Các tai họa như cơn đại dịch toàn cầu hiện nay mời gọi chúng ta đặt ra hai câu hỏi về mối tương quan giữa đức tin của chúng ta và tai họa. Thứ nhất, xét như một vấn đề sự kiện lịch sử thì điều gì xảy đến với đức tin của chúng ta khi gặp phải một tai họa? Và thứ hai, đâu là sự liên hệ về mặt lôgic hoặc thần học giữa các tai họa và những nguyên lý của đức tin, đặc biệt là giáo lý về sự quan phòng? Làm sao một tai họa lại nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa?
Lời giải đáp cho câu hỏi thứ nhất cũng rõ ràng giống như lời giải đáp đối với câu hỏi thứ hai, đó là mầu nhiệm. Các nghiên cứu thường cho thấy rằng: trong thời kì tai ương như bệnh tật, đại dịch và khủng hoảng kinh tế, có một số người nghi ngờ và chối bỏ đức tin của mình thì phần đông còn lại trở nên sùng mộ hơn thay vì giảm sút. Ngay tuần trước, một nghiên cứu từ Đại học Copenhagen, căn cứ trên dữ liệu được tổng hợp từ 75 quốc gia, đã chỉ ra rằng từ khóa "cầu nguyện" trên Google đã tăng đột biến so với tháng trước.
Trong thực thế, khi một người hay một quốc gia giàu có hơn hoặc tiện nghi hơn thì niềm tin tôn giáo thường trở nên nghèo hơn, càng nghèo hay nguy cấp thì càng sốt sắng hơn. Ngày nay, những lục địa nghèo nhất tương phản với những lục địa giàu nhất. Tôn giáo tại Châu Phi đang bùng nổ, không chỉ về số lượng, nhưng còn về chất lượng. Tôn giáo năng động và hăng say. Những điều kì diệu là thông thường. Các chủng viện đang triển nở mạnh mẽ nơi những vùng ngoại biên.
Châu Phi là lục địa đã từng đón nhận hầu hết các nhà truyền giáo của chúng ta. Tôi đã đủ già để vẫn còn nhớ "Châu Phi đen tối" của thời kì bảo hộ. Giờ đây Châu Phi lại gửi các nhà truyền giáo cho chúng ta, ở những nơi đáng được gọi là "Châu Âu đen tối" và "Châu Mỹ đen tối". Những người thừa kế "Sự Khai sáng" đang đánh mất 10 thành viên giáo hội cho một thành viên mới.
Có lẽ chúng ta có thể nghi nghờ rằng sự hưng thịnh của đức tin trong các thảm họa chỉ là "tôn giáo của hầm tránh bom" (Tôi cho rằng câu nói này có từ thế chiến thứ nhất "Không có người vô thần trong các hầm tránh bom"). Vậy thì sao? Thiên Chúa cúi xuống để chinh phục. Giữa các sinh viên theo thuyết bất khả tri của tôi, "vụ đánh cược của Pascal" là lý chứng phổ biến nhất cho niềm tin. Nó có nghĩa là "Tại sao lại đặt cược vào án phạt đời đời? Động lực niềm tin trong thời khủng hoảng chắc chắn không cao cả và thánh thiêng. Điều chắc chắn là nó xảy ra. Và điều chắc chắn hơn nữa là sự phồn thịnh và thoải mái luôn làm suy yếu đức tin tôn giáo. Không có gì đáng ngạc nhiên ở đây: nếu cơ bắp không được rèn luyện, chúng sẽ trở nên mềm nhũn, và không có phương pháp rèn luyện cơ bắp tinh thần hay thể xác nào hiệu quả hơn việc chiến đấu trực tiếp.
Kẻ thù đắc thắng nhất của tôn giáo lại là những thành công của tôn giáo ấy. Điều đó thật rõ ràng: hãy so sánh Giáo Hội thời các hang toại đạo với Giáo Hội của các Giáo hoàng nhà Borgia. Ai giàu có nhất trong các Tông Đồ? Đó chính là Giuđa Iscariot, vị giám mục Công giáo đầu tiên nhận thù lao của chính quyền. (Ngày nay, những kẻ kế vị ông ấy đang nhận rất nhiều hơn 30 đồng bạc và không ném trả lại).
Có phải điều đó có nghĩa rằng chúng ta có thể cắt nghĩa được chân lý muôn thuở về sự quan phòng thông qua những dữ kiện thực tế của lịch sử hay không? Không thể. Ngược lại, chúng ta có thể cắt nghĩa những dữ kiện thực tế này dựa trên những nguyên tắc đã được Thiên Chúa mặc khải. Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa của những kinh ngạc. Ngài từng nhắc nhở thánh Catherine cũng như thường xuyên nhắc chúng ta là những kẻ mắc bệnh Rối Loạn Suy Giảm Chú Ý về mặt thiêng liêng (spiritual Attention Deficit Disorder), rằng Ngài là Thiên Chúa, còn chúng ta thì không. Ngài luôn hiểu rõ chúng ta, còn chúng ta thì không bao giờ thấu hiểu về Ngài.
Vậy đâu là ánh sáng chân lý mà giáo lý đưa ra (và đó là giáo lý, không phải là một quan điểm hay một lý thuyết) về sự quan phòng của Thiên Chúa trong cơn đại dịch Covid-19? Có phải virus là sự trừng phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi của chúng ta? Đó có phải là điềm báo về ngày tận thế không? Hay có phải đó là bằng chứng cho thấy Satan đang được thả ra? Chúng ta không biết bất kì điều gì về chuyện đó. Những gì mà chúng ta biết còn đáng kinh ngạc hơn nhiều: Đó là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa quan phòng đối với trật tự của mọi biến cố trong vũ trụ, từ vụ nổ Big Bang đến bất kì con chim sẻ nào rơi xuống hay ngay sợi tóc trên đầu chúng ta, và vì thế cũng bao gồm cả cơn đại dịch này nữa. Tất cả điều ấy là tình Yêu. Và tình yêu có nghĩa là "ước muốn những điều tốt đẹp cho người được yêu", người được yêu là chúng ta; và vì thế, như thánh Phaolo viết: "Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người" (Rm 8,28).
Đây là câu Kinh Thánh khó tin nhất. Tất cả mọi sự đều sinh ích lợi dường như là điều không thể, nhưng vậy thì làm sao chúng ta có thể chắc chắn về điều đó? Thiên Chúa đang viết kịch bản và chúng ta chỉ là những diễn viên. Thiên Chúa đã đưa ra câu trả lời của Ngài về "vấn đề sự dữ" khi Ngài nói với ông Gióp. Có thể diễn dịch như sau: "Ngươi đã ở đâu khi ta đặt nền móng cho đất trên các tầng trời, khi ta viết kịch bản có người trong đó, khi các ngôi sao mai đang hòa tấu nhịp nhàng? Giữa các thiên thần, Ta đã không chú ý đến ngươi khuyên bảo ta".
Nhưng có phải tất cả mọi sự đều sinh ích lợi, từ những bệnh tật cho đến những cuộc tàn sát? Đúng vậy. Đúng tất cả hoặc không gì cả. "Tất cả mọi sự" có nghĩa là tất cả, trừ khi các tòa án đã hủy bỏ luật bất mâu thuẫn. Điều đó bao gồm những thảm họa khủng khiếp, và nó bao gồm nhiều điều - 99 phần trăm trong số đó — chúng ta không thấy chúng sinh ích lợi. Nó thậm chí bao gồm cả những tội lỗi trong quá khứ của chúng ta, nhưng chỉ thông qua cánh cửa vàng của sự sám hối.
Nếu giáo lý đáng kinh ngạc này không đúng, thì Thiên Chúa hoặc là không tồn tại, ngu ngốc, yếu đuối hoặc xấu xa. Nhưng nếu Ngài có thật, toàn trí, toàn năng và toàn thiện, thì những điều trong Kinh Thánh là hợp lý. Lý do Thiên Chúa cho phép Covid-19, hai cuộc chiến tranh thế giới, và vô số thảm họa khác, cả tự nhiên và nhân tạo xảy ra là vì Ngài yêu thương chúng ta. Thông qua những đau khổ này, Ngài đang thực hiện một sứ mệnh vĩ đại và vinh quang hơn nhiều những gì mà chúng ta có thể mong muốn hoặc tưởng tượng ra. Một điều mà vị ngôn sứ của Ngài đã diễn tả theo cách này: "Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người".
Nhưng làm sao điều đó có thể xảy ra? Chúng ta không thể trả lời câu hỏi đó. Nhưng chúng ta có thể chờ đợi trong niềm tin và sự tín thác. Điều này có phải là khờ khạo? Suy nghĩ viển vông? Không phải, đó là tỉnh táo. Đó là thực tế. Chúng ta thực sự không phải là Thiên Chúa, mà Ngài mới thực sự là Thiên Chúa. Có lẽ chúng ta nên đọc sách Gióp một lần nữa.
【Peter Kreeft】
【Chuyển ngữ: Nhóm Kim Đoài】
https://catholicherald.co.uk