề hứa cùng Đavít một lời hứa quả quyết mà Người sẽ chẳng rút lời, rằng: "Ta sẽ đặt lên ngai báu của ngươi một người con cháu thuộc dòng giống của ngươi".

4) "Nếu các con ngươi tuân giữ điều ước của Ta và những luật lệ mà Ta ban ra dạy chúng, thì cả con cháu chúng cũng được muôn đời ngồi cai trị trên ngai báu của ngươi".

5) Bởi chưng Chúa đã kén chọn Sion, đã thích lựa Sion làm nơi cư ngụ cho mình. Ngài phán: "Đây là nơi nghỉ ngơi của Ta tới muôn đời, Ta sẽ cư ngụ nơi đây, vì Ta ưa thích".
Tung hô Tin Mừng (Tv 24,4c.5a)
All. All. – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa, và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – All.
Tin Mừng (Mc 4,21-25)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng? Chẳng phải là để đặt trên giá đèn sao? Vì chẳng có gì giấu kín mà chẳng tố lộ ra và chẳng có gì kín đáo mà không bị đưa ra ánh sáng. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”. Và Người bảo họ rằng: “Hãy coi chừng điều các ngươi nghe thấy. Các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong lại cho các ngươi bằng đấu ấy, và người ta còn thêm nữa. Vì ai có, sẽ được cho thêm; và ai không có, cả cái đang có cũng bị lấy mất”.
Bài Tin Mừng về đèn đặt trên giá và đấu đong lúa hôm nay (Mc 4,21-25) được đặt trong mạch văn sau dụ ngôn gieo giống (4,1-20). Vì thế, chúng ta nên hiểu ý nghĩa của trích đoạn hôm nay dưới ánh sáng của dụ ngôn phía trên. Dụ ngôn hạt giống nói về lời Chúa được gieo vào trần gian, cách riêng lời ấy được nói với các môn đệ và những người nghe Chúa Giêsu ngày hôm ấy. Lời ấy như ánh sáng cho trần gian. Nhưng nếu người nghe chỉ giữ ánh sáng ấy cho riêng mình thì khác nào đèn đặt dưới cái thùng, nó sẽ tắt, hoặc đặt dưới gầm giường thì chẳng soi sáng được cho ai trong nhà!


Chúa Giêsu cũng lưu ý về cách tiếp nhận lời Chúa: "Hãy để ý tới điều anh em nghe" (4,24). Người đón nhận lời Chúa như người đong lúa. Tuỳ theo tấm lòng đón nhận hẹp hay rộng (tượng trưng bằng những cái đấu lớn nhỏ) của người nhận Lời, mà Thiên Chúa sẽ ban thêm hay Lời ấy bị hao tổn đi. Người nào có tấm lòng rộng mở với lời Chúa thì họ sẽ sinh ra lợi ích nhiều hơn, người ấy sẽ trở nên phong phú hơn ("đã có còn được cho thêm", 4,25), còn người nào không mở lòng với lời Chúa thì sẽ ngày càng trở nên nghèo đi ("cái đã có cũng bị lấy đi", 4,25).

"Ai đã có, thì được cho thêm" (4,25). Từ echo trong bản văn Hy Lạp có nghĩa là có (have) hoặc nắm bắt (hold). Với ai biết nắm bắt lời Chúa thì họ sẽ lớn lên, bằng không Lời ấy sẽ qua đi. Kitô hữu có rất nhiều cơ hội để nghe lời Chúa, nhưng cũng nhiều khi đó chỉ là một thứ nghi lễ, nghe theo thói quen, và Lời ấy qua đi không sinh ích gì! Lâu dần, chúng ta trở nên "lờn" hoặc "lì" với Lời ấy. Tệ hơn, chúng ta mặc định rằng mình là người nghe Lời Chúa rất nhiều, mình là người tốt lành! Nắm lấy lời Chúa có nghĩa là dám đối diện với những thách thức của Lời ấy. Trốn tránh thách thức, chúng ta sẽ bỏ lời Chúa qua đi! Ngại đối diện với thách thức của lời Chúa nên đời sống cá nhân cứ ù lì, đời sống các cộng đoàn đức tin cứ trì trệ, ì ạch!

Để có thể nhận ra sự thách thức của lời Chúa, chúng ta lại phải buông bỏ. Bỏ đi quan niệm quen thuộc của mình, con đường mòn mình vẫn đi. Biết buông mình để cho Chúa dẫn dắt, lúc ấy lời Chúa mới dẫn đưa chúng ta vào những chân trời mới.

Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ