Về chuyện đuổi việc giáo viên và đổi mới giáo dục

Năm 2016 tôi quyết định bỏ việc và ra khỏi biên chế; đến 2018 thì quay trở lại với nghề, tất nhiên lúc này làm việc dưới dạng hợp đồng. Trước đó, tôi có nói thẳng điều kiện của mình với những người lãnh đạo nhà trường rằng, tôi chỉ trở lại khi làm tổ trưởng chuyên môn và được giao quyền tự quyết về chuyên môn của tổ bộ môn mà không được ai can thiệp. Người ta đồng ý. Source: https://fb.com/permalink.php?story_fbid=1009387529870435&id=100023975920044


Xin kể vài mẩu chuyện...

Năm 2016 tôi quyết định bỏ việc và ra khỏi biên chế; đến 2018 thì quay trở lại với nghề, tất nhiên lúc này làm việc dưới dạng hợp đồng. Trước đó, tôi có nói thẳng điều kiện của mình với những người lãnh đạo nhà trường rằng, tôi chỉ trở lại khi làm tổ trưởng chuyên môn và được giao quyền tự quyết về chuyên môn của tổ bộ môn mà không được ai can thiệp. Người ta đồng ý.

Tôi "ra điều kiện" như thế bởi tôi hiểu vì sao tôi bỏ việc và điều tôi thật sự mong muốn là gì. Khi mà phương cách giáo dục đã mắc quá nhiều sai lầm và gây bất hạnh vô biên cho học trò, giờ muốn thay đổi nó thì cần chút "quyền hành" trong tay để "đổi mới". Có quá nhiều thứ cần phải được điều chỉnh và xây lại.

Khó khăn đầu tiên là đội ngũ. Trong 2 năm tôi nghỉ việc thì người ta có tuyển thêm giáo viên mới, tất nhiên là thêm tôi nữa thì vẫn thiếu chứ chưa thừa. Nhưng năng lực giáo viên nhìn chung là thấp, cá biệt có những giáo viên quá dốt, dốt một cách toàn diện và dốt hơn một đứa học trò thuộc loại khá của một trường chuyên. Tôi đề nghị lãnh đạo nhà trường cho thôi việc những giáo viên như thế, vì họ không đủ năng lực tối thiểu để hành nghề sư phạm. Việc họ đứng lớp là một thảm họa và tội lỗi đối với học trò. Nhưng khốn khổ là không thể đuổi! Dù cả tổ bộ môn đều đánh giá rằng gv kia quá yếu kém; ngay cả các thành viên trong ban giám hiệu cũng phải thừa nhận điều ấy một cách công khai. Việc cho một giáo viên thôi việc là rất phức tạp về trình tự thủ tục và đòi hỏi thời gian kéo dài. Để giải quyết tình thế, nhằm tránh cho học sinh phải tiếp tục chịu đựng và chịu thiệt, tôi đề nghị chuyện giáo viên ấy qua bộ phận khác chứ không thể trực tiếp đứng lớp nữa. Tuy nhiên, người ta đã không làm như thế, mà chấp nhận để học trò gánh chịu.

Một năm đã trôi qua, sau khi tôi đề nghị nhiều lần, lãnh đạo nhà trường đã quyết định cho tổ chức thi sát hạch để làm căn cứ. Tất cả các "giáo viên trẻ" đều tham gia, giáo viên kia trên gần như không làm được bài. Đề chỉ 2 câu, trong đó 1 câu bỏ trống, câu còn lại viết được nửa mặt giấy thi (dù chỉ là làm bài về một bài học trong sách giáo khoa 11). Bài thi có 2 giám khảo chấm, và để đảm bảo khách quan và thuyết phục, tôi không tham gia vào hội đồng chấm. Kết quả này được chuyển lên cho hiệu trưởng, nhưng loay hoay mãi, rốt cuộc mọi thứ vẫn bình yên và như cũ. Lúc này tôi nói, "Ai đã tuyển những giáo viên như thế vào thì người ấy tự chịu trách nhiệm, tôi không thể quản lý, tôi trả về cho nhà trường". Nói vậy cũng chỉ để thể hiện một thái độ dứt khoát trong việc minh bạch các giá trị, chứ tôi biết câu chuyện hành chính thì không thể, giáo viên ấy vẫn phải thuộc tổ bộ môn...

Đến khi mọi giải pháp đều đã trở nên vô dụng trong việc "kiện toàn đội ngũ"; lúc này tôi đề nghị một phương án: cho học sinh phải được quyền chọn giáo viên. Nhưng rốt cuộc, không ai triển khai cái cách rất chính đáng ấy để đảm bảo quyền lợi cho người học.

🌸🌸🌸


Độ 2 năm trước tôi có viết bài "Thi ở Việt Nam, ai có thể dạy?". Ở đó tôi quan điểm rằng, chính cách thi đã quyết định cách dạy và cách học. Nhưng kiểu thi cử trong nền giáo dục đang rất có vấn đề, kiểm tra trí nhớ là chính chứ không phải đánh giá năng lực tư duy và phẩm chất cá nhân. Chính vì thế mà dường như "ai dạy cũng được!"; thậm chí, đối với học sinh THPT thì chẳng cần người dạy, mà chỉ cần một cái "đề cương" rồi nếm cho học trò để chúng tự "sôi kinh nấu sử" đến khi đi thi kết quả sẽ chẳng khác là bao, thậm chí còn có thể cao hơn là có người dạy nữa.

Một lối dạy-học-thi như thế thử hỏi sao nó không biến nhà giáo thành "thợ dạy" cho được? Mọi sự thay đổi trong giáo dục, nếu không lấy mục tiêu phát triển con người làm mục đích, mà vẫn chỉ để giải quyết câu chuyện "kết quả học tập" thì gần như đều vô nghĩa. Tôi muốn thay đổi không phải để giải quyết vấn đề thành tích mà vì hướng đến con người tự do và độc lập tư duy, hướng đến một môi trường giáo dục hạnh phúc và người học được "trở thành chính mình". Nhưng mọi con đường đều dẫn đến ngõ cụt.

Chỉ một phương diện ấy thôi, câu chuyện "kiện toàn đội ngũ" giáo viên, tưởng dễ mà đã khó vô cùng. Chúng ta hiểu sự trì trệ của nền giáo dục nó khủng khiếp tới mức nào. Thế là loay hoay mãi, "trăm dâu lại đổ đầu tằm", bao nhiêu những thiệt thiệt thòi bất công mà người lớn gây ra thì học sinh (và cha mẹ chúng) đều phải gánh chịu hết.

Nói "giáo viên dốt" thì không chịu! Nhưng dù đã chọn những giáo viên "cốt cán" "tinh hoa" trong cả ngàn người đang đứng lớp để ra một cái đề tuyển sinh mà cũng mắc đến cả chục lỗi sai, trong đó có những lỗi nghiêm trọng thì chúng ta hiểu chủ thể của nền giáo dục này là ai và đang ở tình trạng nào.

"Đổi mới giáo dục", khó lắm thay!

Thái Hạo

Đăng nhận xét

Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ