Quan điểm của Steven Pinker, trong cuốn The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined xuất bản vào cuối năm 2011, có thể tóm tắt vào một điểm chính: con người càng ngày càng nhân đạo hơn. Bằng chứng: các hình thức bạo hành, từ việc đánh đập trẻ em đến những cảnh tra tấn, hành hạ, giết người ở các quy mô khác nhau, từ chiến tranh đến diệt chủng, càng ngày càng giảm. Pinker đưa ra con số thống kê: Nếu trong thập niên 1950, trung bình mỗi cuộc xung đột quân sự giết hại khoảng 33.000 người; ở năm 2007, con số trung bình ấy chỉ còn khoảng dưới 1000. Sự kiện ấy chứng tỏ điều gì? Chắc chắn không phải con người không có khả năng giết nhiều người như trước. Với sự tiến bộ về kỹ thuật quân sự, sức công phá của vũ khí càng ngày càng lớn, người ta dư sức làm điều đó. Nhưng người ta không làm. Trong các cuộc chiến tranh, phần lớn tự biết kiềm chế, nhất là các cường quốc: người ta không những tìm cách giảm con số tử vong về phía mình mà còn không muốn gây nhiều chết chóc cho phía bên kia. Nói cách khác, gần đây thế giới an toàn hơn vì con người nhân đạo hơn.
Chính cái hệ luận sau cùng này khiến nhiều người đâm ra ngờ vực. Chuyện thế giới hòa bình hơn thì đã rõ: Chúng ta có đầy đủ các số liệu và các bảng thống kê chính xác và khả tín về số lượng các cuộc chiến tranh hàng năm và số lượng người bị giết chết trong mỗi cuộc chiến tranh. Không có gì để nghi ngờ cả. Nhưng vấn đề là: có phải con người càng ngày càng nhân đạo hơn?
Cái gọi là nhân đạo bao gồm hai yếu tố chính: một là sự đồng cảm hay thương cảm đối với người khác, và hai là sự căm ghét đối với mọi hình thức bạo động trên đồng loại cũng như trên mọi sinh vật. Hai yếu tố này có quan hệ chặt chẽ với nhau, bởi, nói như Nguyễn Đình Chiểu: “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”.
Chỉ dựa vào kinh nghiệm và kiến thức lịch sử thông thường, chúng ta cũng dễ dàng thấy đó là một sự thật. Rõ ràng là càng ngày, cùng với sự phát triển của văn minh, lòng trắc ẩn của con người càng được vun đắp mạnh mẽ. Ngày xưa, nhìn cảnh những người nô lệ, những người dị chủng, thậm chí, phụ nữ và trẻ con bị hành hạ, có lẽ không mấy người động lòng. Người ta dễ cho đó là chuyện bình thường. Như một sự đương nhiên. Sau này, bất cứ sự xâm phạm nào cũng dễ gây nên phẫn nộ. Kinh nghiệm mà nhiều người trong cộng đồng người Việt trải qua trong những năm đầu tiên sống ở hải ngoại ít nhiều cho chúng ta thấy điều đó: không ít người bị cảnh sát làm khó dễ chỉ vì cạo gió cho con cái. Sáng, vào lớp học, nhìn thấy các vết bầm trên cổ và trên vai em học sinh nào đó, thầy cô giáo nghĩ ngay là em ấy bị bố mẹ đánh đập, hành hạ đến bầm tím thân thể. Bèn báo cho cảnh sát. Cảnh sát đến tận nhà điều tra. Phải mất một thời gian lâu, từ giáo viên đến cảnh sát mới biết đó chỉ là một cách chữa bệnh truyền thống của người Việt. Cũng có không ít người Việt gặp rắc rối với luật pháp chỉ vì cách đối xử với súc vật. Giết chó ăn thịt bị xem là dã man, đã đành. Đá gà cũng bị xem là một cách hành hạ súc vật. Người Việt khoái ăn tiết canh vịt: Cách giết vịt để lấy tiết canh bị lên án gay gắt. Thoạt đầu, không ít người Việt khó chịu. Sau, dần dần, người ta chấp nhận và cuối cùng, nhiễm cách nhìn ấy, từ đó, đâm ra bất mãn khi thấy chính đồng bào của mình hành hạ súc vật.
Tuy nhiên, ở đây, có ba vấn đề cần chú ý.
Thứ nhất, quan niệm cho con người càng văn minh thì càng nhân đạo rất dễ rơi vào thuyết tiến hóa (evolution). Thật ra, thuyết tiến hóa không phải là không hay. Chắc chắn đó là một dấu ngoặt quan trọng trong lịch sử nhận thức của nhân loại. Có điều, học thuyết tiến hóa, vốn gắn liền với các yếu tố sinh học, rất dễ dẫn đến những quan điểm có tính chất kỳ thị chủng tộc: Nếu cho rằng càng văn minh càng nhân đạo, người ta rất dễ đi đến kết luận: người Tây phương sẽ là những kẻ nhân đạo nhất. Bởi họ văn minh nhất. Hơn nữa, nó cũng dễ đến kết luận khác: những người văn minh nhất là những kẻ có thẩm quyền nhất trong việc thẩm định đạo đức của các dân tộc khác trên thế giới. Những kết luận có tính chất kỳ thị chủng tộc như vậy rất nguy hiểm: Nó rất dễ dẫn đến những cách hành xử bất công và vô nhân đạo.
Thứ hai, nên gắn liền sự tiến bộ về phương diện đạo đức với văn hóa và giáo dục hơn là các yếu tố sinh lý. Theo đó, người ta nhân đạo hơn vì, một là, người ta phát hiện ra những bảng giá trị nhân đạo; và hai là, người ta biết cách giáo dục trẻ em tôn trọng các bảng giá trị ấy. Không thể chối cãi phần lớn những sự trắc ẩn của chúng ta đều gắn liền với các bảng giá trị mới về quyền sống và quyền bình đẳng của con người. Tôn trọng quyền sống và quyền bình đẳng của con người, cho nên người ta dễ dàng động lòng trước những nỗi thống khổ của những người hoàn toàn xa lạ. Ở nước khác. Ở lục địa khác. Với màu da khác. Và văn hóa khác.
Thứ ba, nếu con người càng ngày càng nhân đạo hơn thì sự tiến bộ ấy, một là, không đồng đều; và hai là, rất mong manh. Không phải ai sống trong xã hội văn minh, với các bảng giá trị dựa trên sự tôn trọng nhân quyền, cũng đều nhân đạo cả. Bất cứ ở đâu cũng có những tên điên khùng sẵn sàng cầm súng bắn xả vào người khác. Khi những kẻ điên khùng ấy có quyền lực trong tay, không phải vài người hay vài chục người, mà là hàng ngàn hoặc hàng trăm ngàn người, thậm chí, hàng triệu người, bị giết chết. Hơn nữa, các bảng giá trị, dù cao đẹp đến mấy, cũng đều đối diện với vô số thử thách đến từ bản năng, và nhiều nhất, từ quyền lợi của con người, với tư cách cá nhân cũng như với tư cách tập thể. Vì quyền lợi, người ta sẵn sàng chà đạp lên các bảng giá trị họ đã được giáo dục. Chính vì vậy, mặc dù, nói chung, từ thập niên 1950 đến nay, thế giới càng ngày càng an toàn hơn, nhưng vẫn xảy ra nạn diệt chủng ở Campuchea vào năm 1975 cũng như ở Bosnia, Rwanda và Darfur sau đó.
Cho nên, một mặt, nhìn xu hướng phát triển chung của lịch sử, chúng ta mừng. Nhưng không nên lạc quan quá. Cái ác thường sống rất dai, bất chấp các quy luật lịch sử. Hơn nữa, có khi chúng rất gần: ngay trước mặt hoặc sau lưng chúng ta.
Nguyễn Hưng Quốc
Bài về chủ đề Nhận định: