Con dao gãy và suy ngẫm về giá trị cuộc sống

Tôi là dân đầu bếp chuyên nghiệp. Nói tới dân đầu bếp, những đứa trong nghề hoặc liên quan tới ngành ăn uống đều biết dân đầu bếp thường tính nóng như lửa, chửi tục như hát, làm việc như múa, ngăn nắp gọn gàng và rộng rãi, phóng khoáng. Điểm đặc biệt chung là dân đầu bếp yêu dao như yêu con! Source: fb.com/ngavoi.nguyen/posts/3485818501490412

Tôi là dân đầu bếp chuyên nghiệp. Nói tới dân đầu bếp, những đứa trong nghề hoặc liên quan tới ngành ăn uống đều biết dân đầu bếp thường tính nóng như lửa, chửi tục như hát, làm việc như múa, ngăn nắp gọn gàng và rộng rãi, phóng khoáng. Điểm đặc biệt chung là dân đầu bếp yêu dao như yêu con!

Voi có mấy bộ dao Đức, Nhật dùng cho nhiều loại bếp khác nhau, kể cả dao chuyên dụng để cắt tỉa. Khi làm việc, bàn làm bếp của Voi, dao của Voi, không đứa nào được phép đụng đến. Con dao trong hình bên dưới là một con trong bộ ba con Voi mua ở Nhật cùng một bạn người Nhật rất tốt. Đắt. Nó đã theo Voi rất nhiều năm và trở nên gắn bó, như một vật kỷ niệm, có giá trị lớn về tinh thần, nghề nghiệp, không chỉ là con dao sắc.

Ngày con gái dọn ra chỗ trọ để tiện cho việc đi làm, con xin mình con dao này, mình lắc đầu từ chối với lý do, "Con còn ẩu tính lắm, mẹ sợ con làm mất nó!" Con im, không vòi thêm, mình cho con một con dao khác.

Năm ngoái, mình đau nhiều, anh chị em bạn bè biết mình thường nằm nhà một mình buồn nên hay đến chơi, coi sóc, phụ đỡ giúp mình việc này việc nọ. Khi thì một, hai người, cũng có lúc hơn chục người, rồi con thường về nhà chơi ăn cơm cuối tuần, bạn trong nước ngoài nước ở xa thỉnh thoảng ghé thăm... Những khi mình khỏe, mình thường vô bếp trổ tài chợ búa nấu nướng mời mọi người. Lúc mình mệt, mọi người tự chợ búa nấu nướng tự ăn uống, đàn hát cho mình nghe, tự dọn dẹp sạch sẽ sau đó. Mình sống vui và sống lâu tới giờ là nhờ họ.

Một hôm, vào bếp, rút dao trong ống ra, mình thấy mũi dao đã bị gãy từ hồi nào không biết. Mình sững người, nuối tiếc, trong đầu lập tức nghĩ xem đứa nào làm gãy. Mình điểm tên: Chị Dung, chị Huyền, anh Bằng, con gái, em Định, em Công, em Cúc, anh Vinh, anh gì gì gì... Ôi trời, nhiều dữ vầy biết ai làm gãy giờ ta? Mình dừng lại, băn khoăn vài giây. Rồi chợt ngay lập tức nhận ra là mình không thể biết ai đã làm gãy mà nếu biết chính xác ai làm gãy thì để làm gì? Mắng họ không cẩn thận ư? Cự nự họ làm gãy xong im lặng ư? Bắt đền ư? Nếu không cự không mắng không đền gì thì cũng bắt họ ngồi nghe mình kể về kỷ niệm ư? Ừ thì vậy đi rồi sau đó thì mình được cái gì?! Chỉ có mất thêm và mất rất nhiều thêm.

Mình tần ngần nhìn con dao, chợt mỉm cười một mình, rồi nghĩ mình có thể mài để nó có đầu nhọn lại như xưa. Rồi cũng gần như ngay lập tức, mình lại cười ha ha một mình vì chợt thấu đạt một lẽ, mình-không-cần-thiết-phải-làm-điều-đó. Nó như một bài học cho mình. Bài học về việc thấu đạt trong chuyện đặt giá trị tình cảm chung lên trên giá trị tinh thần riêng. Trước đó, mình đã hiểu điều này và cố gắng sống hướng tới, nhưng lúc được lúc không. Nhưng từ sau vụ con dao thì không có bất cứ thứ gì mà mình yêu quý lại có thể làm cho mình vì nó mà đặt nặng hơn giá trị tình cảm chung. Mình không bao giờ coi trọng giá trị vật chất nên việc đó không phải bàn.

Thứ tài sản có giá trị tinh thần lớn khác của mình là sách. Mình đi đâu cũng tha lôi theo bao nhiêu là sách. Không cho mượn. Ai hỏi mượn thì bảo chưa đọc xong, sợ làm mất, mình luôn đi hiệu mua một cuốn tặng bạn! Sau này, ai đến nhà chơi hỏi mượn cuốn nào mình tặng luôn cuốn đó, không cần ngó qua coi cuốn đó mình đã đọc chưa. Thấy tụi nhỏ không hỏi mượn lại còn khuyến khích đọc cuốn nào tự nhiên lấy đi cưng!

Người yêu có quý giá không? Có. Nhưng mình hoàn toàn không còn tính chiếm hữu nên mình không quan tâm các bạn ấy có yêu người khác, có làm tình với người khác, có tơ tưởng, chọc ghẹo... gì gì ai không. Tự do tuyệt đối. Mình yêu các bạn,theo cách của mình, là đủ.

Câu chuyện về con dao và suy ngẫm này mình đã kể cho các bạn của mình nghe nhiều lần. Các bạn cứ trêu, đứa nào cũng nhao nhao, "Em!" "Em!" "Em làm gãy!" Ờ, nỡm!

Cuộc đời nó đẹp lắm tôi ạ! Mỗi lần thấu đạt được một lẽ gì, con người tự dưng nhẹ đi một gánh, bước về sau mỗi lúc chắc sẽ lẹ làng hơn. Tới cuối con đường, cái lá sau cùng rụng xuống, người ta mỗi lần xúm xít thì nhắc mấy câu, "Món này, hồi đó, chị Voi làm ngon lắm nè!" "Mày rửa cái bồn cho cẩn thận, bà Voi còn sống thấy mày rửa vầy bả chửi tắt bếp!"

Vậy thôi, cần gì nhiều.

Nguyễn Thị Bích Ngà
Bài về chủ đề Khác lạ-Kỳ thú:
Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ