Một trong những điều làm tôi ngỡ ngàng nhất tại Việt Nam là sự thiếu chủ động trầm trọng của người trẻ. Và đó cũng là lý do nhiều bạn bè nước ngoài than thở khi làm việc tại Việt Nam, phải sử dụng hình thức micro-management - quản trị chi tiết.
Nếu giao việc mà không 1234 ghi rõ cụ thể làm gì là không biết bắt đầu từ đâu. Nếu chỉ đưa mục đích cần đạt được mà không cầm tay chỉ việc là đơ luôn. Nếu không đi theo hỏi từng chuyện nhỏ làm xong chưa, nếu không la hét cau có chửi bới làm dữ thì việc gì cũng chẳng xong. Và việc không xong là tại vì thì là bị tán loạn, có tỷ lý do để làm không được, và làm không xong đương nhiên là chuyện bình thường. Không xong thì thôi, đâu liên quan gì tới cuộc đời mình. Không xong thì thôi, có xong mình cũng đâu có giàu hơn đồng nào hay được thêm lợi ích gì. Cứ như thế, lơ ngơ, vô cảm mà trôi, không thèm nghĩ cũng chẳng biết làm sao để nghĩ.
Người nước ngoài họ nói người Việt mình thiếu tính tự giác. Tôi thì không nghĩ thế. Không phải thiếu mà là bị giáo dục thành như thế. Toàn dạy ngồi im bảo sao nghe vậy, không nên suy nghĩ, không cần suy nghĩ, chỉ có một cách thống nhất để nghĩ thôi, là nghĩ theo cách vừa được dạy, không nên sáng tạo, không được phản biện. 12 năm, 16 năm sau nó thành thói quen, ngồi im không ai hỏi tới thì ngậm miệng, không biết bản thân cần phải chủ động đặt câu hỏi, giải quyết vấn đề, giao tiếp, tương tác, chia sẻ thông tin. Làm việc mà sếp đi dí nhân viên, la như gọi đò, chăn như con mọn, nhắc việc như chăm người bệnh mất trí nhớ. Trời ơi, gì vậy? Về Việt Nam làm việc phải chế ra mô hình quản trị mới, gọi là mô hình quản trị chăn dắt - herding management style. Chắc phải đi đăng ký bản quyền mô hình này đưa vào chương trình MBA Việt Nam quá.
Nếu cứ như thế, thì đương nhiên người không bằng robot. Bot nó được lập trình cứ đúng việc mà làm, không ai cần nhắc nhở gì, cũng không bao giờ im re. Nhấn nút là nó làm thôi, làm hoài cho tới khi bấm off nó mới ngưng. Không như người, hướng dẫn, chỉ việc xong vẫn phải ngồi canh coi có làm không, làm có xong không, xong có đúng yêu cầu không.... Bot do AI quản lý lại còn biết tự học, nhờ machine learning - máy học. AI sẽ học cách làm tốt hơn, tối ưu hoá hơn, nhanh hơn, tự động hóa để đỡ mất thời gian và nguồn lực hơn, và cứ như thế càng tự học càng thông minh và hiệu quả.
Nếu hỏi tương lai tôi có sử dụng bot thay người không, tôi sẽ không trả lời. Tôi sẽ đặt câu hỏi ngược lại, có ai trên đời làm mà không muốn thành công không? Có ai trên đời sống mà không muốn khỏe và sướng? Nếu có người như thế, thì bot sẽ không cách nào thay người được. Còn bot không ra bot, người không ra người như kia thì thôi phân loại thành "loài quá khứ" không có khả năng hội nhập tương lai. Không đâu xa, chừng 10 năm nữa thôi, sự đào thải nhân lực người kém cỏi sẽ lan nhanh như đại dịch. Loại này sẽ để dành trưng bày trong bảo tàng thất bại cho giống nòi tiếp theo chúng rủ nhau đi coi. Đó là giống nòi siêu việt đang trỗi dậy cùng sự phát triển của AI trên thế giới. Chắc là chúng sẽ hết sức ngạc nhiên & thích thú về một "loài quá khứ" bất khả tư nghị.
Rồi, người nhìn lại mình đi. Nếu đến chủ động bằng bot thôi làm không xong thì lo về nhà gói ghém đi nha, mai lũ lượt dắt nhau vào viện bảo tàng.
Tin liên quan:
✔️ “Điển hình của... sự khuyết tật về mặt nhân cách!”
✔️ Nhiều bố mẹ Việt không có bản lĩnh: Oằn mình làm ra của cải rồi cho con hết, sợ con thua kém bạn bè, con vòi vĩnh gì cũng đáp ứng
✔️ Mê Tây sính ngoại
✔️ Kết quả của hai nền giáo dục
✔️ Quá trình hủy diệt một đứa trẻ
✔️ “Cha mẹ thời đại kĩ thuật số” — Lời cảnh báo nghiêm khắc dành cho chúng ta
✔️ Sự kiêu hãnh Hong Kong & nồi cơm nước Việt
✔️ Khác biệt của biết nhục!
Nguyễn Phi Vân
Bài về chủ đề Giới trẻ: