Nếu đức Phanxicô có thể ghé thăm như được mong chờ, vậy thì tất nhiên sẽ có nhiều sự quan tâm được hướng dồn về quốc gia này.
Truyền thông dạo gần đây loan tin đức Phanxicô có thể sẽ viếng thăm Timor-Leste cuối năm nay (như một phần của chuyến thăm đã được dự trù tới các quốc gia lớn hơn là Indonesia và Papua New Guinea). Dù nhiều người chưa từng nghe nói đến đất nước này, Timor-Leste – một quốc gia với dân số chừng 1.4 triệu nằm về phía đông nam của quần đảo Indonesia – rất đáng được chú ý bởi nhiều lý do. Một trong những lý do đó là, với dân số chiếm tới 98% là Công giáo, quốc gia này là quốc gia có tỷ lệ dân Công giáo cao nhất ngoài thánh Vatican.
Timor-Leste, tên trước đây là Đông Timor (East Timor), còn nổi bật do những khốc liệt mà dân chúng ở đây phải hứng chịu. Những xáo trộn và khủng hoảng nội bộ đã xâu xé vùng đất bé nhỏ này trong những năm cuối thế kỷ XX, một phần ba dân số đã phải vong mạng vì bạo lực, dịch bệnh hay đói khát.
Công giáo đến đây vào giai đoạn đầu những năm 1500 nhờ những người Bồ Đào Nha, họ đã chiếm và coi lãnh thổ này như là thuộc địa của mình trong vòng 4 thế kỷ (Nhật bổn chỉ chiếm đóng trong thời gian ngắn trong Thế chiến II). Tiếng Bồ đã trở thành ngôn ngữ chính thức, bên cạnh tiếng Tetum (một ngôn ngữ vùng Austronesian). Tiếng Anh và tiếng Indonesia được sử dụng ít hơn.
Đông Timor độc lập vào ngày 28 Tháng Mười 1975. Sau đó 9 ngày, nó bị Indonesia chiếm. Bởi vậy, tiếp sau đó là nhiều thập kỷ đụng độ giữa một bên là lực lượng vũ trang giành độc lập Đông Timor với bên kia là quân đội Indonesia. Bên cạnh đó, là nhiều con người không tham gia chiến cuộc, trong đó có phụ nữ và trẻ em, phải vong mạng vì bạo lực trên đường phố, hoặc bị bắt hay “bị bốc hơi”.
Khi cuộc tàn sát bắt đầu diễn ra, chỉ 20% dân số Đông Timor là Công giáo. Tuy nhiên, trong cuộc phá huỷ tàn ác kéo dài ấy, nhiều người không phải là tín hữu Công giáo đã chọn các ngôi nhà thờ Công giáo làm nơi nương náu thể lý, sau rồi là cả mặt tâm linh nữa. Ngoài ra cũng do, nhiều giáo sĩ Công giáo đã mạnh mẽ lên án các vi phạm nhân quyền (một số vị thậm chí còn có những hỗ trợ trực tiếp cho các chiến binh đòi độc lập nữa).
Nhân vật giáo sỹ tiêu biểu nhất đã ủng hộ dân chúng Đông Timor là giám mục Carlos Ximenes Belo, do lòng can đảm và uy tín đạo đức của ngài, ngài đã được trao giải Nobel Hoà bình năm 1996, giải năm đó cũng được trao cho ông José Ramos-Horta, nhân vật nhiều lần giữ chức vụ tổng thống và thủ tướng của đất nước.
Bên cạnh vị giám mục bản xứ Belo, còn có các nhân vật Công giáo khác trong đó có đức Gioan Phaolô II, ngài là người đã kêu gọi sự chú ý của quốc tế tới cuộc đấu tranh của dân chúng Đông Timor khi đến thăm thủ đô Dili hồi Tháng Mười 1989. Căng thẳng dâng cao trong chuyến thăm này, khi bạo lực bùng phát giữa một bên là những người biểu tình ném ghế với bên kia là mưa dùi cui của các cảnh sát Indonesia, giữa lúc vị giáo hoàng đang cử hành một thánh lễ ngoài trời.
Cuộc đụng độ này vẫn còn là rất nhẹ nhàng khi so sánh với những gì xảy ra vào hôm 12 Tháng Mười Một 1991, khi các lực lượng an ninh Indonesia đã hạ sát 250 người dân không vũ trang, trong một đám tang tại nghĩa trang Santa Cruz ở thủ đô Dili.
Một đoàn làm phim ngoại quốc đã xoay xở và quay được cảnh tàn sát này. Đoạn phim này, đã đưa được ra khỏi Đông Timor một cách bí mật, sau này xuất hiện trong bộ phim tài liệu có tựa là In Cold Blood: The Massacre of East Timor (Cuộc thảm sát máu lạnh ở Đông Timor), bộ phim đã khơi lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, phản đối sự chiếm đóng quân sự, một sự chiếm đóng bị nhiều người cho là một cuộc diệt chủng.
Một cuộc trưng cầu ý dân về việc Đông Timor độc lập được thực hiện, có sự giám sát của Liên Hợp Quốc, cho thấy, 80% người dân Đông Timor muốn độc lập khỏi Indonesia. Ngay sau cuộc bỏ phiếu có tính quyết định này, được Indonesia chống lưng, các phần tử vũ trang Đông Timor chống lại việc độc lập, đã thực hiện một chiến dịch tấn công vũ trang. Trong vài tuần lễ, chúng đã sát hại khoảng 1.400 người (kể cả các linh mục và nữ tu), biến số người gấp nhiều lần con số đó phải trở thành dân chạy loạn, dân tị nạn, đốt phá hoàn toàn nhiều ngôi làng, và phá huỷ phần lớn các cơ sở hạ tầng vốn đã nghèo nàn của vùng này, kể cả các ngôi trường.
Việc phá huỷ trường học như vậy chắc chắn khiến gia tăng số người Đông Timor (một số người ước chừng một nửa dân số) không nhận được bất kỳ việc giáo dục chính thức nào.
Tỷ lệ mù chữ, dù đã được cải thiện trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn cao nếu so với các tiêu chuẩn thế kỷ XXI. Đặc biệt là với nữ giới, theo một số đánh giá cho biết, hơn một nửa vẫn mù chữ. Và hầu hết dân chúng, cả nam giới lẫn nữa giới, chưa bao giờ biết đọc báo là gì.
Chừng 2/3 dân cư sống trong những ngôi làng nhỏ, bị cô lập về mặt địa lý. Hơn một nửa sống trong tình trạng cực kỳ đói nghèo (dưới 1.9 USD 1 ngày), và một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Timor-Leste vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tạo công ăn việc làm cho người trẻ. Nhiều người trẻ, đặc biệt ở những khu vực thành thị, dễ bị cuốn vào lối sống anh chị, đâm chém. Dù điều này đã khiến cho đường phố có khi trở nên chốn vô thiên vô pháp, nhưng đất nước Timor-Leste — kể từ khi giành được độc lập với bao nhiêu gian khổ vào ngày 20 Tháng Năm 2002 — chưa bao giờ đứng trước nguy cơ rơi vào hỗn loạn giống như hồi cuối thế kỷ XX.
Bất chấp tất cả những khó khăn trên, quốc gia này vẫn giữ được cho mình một đức tin mạnh mẽ. Thay vì việc các chủng viện phải đóng cửa vì không có người học, Timor-Leste lại đang phải đau đầu vì chuyện khác biệt nơi hàng trăm chủng sinh đầy nhiệt tâm, nhưng đã bị loại vì họ thiếu sự đối thoại, cởi mở.
Một chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ giúp đem đến những quan tâm chính đáng cho quốc gia còn kém phát triển, non trẻ đang phải vật lộn để đứng lên từ những đổ vỡ gần đây. Một chuyến viếng thăm như thế, cũng là dịp để vị giáo hoàng có dịp hiện diện tại một đất nước hầu như toàn tòng Công giáo giống như quốc gia mà ngài đang điều hành.
Ray Cavanaugh
Chuyển ngữ: Nhóm Phiên dịch Mai Khôi
https://aleteia.org