Ngẫm cũng ngộ, người Tàu là sư phụ vịt quay, mì vịt tiềm, phá lấu vịt, xì pỉn, vịt nấu chao... Còn người Việt thì trùm cháo vịt, bún măng vịt.
Đâu phải ai ăn thịt vịt cũng được, nhứt là những ai yếu bụng ăn coi chừng trúng thực vì thịt vịt có tánh hàn, buổi tối gần ngủ cũng không nên ăn vịt vì sẽ khó tiêu, lạnh bụng.
Người Nam Kỳ mình khi ăn vịt luộc như cháo vịt, để tránh mùi hôi lông, mùi vịt tanh tanh nên hay chấm vô nước mắm gừng, mùi gừng sẽ át mùi vịt, làm cho miếng thịt hấp dẫn hơn. Còn trong cháo vịt người ta bỏ tiêu và hành, hành xắt dài bằng nữa ngón tay cũng là khử mùi vịt.
Nói về con vịt ngon, thịt dày da mỏng là con vịt Tàu. Vịt Tàu nhỏ con nhưng nhanh chưn, chạy nhảy khắp nơi nên thịt săn chắc. Tuy nhiên có nhiều người lại thích vịt xiêm, nói rằng ăn ngọt bùi hơn.
Người Nam Kỳ nấu cháo vịt thường rang gạo lên, ít bỏ bột ngọt, nước ngọt từ con vịt mà ra. Người ta có thói quen khi cắt cổ vịt thì để dĩa nếp hứng vào, huyết nếp vịt rất ngon, nó dẻo quẹo.
Cháo vịt ngon cũng là nhờ dĩa gỏi nữa nha.
Gỏi vịt thường làm bằng cải nồi Đà Lạt bào sợi nhỏ trộn chung bắp chuối rồi trộn dấm chua ngọt lên, cái vị chua chua, ngọt ngọt làm đầu lưỡi không ngán trước cái béo của con vịt.
Hồi xưa, quán cháo vịt nổi tiếng ngon là ra Thanh Đa và về Gò Công. Nhưng giờ hết ngon rồi, nấu công nghiệp quá, hết có mùi vị đặc trưng, nhiều lúc mấy hàng quán nhỏ ăn còn thơm ngon đậm đà hơn.
Chúng ta gọi chung là cháo vịt Nam Kỳ Lục Tỉnh.
【Petrus Tran】