Các chuyên viên nhận định: Những hành động của đức giáo hoàng Piô XII để giúp đỡ người Do-thái bị bách hại, có tầm mức và đáng tin hơn là danh hiệu “câm lặng” bị gán cho ngài.
"Không bao giờ được lặp lại nữa!" đã trở thành tiếng thét vang vọng muôn đời trước nạn diệt chủng người Do-thái ở Châu âu trong Thế chiến II, việc tưởng niệm được cử hành hàng năm để nhắc nhớ đến các nạn nhân của nạn diệt chủng này.
Thế nhưng, Giáo hội Công giáo đã hành động đủ để chống lại sự bất công này chưa, phải chăng giáo hoàng Piô XII đã câm nín trước các tội ác Phát-xít, đấy là những câu hỏi dai dẳng mãi không có câu trả lời.
Một cuộc hội thảo quy tụ các sử gia và chuyên viên các ngành khác đã xem xét lại một vài trong số những câu hỏi như vậy, tại sự kiện của Liên Hiệp Quốc đánh dấu dịp kỷ niệm 75 năm giải phóng trại tử thần Auschwitz hôm Thứ Hai vừa rồi. Buổi thảo luận 3 tiếng với đề tài “Tưởng nhớ các nạn nhân của nạn diệt chủng Phát-xít: Các tài liệu ghi nhận được về những nỗ lực của Toà thánh và Giáo hội Công giáo nhằm cứu giúp các nạn nhân”, được tổ chức ngay đầu năm đánh dấu 75 năm chấm dứt Thế chiến II và thành lập LHQ. Và vào ngày 2 Tháng Ba, Toà thánh sẽ mở cửa trọn vẹn kho lưu trữ liên quan đến triều giáo hoàng của đức Piô (1939-1958) để các học giả tiếp cận.
Ông Johan Ickx, giám đốc phụ trách kho sử liệu thuộc phân bộ Ngoại giao của Toà thánh, giới thiệu sơ qua về các nội dung sẽ được mở cửa cho các học giả tiếp cận kể từ ngày 2 Tháng Ba, trong đó gồm có Kho lưu trữ Giáo hoàng, trước đây gọi là Kho tài liệu Mật; kho tài liệu của các sứ thần Toà thánh giai đoạn Thế chiến II; tài liệu của các thánh bộ; các giấy tờ liên quan đến việc giải cứu các nạn nhân; kho tài liệu của Bộ Truyền bá Đức tin, trong đó có các giấy tờ về các sứ vụ truyền giáo trên khắp thế giới, kể cả những sứ vụ truyền giáo ở những vùng đang có chiến tranh.
Giám đốc Ickx cho biết, kho tài liệu của phân bộ Ngoại giao của Toà thánh do ông phụ trách, đã và đang tiến hành việc số hoá các tài liệu từ 8 năm qua.
Các câu hỏi về nhãn hiệu “câm lặng” bị gán cho đức Piô XII – và thậm chí còn cho rằng ngài đồng loã trong các mục đích của Hít-le – rộ lên khi một nhà viết kịch người Đức cho xuất bản kịch bản có tựa là The Deputy. Ronald Rychlak, tác giả của cuốn Hiler, the War and the Pope and Disinformation, giải thích rằng, sau Thế chiến II, chính phủ Xô Viết vô thần “nhận thấy nó đang nắm quyền trên các quốc gia có gốc rễ Kitô giáo sâu đậm ở Trung và Đông Âu. Để truyền bá các giáo thuyết cộng sản của họ, các lãnh đạo Xô Viết sẽ phải làm suy yếu Giáo hội. Dĩ nhiên, cách hiệu quả nhất là gắn Giáo hội với Phát-xít. 3 Tháng Sáu 1945, Đài phát thanh Mátcơva loan tin, đức Piô XII đã trở thành giáo hoàng của Hítle và ám chỉ rằng ngài là đồng minh của Phát-xít trong Thế chiến II.”
Tuy nhiên, người dân Châu âu biết đến đức Piô với những hành động nhân ái đối với những người đau khổ vì chiến tranh, nên không tin vào luận điệu từ phía Xô Viết. Tác giả Rychlak cho biết, “Những người Xô Viết xoay cách khác, và điều này đã xảy ra khi một vở kịch được ra rạp sau cái chết của ngài.”
Trước khi vở kịch The Deputy ra rạp, phần đông mọi người, trong đó có cả nhà lãnh đạo Do-thái đều cho rằng, đức Piô đã hành động rất đáng kính khi chiến cuộc xảy ra. Ông Gary Krupp, sáng lập viên của Pave the Way Foundation, là quỹ đồng tài trợ cho sự kiện cùng với Ban Đặc phái viên của Toà thánh bên cạnh Liên Hiệp Quốc, đã cho biết, việc truy tầm trên mạng internet các báo chí trong khoảng từ 1939-1958, cho thấy “các nhân vật nổi bật nhất người Do-thái đều ca ngợi các hành động của Giáo hội, đặc biệt là đức Piô XII. Golda Meir, Albert Einstein, tất cả các tổ chức Do-thái lớn, các đại rabbi ở Rôma, Ai Cập, Palestine, Rumani, Đan Mạch và nhiều quốc gia khác đều không tiếc lời ca ngợi Giáo hội Công giáo.”
Các hành động của đức Piô được ghi nhận trong kho tài liệu, và được các thuyết trình viên trình bày phác qua, cho thấy một bức tranh trái ngược với nội dung của vở kịch The Deputy, và các cuốn sách như kiểu cuốn Hitler’s Pope (giáo hoàng của Hít-le) của John Cornwell. Chẳng hạn, giám đốc Johan Ickx cho biết, trong đợt bố ráp của Phát-xít ở Rôma ngày 16 Tháng Mười 1943, đức Piô “không chỉ nhìn xuống từ cửa sổ phòng mình và không làm gì cả.” Những can thiệp của ngài đã giúp cho những người bị trục xuất không bị chuyển tới trại tử thần Auschwitz, dẫu rằng việc ấy chỉ xảy ra sau khi 1.030 người Do-thái đã bị chuyển đi.
Vị giám đốc cũng cho biết: “Các chứng từ viết tay xác nhận vị giáo hoàng ra lệnh tìm chỗ trú ẩn cho người Do-thái” ở 235 tu viện và đan viên ở Rôma. “Chung cuộc, khi chiến cuộc kết thúc, đức Piô chính là người có công cứu sống hai phần ba người Do-thái đang có mặt trong thành phố.”
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Mark Riebling, có lẽ không có gì kịch tích hơn việc đức Piô tham dự vào những tính toán nhằm loại trừ Hít-le. Church of Spies, cuốn sách của Riebling, đã thuật lại câu chuyện kịch tích đó, và nó đang được dựng thành phim.
Câu chuyện bắt đầu vào Tháng Mười 1939, khi các sỹ quan bất mãn trong quân đội Đức tiếp cận đức Piô.
“Họ e ngại, nếu Hít-le giành chiến thắng trong cuộc chiến, Phát-xít sẽ thủ tiêu tầng lớp quý tộc và Kitô giáo, cùng với nhiều điều khác nữa, những điều mà các người Đức truyền thống trân quý,” Riebling nói với cử toạ Liên Hiệp Quốc ở New York. “Các sỹ quan bất mãn này muốn chặn Hít-le lại, và họ ký một thoả ước hoà bình với các Nước Đồng Minh Phương Tây. Những người Đức tốt lành này muốn đức Piô XII làm sứ giả ngoại giao bí mật cho họ, một phần vì sự công tâm, khách quan của ngài, phần khác vì ngài là người cẩn tắc có tiếng. Những người chủ mưu cho rằng đức Piô là nhân vật có thể tin cậy được, giữa các nhân vật quyền lực không đáng tin khác. Trước sự ngạc nhiên của nhóm kháng chiến Đức, đức Piô XII đồng ý ngay lập tức.”
“Trước tiên đức Piô đảm nhận vai trò trung gian móc nối chính phủ Anh quốc với phe kháng chiến Đức. Dần dần, vai trò của Đức Thánh Cha được nới rộng, tuỳ theo hoàn cảnh, không chỉ là trung gian, nhưng còn là một người tham gia vào việc tính toán các bước hành động… Cho đến khi chiến tranh kết thúc, đức Piô đã tham dự vào ba âm mưu loại trừ Hít-le. Trong cả ba, ngài đã có những cuộc gặp gỡ nửa đêm trong dinh thự giáo hoàng với các nhà ngoại giao Anh quốc, cố gắng có được một hành động bất ngờ ở Béc-lin.”
Thế nhưng cả ba mưu đồ đều bất thành.
Tác giả Riebling chống lại mô tả về một giáo hoàng “câm lặng” trước nạn diệt chủng Do-thái
Ông này cho biết, “Cá nhân tôi, tôi không cho đó là sự im lặng, ngay cả giữ ý tứ lời nói cũng không. Vị giáo hoàng lên án việc giết hại bất kỳ ai vì lý do sắc tộc, đặc biệt là trong bài diễn văn Giáng sinh năm 1942 của ngài. Cùng lúc, đức Piô cố tránh không chỉ đích danh Hít-le hay Đảng quốc xã khi công kích, lên án. Các tài liệu ở Thư viện Roosevelt cho thấy, phe kháng chiến Đức yêu cầu đức Piô không công kích những tên đầu xỏ Phát-xít, vì e ngại rằng công kích như thế sẽ đưa tới những khó dễ cho các thành phần kháng chiến. [Giao liên truyền tin giữa phe kháng chiến và giáo hoàng, Josef] Mueller kể lại, ‘tổ chức chống phát-xít ở Đức của ông nhấn mạnh rằng, giáo hoàng cần hết sức tránh chỉ đích danh phát-xít vì, nếu giáo hoàng vạch mặt cụ thể như thế, người Đức sẽ buộc tội ông ta nghe theo sự dụ dỗ của các thế lực nước ngoài, và điều này sẽ khiến cho các tín hữu Công giáo Đức bị đặt vào vòng nghi ngờ hơn, khiến cho quyền tự do của họ bị giới hạn lại, các hoạt động kháng chiến chống phát-xít của họ cũng bị khống chế.’ Tiến sỹ Mueler cho biết, giáo hoàng đã nghe theo lời khuyên này trong thời gian chiến tranh.”
Giới thiệu buổi hội thảo nhóm này, đức tổng giám mục Gabriele Gaccia, tân Quan sát viên Thường trực của Toà thánh tại Liên Hiệp Quốc, đã nói, “Nạn diệt chủng phát-xít là thời điểm thế giới sống trong bóng đêm, dầu vậy vẫn có đó những đốm sáng, tượng trưng cho những con người thiện lương, cố gắng giúp đỡ những ai đang lâm cảnh khốn cùng.” Theo ngài, một sự kiện như buổi hội thảo nhóm này, giúp chúng ta nhận ra rằng, “nếu chúng ta không vô cảm trước những người khổ đau, trước các bất công, trước các thương tích của thế giới, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt, sự thay đổi.”
John Burger
Chuyển ngữ: Nhóm Phiên dịch Mai Khôi
https://aleteia.org