Sài Gòn sẽ tiếp tục giãn cách? Chuyên gia bảo có, nhà nước cấp địa phương nơi bảo có (Quận 12) nơi thưa không (Quận Gò Vấp), Bộ Y tế im lặng. Nhân dân dĩ nhiên đại đa số không biết làm sao ngoài việc gửi gắm thông tin qua báo chí. Có 1 câu ý kiến bạn đọc trên Tuổi Trẻ rất đắt: "Một tuần cho chín còn hơn chín tuần."
Người viết tin rằng sẽ giãn cách (thậm chí phong toả) tiếp khi nhìn tỉ lệ lây "đang điều tra dịch tễ". 25 ca ghi nhận tại TP.HCM (BN10305-BN10329) sáng nay gồm 3 ca là các trường hợp F1, 22 ca đang điều tra dịch tễ, đã được cách ly. Tỉ lệ 22/25 "đang điều tra dịch tễ" là tỉ lệ cực lớn, hôm trước tôi phân tích tỉ lệ 50% là rất lớn rồi).
Khi bác sĩ Trương Hữu Khanh cảnh báo "Covid tại TP.HCM phức tạp hơn Bắc Giang!" thì có người cười anh ấy không phải chuyên gia. Trong không khí cả nước hân hoan với một niềm vui tạm tên bóng đá thì PGS Nguyễn Huy Nga nói thẳng: "Tại TP.HCM, các giải pháp cứng rắn đến nay chủ yếu đến từ quyết định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Theo PGS Nguyễn Huy Nga, Bộ Y tế và TP.HCM sẽ cần trao đổi lại thật kỹ về các chiến lược do bối cảnh tại thành phố này hoàn toàn khác."
Vậy Bộ Y tế quản ngành y cả nước đã làm gì? Y bác sĩ giỏi của Sài Gòn (và các nơi) đưa vào Bắc Giang nhiều đoàn, nhiều đợt thì các kịch bản bùng dịch ở Tp.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ-là trọng địa kinh tế quốc gia-đã tính đến chưa? Tính đến sao cảnh báo của một bác sĩ rất giỏi về dịch tễ như anh Trương Hữu Khanh chỉ để ngoài tai? Tính đến sao PGS Nguyễn Huy Nga phải nêu thực trạng ngành y Sài Gòn "tự bơi" và cần Bộ y tế trao đổi về chiến lược?
Chị tôi ngạc nhiên khi tôi đi xin thịt, trứng, rau cho 500 suất ăn/ngày của bệnh viện Nhiệt đới-trọng địa chữa F0 của Tp.HCM. "Rồi ngân sách đâu em?" - chị hỏi. Dạ nhiều năm nay ngân sách làm tượng đài, xây cao tốc phía Bắc ạ. Nộp 82% ngân sách mà chị., tiền trữ còn bao nhiêu đâu, hạ tầng cơ sở có đủ đâu...
Đó là thực tế không thể phủ nhận!
Tôi là một người không sinh ra ở Sài Gòn. Ngụ cư thành phố này gần 13 năm thì quá nửa là khủng hoảng kinh tế (5 năm) và đại dịch (1,5 năm rồi, và chưa dừng). Trong góc độ cá nhân, tin rằng trải qua khủng hoảng, nhìn xã hội/con người qua đại dịch dễ thấy lòng nhau nhất. Ai làm, ai thu mình kệ mẹ thiên hạ, ai cơ hội chờ thời, ai phá hoại,... Ai là ai, chỉ có thể thông qua biến cố mà tỏ tường!
Xin nhắc lại một câu đặc sệt lịch sử: "Sài Gòn đi trước về sau..." Sài Gòn vì cả nước thấy lâu lắm rồi và bây giờ cả nước cần vì Sài Gòn. Chưa bao giờ Sài Gòn ốm yếu và xác xơ như lúc này. Một trận đại dịch phơi bày bất cập xã hội, kẽ hở thể chế, ngóc ngách lòng người là điều tôi viết từ hồi tháng 3/2020. Những ngày này, nếu có thông tin và "có chữ", không viết ra thì thực sự quá uất ức rồi.
Nên mới có chuyện nhiều bệnh viện Sài Gòn sẵn sàng nhận hàng cứu trợ miễn đạt chuẩn, ký giấy biên nhận, công bố trên page, gửi thư cảm ơn. Nhưng cũng có bệnh viện TP.HCM nhận hàng "theo hướng dẫn cấp trên" như các bệnh viện ngoài Bắc. Bộ Y tế im vậy thì xin nhắn luôn cùng tứ trụ việc khen thưởng tiền tỉ cho 2 trận banh đội tuyển Việt Nam đá không quan trọng bằng nhìn vào xem thành phố nộp ngân sách cao nhất nước này đang thiếu thốn cái gì.
Chống dịch tốt thì ơn ai đó ngoài Bộ, ngoài Chính phủ được xướng công, tụng đức. Chống dịch không tốt thì ai dám nói thẳng không thể tốt khi nhận chỉ đạo chống dịch "hai hàng"? Các chuyên gia nói nếu không phát hiện ca nào trước vài ngày của hạn giãn cách thì xoá giãn cách (ảnh 2). Nhưng như đã nói ở trên, sáng nay gần 90% đều là ca "đang điều tra dịch tễ" chứ không phải ca khoanh vùng (22/25 ca). Bộ Y tế im thì trung ương cũng cần lên tiếng chứ ạ?!
Sài Gòn sẽ thương nhau mà dìu nhau qua đại dịch và trở lại. Sài Gòn sẽ tự cứu nhau vì cái nghĩa của chốn sinh mình ra hay cái ơn của nơi cưu mang người tứ xứ về đây lập nghiệp. Ai, dù ở đâu, hễ còn giữ nghĩa đồng bào đều quý. Chớ tâm thế lúc ngon lành cũng Sài Gòn chi trả, khi nguy nan quen chờ Sài Gòn lo lắng, rồi đến lúc Sài Gòn xác xơ thì im lặng. Kỳ cục lắm!
Chơi dzậy ai chơi?
【Mai Quốc Ấn】