Tôi đặt một giả thiết: Nếu như công lý được tối giản hoá một cách tuyệt đối, gia đình các nạn nhân vụ án bưu điện Cầu Voi được quyền trừng phạt; thì dù với nỗi đau khủng khiếp và có thể là năng lượng thù hận chất chứa, chưa chắc họ đã xuống tay với một người mà họ không chắc chắn là kẻ thủ ác.
Và như vậy, con đường của nhân quả rõ ràng không thể lệ thuộc vào cảm xúc của bất kỳ ai. Đặc biệt là khi quan hệ nhân quả được đặt trong phạm vi pháp luật, nó phải mang lý tính tuyệt đối.
Điều này đã có thể được bảo đảm vào thời điểm mười mấy năm trước, nếu như cơ quan điều tra không "làm án" kiểu đã bỏ túi sẵn một cái kết và những tình tiết, tang chứng liên quan chỉ là phụ hoạ cho cái kết định sẵn. Nếu như họ biết tuân thủ một tôn chỉ rằng người ngồi đối diện với mình trong phòng hỏi cung là một nghi can chứ chưa phải là tội phạm.
Nếu họ biết ghi nhớ chức phận của mình là người thu thập các chứng cứ khách quan chứ không phải lái câu chuyện theo hướng định sẵn. Một kiểu làm án nặng ý chí khốc hại đã dẫn theo một hiệu ứng domino sau đó, kéo theo cả một hệ thống duy cảm. Để đến hôm nay, nguyên tắc suy đoán vô tội hoàn toàn bị xé bỏ, thậm chí bị chà đạp bởi một bồi thẩm đoàn không khác nhau một chút nào trong từng câu hòi. 17/17 đồng thuận, lại 17/17 đồng thuận. Đó không phải là đồng phục của tư duy mà là đồng phục cảm xúc định sẵn.
Mười mấy năm để thổi bùng lại một nỗi đau lớn của gia đình hai nạn nhân và để cố bẻ ghi cả xã hội hướng vào một bản án mà chính một thường dân cũng thấy có vấn đề. Đó là một bản án cùn mằn và thảm hại.
Lớp lớp người dân theo dõi vụ án này, đều có hai điều mong mỏi: Xua tan đau đớn cho nạn nhân và gia đình, buộc tội Hồ Duy Hải bằng chứng lý đanh thép hoặc chấp nhận sự sòng phẳng của sai lầm quá khứ. Án oan sai là gì nếu không phải là gỡ oan cho người vô tội hoặc chịu trách nhiệm về sai lầm của mình và chấp nhận nguyên tắc suy đoán vô tội.
Cả hai năng lượng đó đều đã bị dập vùi và nó trở thành xung lực hướng về phía một nền tư pháp chán chường. Cá nhân tôi cho rằng một hoặc tất cả thẩm phán đều có đủ bản lĩnh và lý trí để nghĩ về một bản án khác, nhưng nó đã không mảy may xuất hiện. Nó càng cho phép người ta nghĩ về một kịch bản vo tròn số phận người khác để bảo tồn số phận chính trị của một ai đó.
Càng buồn bã trong những ngày xử án, khi nhất loạt người dân nói tiếng nói của lương tri, lại không có một ai đồng điệu hoặc chí ít là lên tiếng luận giải, vỗ về. Nó càng chứng minh cho một nền tư pháp cô đơn giữa nhân dân, không có sự đồng thuận của nhân dân. Để mỗi số phận người dân đều trở thành cơn cớ xung đột giữa dân và thể chế.
Không có gì sau bản án, ngoài sự thất bại cho toàn xã hội, cho cả bị hại bị cáo lẫn người điều tra xét xử và cả nhân dân theo dõi. Một bản án thểu não tới mức tất cả phải trông cậy vào sự phán xử của tâm linh. Khi nền tư pháp buộc con người để phải bấu víu vào niềm tin nhân quả vô hình, đó là một nền tư pháp thất bại!
【Nguyễn Tiến Tường】