Dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, đang diễn biến rất phức tạp ở nước này và đã lây lan sang 86 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại sao dịch lại bùng phát và hoành hành nặng nhất tại Trung Quốc?
Đọc lại cuốn "Sụp đổ" (Collapse) (*), một công trình nghiên cứu nổi tiếng của giáo sư Jared Diamond, ta có thể lần ra một số lý giải. Bằng những khảo sát khoa học hết sức công phu, Diamond đã chứng minh việc phá rừng và hủy hoại môi trường là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của hàng loạt các xã hội trong quá khứ. Và ông đã dành hẳn một chương "Trung Quốc, người khổng lồ lắc lư" để cảnh báo những vấn đề của nước này.
Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc được coi là ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng gấp 4 lần tốc độ của thế giới thứ nhất, quy mô nền kinh tế hiện chỉ đứng sau Mỹ, nhưng vấn đề môi trường được xếp vào hàng trầm trọng nhất hành tinh.
Trung Quốc là một trong những nước nghèo rừng nhất thế giới nhưng việc phá rừng lại vô cùng tàn bạo, dù có chú ý tăng diện tích rừng trồng nhưng rừng tự nhiên lại bị suy giảm trầm trọng, hiện rừng chỉ che phủ 16% diện tích đất Trung Quốc (trong khi tỷ lệ này ở Nhật là 74% và Việt Nam trên 41%). Rừng bị phá kéo theo đất đai bị xói mòn và lũ lụt khủng khiếp. Từ sau những trận lụt kinh hoàng vào năm 1998 ảnh hưởng đến cuộc sống của 1/5 dân số, Trung Quốc ban hành lệnh cấm khai thác gỗ ở các khu rừng tự nhiên, nhưng là nước tiêu thụ gỗ lớn thứ ba thế giới, cho nên để giữ những cánh rừng của mình, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu gỗ lên tới 6 lần, kích thích việc phá rừng của các nước khác, Diamond gọi là "xuất khẩu phá rừng".
Diện tích đất canh tác tính trên đầu người của Trung Quốc chỉ đạt 0,1ha, chưa bằng ½ mức trung bình của thế giới, nhưng tình trạng đất đai bị xói mòn và ô nhiễm thì thật đáng sợ. .Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới (chiếm 1/5 sản lượng tiêu thụ trên hành tinh) với lượng phân bón trung bình trên mỗi ha cao gấp 3 lần mức trung bình của thế giới, là nhà sản xuất và tiêu thụ thuốc trừ sâu lớn thứ hai thế giới, là nhà sử dụng màng nilon che phủ cây trồng lớn nhất thế giới, đất đai xói mòn không những gây trầm tích đáy sông làm giảm 50% tuyến đường thủy tàu bè có thể đi lại được mà thuốc trừ sâu, phân bón và hóa chất trôi xuống sông khiến cho nước sông bị ô nhiễm trầm trọng, nước sông đổ ra biển cũng góp phần làm ô nhiễm biển.
Chưa hết, lượng rác thải khổng lồ của Trung Quốc chỉ được tái chế một lượng nhỏ (khoảng 20% so với 80% của thế giới thứ nhất), còn lại mang chôn ở những cánh đồng hoang làm gia tăng tình trạng ô nhiễm đất. Lượng thuốc trừ sâu và phân hóa học khổng lồ phủ lên đất khiến cho giun đất suy giảm mạnh, được coi là nguyên nhân làm mất tới 50% đất canh tác chất lượng cao. Có hơn 2/3 số thành phố của Trung Quốc đang bị rác bao vây với thành phần rất đa dạng từ nhựa, xỉ than, bụi và các loại rác vô cơ, rác hữu cơ ô nhiễm.
Ngoài các dòng sông và các nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, khoảng 75% số hồ của Trung Quốc và hầu như tất cả các vùng biển ven bờ đều bị ô nhiễm. Người ta còn dự báo rằng tất các các đại dự án của Trung Quốc, trong đó có các đại dự án thủy điện, đều gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường, chủ yếu là làm xói mòn đất và phá vỡ hệ sinh thái.
Là nhà tiêu thụ than đá lớn nhất thế giới cộng với công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm từ các nước thế giới thứ nhất đổ vào khiến cho không khí bị ô nhiễm kinh người, dẫn đến nồng độ chì trong máu của cư dân đô thị Trung Quốc cao gần gấp đôi nồng độ bị thế giới coi là nguy hiểm và có nguy cơ gây tổn hại tới sự phát triển trí não trẻ em. Ô nhiễm không khí mỗi năm khiến 300 ngàn người chết ở Trung Quốc, gây thiệt hại về phí tổn y tế lên tới 54 tỷ đô la, tương đương với 8% GDP. Đó là chưa kể những căn bệnh khác do thực phẩm nhiễm độc. Những tác hại về môi trường khiến cho khả năng miễn dịch trong cơ thể của người dân bị suy giảm, đó là lý do dịch bệnh rất dễ bùng phát.
Trung Quốc vừa là nước xuất khẩu ô nhiễm ra thế giới vừa là nước nhập khẩu ô nhiễm từ thế giới thế nhất (các nước phát triển). Ngoài "xuất khẩu tại chỗ" qua không khí và nước biển (bụi và khí thải độc hại từ Trung Quốc có thể theo gió phát tán tới Bắc Mỹ) và "xuất khẩu phá rừng", Trung Quốc còn mang những thực phẩm canh tác trên môi trường bị ô nhiễm sang các nước không có hàng rào kỹ thuật chặt chẽ như Việt Nam, qua việc mang công nghệ lạc hậu sang đầu tư ở các nước khác. Trung Quốc cũng là bãi rác của thế giới thứ nhất với việc nhập khẩu các thiết bị lạc hậu, đặc biệt là nhập khẩu mỗi năm hàng triệu tấn rác công nghiệp, trong đó có nhiều loại rác nhiễm các hóa chất độc hại, về tái chế làm nguyên liệu.
Ngoài tham vọng bành trướng của nhà cầm quyền, Trung Quốc còn có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thuộc thế giới thứ nhất. Điều gì sẽ xảy ra khi khát vọng này trở thành hiện thực? Cần biết rằng trung bình mỗi công dân Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản tiêu thụ một lượng tài nguyên và thải một lượng rác gấp 32 lần công dân các nước đang phát triển. Các nước phát triển tồn tại bền vững một phần là do đẩy các thứ rác, gồm rác thải và công nghệ lạc hậu, sang các nước đang phát triển. Nếu như 1,3 tỷ dân Trung Quốc đều có mức sống và lượng rác thải như Mỹ, Tây Âu và Nhật thì những gì sẽ xảy ra không ai đoán trước được, nhưng chắc chắn là môi trường sẽ bị tàn phá khủng khiếp, ô nhiễm sẽ lên đến mức kinh hoàng hơn gấp nhiều lần so với hiện nay. Khi ấy, các nước trong thế giới thứ nhất có ngồi yên mà hưởng thụ được không?
Khi dịch Covid-19 đang lây lan một cách đáng sợ ở những nước giàu như Hàn Quốc, Ý, Pháp, Đức và Mỹ, thiên hạ sẽ phải thức tỉnh, rằng giàu sang mà không thuận với thiên nhiên thì không chắc đã an toàn.
Với những gì đang diễn ra, nước ta chắc chắn sẽ khống chế dịch sớm nhất thế giới, là do nỗ lực của chính phủ và khả năng tự đề kháng của dân ta. Chúng ta không kỳ thị với người dân các nước đang mắc dịch nặng, nhưng các nhà lãnh đạo nên nhìn vào Trung Quốc để tránh những vết xe đổ của họ.
【Hoàng Hải Vân】
(*) Sách in ở Mỹ năm 2004, bản dịch tiếng Việt của NXB Tri thức, 2007. Sau 16 năm, tình trạng mà Diamond cảnh báo không hề giảm mà còn gia tiếp tục gia tăng.