Hôm nay tui tình cờ nhìn thấy một bức thông điệp của ngài Tenzin Gyatso (nhân vật đã từng đoạt giải Nobel Hoà bình vào năm 1989), nội hàm của bức thông điệp là lời chia buồn về sự ra đi của thiền sư Nhất Hạnh.
Theo nhận xét của nhiều người, thì hiện nay ngài Tenzin Gyatso và thiền sư Nhất Hạnh là 2 hành giả của Đạo Phật đã tạo được ảnh hưởng lớn và lan toả ra thế giới.
Riêng đối với người Việt, có lẽ đã biết ít nhiều thông tin về Thiền sư Nhất Hạnh, vì vậy bài viết này tui chỉ viết ra một số nhận xét khách quan của tui về nhân vật Tenzin Gyatso (người được dân Tây Tạng gọi là Vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14).
Theo người Tây Tạng thì Đạt Lai Lạt Ma có nghĩa là: "vị đạo sư có trí huệ như biển" và họ cho rằng Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân lòng từ bi của Phật và Bồ tát, người đã chọn con đường "sống lại" để cứu độ chúng sinh.
Và phong tục lựa chọn một vị Lạt ma "sống lại" đem về giáo dưỡng để vị ấy trở thành một nhân vật lãnh đạo tối cao về mặt tinh thần của dân chúng tại Tây Tạng đã bắt đầu từ khoảng gần một thiên niên kỷ.
Mặc dù, thế giới bên ngoài đã thay đổi rất nhiều về phương diện khoa học lẫn chính trị, nhưng với Tây Tạng thì họ vẫn giữ phong tục chọn vị Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp để lãnh đạo đất nước, mà không phải ứng cử và bầu cử, không cần tam quyền phân lập quái gì cả. Và ông Tenzin Gyatso được chọn là vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, ông cũng đã được chọn là người lãnh đạo tối cao của Tây tạng khi mới 15 tuổi.
Chính vì lý do này mà Tây Tạng đã bị mất nước.
Theo tìm hiểu thì tui biết, tất cả các vị Đạt Lai Lạt Ma ở xứ này đều phải được học và tốt nghiệp tại tu viện, với một chương trình "khá đặc biệt" gồm 6 môn học chính, nhưng quan trọng hơn cả là môn Triết học Phật giáo (giống như các lãnh đạo các nước Cộng sản phải học Cao cấp lý luận chính trị vậy).
Tuy các Lạt ma đều được học Triết học Phật giáo rất bài bản nhưng xu hướng của họ đi ngược lại quan điểm của Đức Phật Thích Ca.
Thái tử Tất Đạt Đa, con trai của vua Tịnh Phạn đã từ bỏ quyền lực chính trị, giàu sang phú quý và vợ đẹp con xinh để ra đi tìm thầy học đạo hòng giải toả nỗi niềm trắc ẩn của ngài về vấn đề sinh tử của kiếp người. Và sau quá trình tu học ngài đã phát hiện ra con đường Trung đạo, mà con người có thể thông qua cách sống ấy để đạt đến sự bình an.
Trong khi các Đạt Lai Lạt Ma thì từ chỗ không có gì, cho đến trở thành pháp vương và lãnh đạo đất nước. Thậm chí như ngài Tenzin Gyatso sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em rồi bỗng dưng được chọn để đào tạo để trở thành lãnh tụ.
Năm 15 tuổi ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã được giao trách nhiệm lãnh đạo đất nước Tây Tạng, chúng ta hãy quay lại quá khứ để coi lúc ấy Tây Tạng như thế nào. Về dân số thì chỉ có vài triệu người, nhưng diện tích đất đai thì rộng mênh mông (tới hơn 1,2 triệu km2) sinh hoạt chủ yếu vẫn là nông nghiệp và chăn nuôi. Nhưng điều đặc biệt là có tới hơn 30% đàn ông trưởng thành theo con đường tu sĩ, những tu sĩ này thực hành theo pháp môn mà ngài Lạt ma 14 thường hay nhắc tới, đó là "buông bỏ và giữ cho nội tâm thăng bằng".
Đất nước rộng, dân số ít nhưng người lãnh đạo không biết ngoại giao với các quốc gia hùng cường mà chỉ lo khuyến tu "buông bỏ" thì dưới con mắt của những kẻ săn mồi thờ Đạo giáo, luôn coi con người là trung tâm của vũ trụ, luôn ôm mộng bành trướng... có phải là họ coi đất nước này như một con mồi béo bở nhưng khờ dại hay không!?
Biết được điều này, thế nên vào năm 1950 sau khi cướp được chính quyền từ tay của Tưởng Giới Thạch thì Mao Trạch Đông đã nhanh tay đưa quân đánh chiếm Tây Tạng trong chớp nhoáng, còn dễ hơn là lột cái bánh chưng. Và chính ngài Lạt ma 14 là người đã đặt bút ký 17 điều thoả hiệp với Trung Quốc, trong đó có điều là "đất đai của Tây Tạng thuộc quyền của Trung Quốc".
Tất nhiên dưới sự lãnh đạo của vị Lạt ma 14 thì quân dân Tây Tạng cũng đứng lên giữ nước, nhưng không thể nào ngăn cản vó ngựa xâm lược từ phía đối phương.
Vị Lạt ma 14 khi ấy cũng kêu gọi Mỹ, Anh và Ấn trợ giúp nhưng chỉ nhận lại được sự im lặng. Đứng trên phạm trù Nhân và Quả thì hà cớ gì họ phải bỏ tiền tài, khí lực và sinh mệnh của dân nước họ để đến thay thế cho Tây Tạng, Nhân nào quả nấy mà thôi. Hơn nữa các nước ấy họ để coi một vị Bồ Tát lãnh đạo đất nước thì kết quả sẽ như thế nào.
Và như các bạn thấy đó bây giờ Tây Tạng được coi như một đơn vị tỉnh của Trung Quốc.
Sau khi ngài Lạt ma 14 cùng những thành phần nòng cốt trong quốc hội Tây Tạng rút khỏi Tây Tạng và sang Ấn Độ tỵ nạn thì ngài vẫn tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ từ quốc tế và kêu gọi nhân dân Tây Tạng tiếp tục tranh đấu bằng xu hướng "bất bạo động". Và cũng chính nhờ tinh thần kêu gọi đấu tranh "bất bạo động" này, ngài đã được các đảng thiên tả tạo điều kiện để được nhận giải Nobel Hoà bình vào năm 1989. Thật ra thì khi không còn sự lựa chọn thì mới có chuyện đấu tranh "bất bạo đông" mà thôi, chớ chẳng liên quan đến bác ái, từ bi gì cả.
Tui nhận thấy cả hai nhân vật Tenzin Gyatso và Nhất Hạnh đều có những điểm tương đồng. Là họ cùng có chủ trương khuyến khích sự "buông bỏ", ông Tezin thì buông bỏ và giữ cho tinh thần thăng bằng, thì ông Nhất Hạnh buông bỏ và sống với chánh niệm.
Ông Tezin thì giỏi tiếng Anh, kêu gọi hoà bình, chống lại vũ khí hạt nhân và là lãnh đạo Tây Tạng, gắn liền với lịch sử chiến tranh. Thì ông Nhất Hạnh cũng giỏi tiếng Anh, kêu gọi phản chiến (nhưng chỉ kêu gọi từ một phía) đối thoại để thống nhất, cũng gắn liền lịch sử chiến tranh và là giáo chủ "Làng Mai Thôn".
Tới đây thì các bạn nếu quan tâm đến giáo pháp "buông bỏ" của các ngài thì hãy chịu khó tìm hiểu và cố gắng nhìn qua phương Tây. Phương Tây họ giáo dục để con người phát triển tài năng dựa vào năng khiếu của mỗi người. Họ có chính sách khuyến học và các quỹ hỗ trợ cho sinh viên thực hiện các sáng kiến. Họ có chính sách bảo vệ để các cá nhân làm giàu. Đến khi những cá nhân được giàu thật sự thì các cá nhân ấy họ quay qua làm từ thiện để chia sẻ với tha nhân.
Còn ở phương Đông thì như đức Phật Thích Ca dạy buông bỏ là đúng vì ngài đã buông bỏ địa vị danh lợi. Chớ nếu quan sát, phần lớn những vị tu sĩ trong thời mạt pháp, họ cũng bắt chước lời Phật để rao giảng và khuyến khích tín đồ sống buông bỏ nhưng chính bản thân các vị ấy hoàn toàn không buông bỏ. Có khi còn ngược lại.
Buông bỏ là buông bỏ cái gì, có cái gì để buông bỏ...
Một đất nước mà chỉ chú trọng đến việc buông bỏ và thực hành chánh cmn niệm thì cái gương của dân Tây Tạng là rõ nhất ha...
【Phạm M. Tuấn】