Trong khi Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ nói cơ quan này đang chuẩn bị can thiệp để hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ, cũng có nghĩa là kinh tế toàn cầu, vì "coronavirus cho thấy nguy cơ ngày càng lớn đối với hoạt động kinh tế", thì những tế bào li ti của cơ thể kinh tế toàn cầu đó đang kiên trì xoay trở tìm cách sống.
Tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng Cô Vi Cô Vít thì rõ và các chuyên gia, báo chí đã đăng nhiều. Bài này nói về những giải pháp, từ nhiều góc nhìn khác nhau. Hai tuần qua nhiều cuộc gặp gỡ chia sẻ trước tai họa bất ngờ Corona: (1) một đoàn công tác của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao liên tiếp đến thăm nhà xưởng các doanh nghiệp, cùng lúc (2) gửi bảng câu hỏi để tham khảo diện rộng và (3) liên tiếp tổ chức các buổi chia sẻ, gợi ý của các chuyên gia và doanh nghiệp có kinh nghiệm. Ngày 22/2 là cuộc gặp giữa Tỉnh ủy, ủy ban tỉnh Đồng Tháp cùng Hội bàn việc thành lập trung tâm bảo quản, chế biến nông sản, ngày 26/2 là 2 buổi về xử lý các vấn đề tài chính của chị Nguyễn Phi Vân. Ngày 27/2 là chia sẻ giải pháp rất cụ thể giải quyết khó khăn trong điều hành DN mùa dịch bệnh của anh Nguyễn Lâm Viên. Và sáng qua là buổi trao đổi sôi nổi với chuyên gia Lê Đăng Doanh về "Cơ hội từ EVFTA và từ chính cuộc khủng hoảng CoViD 19".
Các CEO quan tâm kinh nghiệm chị Cao Thị Ngọc Dung: Dịch bệnh nổ ra, giật mình, lùi lại, tĩnh tâm, nghĩ sâu về những vấn đề căn cơ chiến lược như cấu trúc công ty, về cả mô hình kinh doanh, dòng chảy của vốn, định hướng thị trường...
Khó khăn lớn nhất là nguyên liệu, vốn lệ thuộc TQ. Duy trì ổn định cố gắng chờ khủng hoảng qua. Không ỷ lại trông chờ chính phủ giải cứu. Một từ thường được các CEO nhắc là "cân bằng". Trước mua nhiều nguyên liệu TQ, ít nguyên liệu các nước khác thì nay cân bằng lại. Trước sản xuất nhiều dòng sản phẩm thì nay cân bằng lại, chọn những loại sản phẩm đang "ăn hàng". Trước chỉ tính xuất khẩu thì nay tính kỹ thêm thị trường ngách nội địa. Trước cứ tập trung hết thị trường Trung Quốc thì nay, nối lại các mối nhỏ hơn, khó hơn... Kế đó là "bình tĩnh, tìm cho hết những cơ trong nguy". Một bí quyết nữa là các doanh nghiệp trên chuỗi giá trị kết nối với nhau, bù đắp những chỗ bị thiếu của nhau.
Cũng có một số ngành có cơ hội. Như ngành chế biến lượng thực (các loại thực phẩm khô). Ngành hóa mỹ phẩm, nhựa, sứ, văn phòng phẩm... vẫn tìm ra được những cái ngách để tập trung SX các dòng sản phẩm hợp thời, bán được... Ngay đến Vietnam Airlines, khách giảm đến hơn 50% thì cũng có đường bay như Sàigòn- Côn Đảo tăng nhiều, từ trung bình 10 chuyến/ngày thì đang tăng đến 17 chuyến/ngày. Lại cũng có một số doanh nghiệp xuất khẩu nhận ra, ở phương xa, có lỗ hổng thị trường mà TQ bỏ trống thì mình tìm cách lắp đầy.
Với câu hỏi: giữa nỗi lo đình trệ sản xuất và nỗi lo cho sức khỏe thì công ty bạn thấy điều gì đáng lo hơn. Anh Hồ Quỳnh Hưng, CEO Điện Quang nói nhanh, bây giờ lo nhất là sức khỏe mọi người trong công ty. Cả ngàn người mà chỉ một bạn dính là rắc rối to, đóng cửa kiểm dịch chờ 14 ngày là... toang hết.
Phó TGĐ trẻ Lý Huy Sáng chân thành: Minh Long lâu nay vẫn rất chú trọng thị trường xuất khẩu. Hội chợ lớn nhất trong năm mà Minh Long đầu tư gấp đôi từ 6 tháng trước, bỗng chao đảo vì con Corona chỉ mấy tháng gần đây. Hội chợ lớn như Frankfurt mà giảm 60 % khách, 700 gian hàng triển lãm giờ chót đóng cửa thì thấy rất lo rồi. Tình thế đo, Minh Long chuyển mạnh qua các sản phẩm bán trong nước. Dòng ly giữ nhiệt cho nhân viên văn phòng hiện nay đang bán chạy lắm, đang sản xuất mạnh. Thú vị bất ngờ là các bạn tăng độ hấp dẫn của những sản phẩm này rất thông minh. Trên nên sứ trắng, là câu chuyện An Tiêm bán dưa, vừa vớt rác thải trên biển. Hay câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh biến tấu rất ngộ nghĩnh: Sơn Tinh lên núi thì đi chống phá rừng và Thủy Tinh thì đi vớt rác thải nhựa để chinh phục tình yêu của Mỵ Nương vì nàng rất hiện đại, rất yêu môi trường... Đây là các loại ly có đủ các câu chuyện duyên dáng đang được các bạn trẻ lựa chọn nhiều nhất Lý Huy Sáng còn kể về việc cho ra đời dòng nồi sứ dưỡng sinh mới, đẹp hơn, dễ sử dụng hơn. Sáng không nói thì tôi cũng biết rằng sức khỏe người tiêu dùng là mục tiêu thiêng liêng mà anh Lý Ngọc Minh suốt đời đeo đuổi và ngày càng thiết tha trong từng chi tiết nhỏ nhất của sản phẩm.
➥ Các tranh vẽ vui và ý nghĩa trên ly sứ giữ nhiệt của Minh Long.
Còn Văn phòng phẩm Thiên Long, các bạn trẻ mở chiến dịch tiếp thị tập trung các sản phẩm dành cho trẻ phải nghỉ học ở nhà, có đồ chơi, với các slogan dễ thương: "Bé vừa học vừa chơi, mẹ càng thêm thảnh thơi", "Tránh Corona bé chơi Colokit"...
➥ Các chương trình dành cho trẻ nghỉ học ở nhà của Thiên Long.
Anh Nguyễn Lâm Viên thì tập trung cho vườn nấm Đông Cô trồng tự nhiên dưới tán rừng thông của anh vì món "Nấm sấy" ăn ngon như một loại snack thiên nhiên rất lạ, lần đầu xuát hiện, đang hút hàng.
➥ Nấm hương Thông của Vinamit.
Đi sâu đến thăm tận các kho nguyên liệu của doanh nghiệp, tôi biết họ đang vô cùng khó. Nhưng tâm họ an vì nghĩ đến sự ổn định lâu dài. Tận trong sâu thẳm, tôi thầm biết ơn họ đã hết sức chăm chút cho công nhân và đội ngũ R&D, tiếp thị luôn giữ được cảm hứng sáng tạo trước sóng to bão lớn. Trong cái khó ló rất nhiều cái khôn, nhiều doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao vẫn bền bĩ, lặng lẽ tìm được nhiều cách "thoát ám cô Vi" bằng những sáng kiến nhỏ. Từ những tấm lòng lớn, quí trọng con người.
【Vũ Kim Hạnh】