Tầm cỡ của hạt mè

Có lẽ hạt mè (miền bắc gọi là vừng) quen thuộc với người Việt ta chỉ sau cơm gạo. Đông y gọi nó là Hồ Ma (hoặc Chi Ma), có vô số công dụng đối với sức khỏe. Theo một cuốn sách thuốc cổ, mè đen mà chế theo lối "cửu chưng cửu sái", tức là đêm chưng ngày phơi, lặp lại 9 lần, nghiền thành bột trộn với mật ong viên thành hạt to bằng hạt nhãn, ăn hoặc uống với rượu ngày 3 lần mỗi lần 15 viên, sẽ có tác dụng thần kỳ đối với sức khỏe. Ai uống được 1 năm, tinh thần sáng sủa, thân thể nhẹ nhàng, có thể không cần ăn cơm vẫn sống khỏe. Uống được 2 năm tóc bạc lại đen. Uống 3 năm, răng rụng lại mọc. Uống 4 năm, thủy hỏa điều hòa. Uống 5 năm đi nhanh như ngựa chạy. Uống càng lâu càng sống lâu. Y văn cổ còn ghi nhận có trường hợp chỉ ăn viên mè đen không ăn cơm sống tới 80 tuổi mà trông trẻ như thanh niên, ngày đi bộ 300 dặm không thấy mỏi (theo sách Dược tính chỉ nam). Source: fb.com/hksanh/posts/3266133933445644
Có lẽ hạt mè (miền bắc gọi là vừng) quen thuộc với người Việt ta chỉ sau cơm gạo. Đông y gọi nó là Hồ Ma (hoặc Chi Ma), có vô số công dụng đối với sức khỏe.

Theo một cuốn sách thuốc cổ, mè đen mà chế theo lối "cửu chưng cửu sái", tức là đêm chưng ngày phơi, lặp lại 9 lần, nghiền thành bột trộn với mật ong viên thành hạt to bằng hạt nhãn, ăn hoặc uống với rượu ngày 3 lần mỗi lần 15 viên, sẽ có tác dụng thần kỳ đối với sức khỏe. Ai uống được 1 năm, tinh thần sáng sủa, thân thể nhẹ nhàng, có thể không cần ăn cơm vẫn sống khỏe. Uống được 2 năm tóc bạc lại đen. Uống 3 năm, răng rụng lại mọc. Uống 4 năm, thủy hỏa điều hòa. Uống 5 năm đi nhanh như ngựa chạy. Uống càng lâu càng sống lâu. Y văn cổ còn ghi nhận có trường hợp chỉ ăn viên mè đen không ăn cơm sống tới 80 tuổi mà trông trẻ như thanh niên, ngày đi bộ 300 dặm không thấy mỏi (theo sách Dược tính chỉ nam).

Tôi hoàn toàn không có ý định "luyện đan" để trở thành một tiên ông kỳ dị như vậy, nên không thử, chỉ ghi ra để tham khảo. Câu chuyện trên khó có thể tin, có lẽ người xưa quá lời nhằm khuyến khích ăn mè thôi, nhưng sự quá lời kia cũng cho thấy tầm cỡ của những hạt mè nhỏ bé. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Y học cổ truyền Ấn Độ khuyến khích người dân dùng dầu mè để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 (tất nhiên họ không thể đưa ra chứng cứ để chống lại sự phản đối, vì cái con virus này mới xuất hiện làm gì có y văn nào nói đến nó).

Nhưng các y văn cổ đều thừa nhận: Hồ ma bổ phế khí, tốt cho gan và thận, nhuận được ngũ tạng, làm tăng tinh tủy, mạnh gân cốt, sáng tai mắt, lương huyết và giải độc, trừ phong và thấp, ăn nhiều khiến cho râu tóc đen nhuận, da dẻ mịn màng. Phụ nữ sinh con ít sữa, ăn nhiều mè đen sẽ cho nhiều sữa.

Người bị phong ngứa, hay bị côn trùng cắn ngứa lở, sưng vú hay ngứa ngáy lở loét chỗ kín, nghiền mè đen sống nhão như bùn bôi vào có thể trị được.

Dầu mè (gọi là hồ ma du) chữa được hết thảy các thứ mụn nhọt chốc lở ghẻ ngứa, sát được hết thảy các giống trùng độc ký sinh trên da, ăn vào nhuận đại trường, cũng rất tốt cho sức khỏe.

Hoa mè (hồ ma hoa) chữa được bệnh rụng tóc cùng các loại mụn nhọt đinh độc mọc trên da thịt (giã nát xát vào).

Ngọn cây mè (gọi là hồ ma hành) đốt cháy tồn tính có thể trừ bỏ được những ác nhục như mụn thịt và mụn cứt ruồi.

Còn rất nhiều công dụng của hạt mè không thể nói hết ở đây. Mè gì cũng tốt, nhưng tốt nhất là mè đen. Mè chế biến và pha trộn được rất nhiều món ăn. Ở miền nam trước đây có "phong trào" ăn gạo lứt muối mè theo phương pháp dưỡng sinh của cụ Ohsawa cũng rất công hiệu. Nhà nghèo chỉ ăn cơm với muối mè và ít rau dại cũng đủ dinh dưỡng. Những kẻ làm biếng như tôi, sáng có thể nấu cháo gạo (tốt nhất là gạo lứt) và mè đen giã nát, ăn vào thấy nhẹ nhàng thanh thoát.

Vườn nhà tôi mè đen tự mọc rải rác rất nhiều. Là do tôi có trộn mè sống vào thức ăn cho gà, những hạt mè được phát tán ra nhiều nơi, mưa xuống là tự mọc. Chẳng cần phân bón nhưng cây mè vẫn mọc tốt như cái hình này đây.


Hoàng Hải Vân
Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ