Khả năng chịu đựng áp lực kém
Báo cáo của UNICEF chỉ ra rằng tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng tăng cao trong 10 năm qua. Trong đó, tự tử và lạm dụng chất ở vị thành niên của Việt Nam gia tăng rất nhiều. Nguyên nhân được PGS.TS Đặng Hoàng Minh chỉ ra là việc thiếu hiểu biết kiến thức về sức khoẻ tâm thần ở nhiều cấp độ từ cá nhân cho đến cộng đồng, chính phủ...
Chia sẻ với báo chí trong nước, PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) cho rằng: "Cũng có thể việc các em không đáp ứng nổi những mong muốn kỳ vọng hoặc có suy nghĩ không đền đáp lại nổi so với sự đầu tư về mặt thời gian và tiền bạc của bố mẹ dẫn đến hành động tự sát để tự trừng phạt bản thân và như một lời xin lỗi đối với họ".
Các vấn đề sức khoẻ tâm thần phổ biến ở trẻ em và thanh niên Việt Nam là lo âu, trầm cảm, sự đơn độc (hướng nội) và các vấn đề hướng ngoại như tăng động, giảm chú ý. Trong khi đó, nguyên nhân tự tử chủ yếu xuất phát từ thất bại trong các mối quan hệ tình cảm, mâu thuẫn trong hôn nhân, các vấn đề trong trường học, gia đình và do sự e dè trong chia sẻ cảm xúc. Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh đưa ra một góc nhận định quan trọng khác về vấn đề này, đó là việc nhận thức về sức khỏe tâm thần trong trường học và cộng đồng còn nhiều hạn chế và đó cũng là lý do khiến thanh thiếu niên ở độ tuổi đi học vướng phải nhiều việc đáng tiếc xảy ra.
Khi trao đổi với RFA, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam lại cho rằng nhiều người thì bảo là do áp lực học hành, áp lực gia đình, áp lực công việc, trầm cảm, nhưng với cá nhân bà thì những thế hệ trước đây bị áp lực nhiều hơn thế hệ trẻ bây giờ nhiều. Bà nói:
"Trước đây đời sống nghèo khổ hơn, vất vả hơn kiếm việc khó khăn hơn và gánh nặng chăm sóc gia đình, con cái cũng nhiều hơn. Trước đây nghe đến tự tử cũng khá hiếm. Tôi nghĩ nguyên nhân dẫn đến việc số người tự tử tăng là do cá nhân. Giới trẻ bây giờ họ suy nghĩ khác với ngày xưa."
Tiến sĩ Quỳnh Hương giải thích thêm rằng, ngày xưa người ta sống không ích kỷ như bây giờ. Mối ràng buộc, quan hệ gia đình cũng chặt chẽ hơn và có trách nhiệm với nhau hơn. Nếu có ý định tự tử thì việc đầu tiên họ nghĩ đến sẽ là những người ruột thịt trong gia đình. Họ không muốn những người trong gia đình sẽ đau khổ, mất mát. Bây giờ thì họ nghĩ đến bản thân họ nhiều hơn.
Theo Psychology Today, một tạp chí y học được xuất bản hai tháng một lần tại Mỹ từ năm 1967 thì có 6 nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến việc tự tử đó là Trầm cảm; Tâm thần phân liệt; Phụ thuộc vào chất kích thích; Không tìm được sự giúp đỡ; Một lý tưởng triết học. Nhìn chung, người ta không tự tử vì họ đau khổ, họ tự tử vì họ không tin rằng có lý do đáng để họ sống, và thế giới sẽ đỡ phiền hơn khi không có họ.
Tiến sĩ Quỳnh Hương đưa thêm một nguyên nhân mang tính thời đại ở Việt Nam, đó là trẻ con hay các bạn trẻ bây giờ được bao bọc nhiều quá nên vô hình chung họ không được rèn luyện khả năng ứng phó với áp lực trong cuộc sống. Khi gặp chuyện gì khó khăn, dù nhỏ, sẽ khó vượt qua. Bà nói thêm:
"Giáo dục ở Việt Nam không chú trọng đến giáo dục kỹ năng sống nên họ không biết cuộc sống ngoài xã hội nhiều, ra ngoài xã hội thì cái gì cũng bỡ ngỡ cả. Không hiểu biết và không có kỹ năng ứng phó với áp lực ngoài xã hội nên rất dễ bị sốc và dễ trầm cảm hoặc suy nghĩ tiêu cực..."
Nâng cao giáo dục kỹ năng
Báo cáo năm ngoái của UNICEF đã chỉ ra số người tự tử ở Việt Nam tăng cao trong 10 năm qua và báo cáo năm nay cũng không đổi. Như vậy có thể thấy tình hình vẫn chưa được cải thiện. Vậy có giải pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn hành vi tự tử trong giới trẻ Việt Nam hay không?
PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ với báo chí trong nước rằng phụ huynh cần quan tâm và dành thời gian nhiều hơn cho con cái để nhận biết ngay những dấu hiệu thể hiện sự thay đổi về mặt cảm xúc là phương thuốc hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề này.
Cũng cùng suy nghĩ này, cô Thúy Quỳnh, một nhân viên văn phòng có hai con nhỏ trong độ tuổi đi học chia sẻ kinh nghiệm chăm con của bà:
"Bé đi học về là 5h30, mình về đến nhà là 7h, khoảng thời gian đó mình hay gọi điện về hỏi cô giúp việc xem bé đang làm gì. Rồi mình cũng hay tâm sự với con giống một người bạn. Mình hỏi han trên lớp có chuyện gì, bạn bè như thế nào để bé tâm sự. Mình tự biến mình thành người nếu có chuyện gì bé tâm sự với mình đầu tiên. Có chuyện gì mình cũng song hành cùng con."
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thì nhận định rằng thời gian gần đây, các gia đình ở Việt Nam cũng như các trường học tư bắt đầu chú trọng đến việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ nhằm giúp trẻ có cuộc sống hài hòa và cân bằng hơn, phát triển những kỹ năng xã hội nhiều hơn. Bà có lời khuyên:
"Ngoài những kiến thức sách vở ở nhà trường, bản thân cha mẹ cũng chủ động dành nhiều thời gian cho con hơn và có những kế hoạch rất cụ thể để giáo dục kỹ năng cho con."
Theo con số mà báo cáo của UNICEF đưa ra, tỉ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi đến trường có tổn thương sức khỏe tâm thần đến mức cần can thiệp là khoảng 12%, tương đương với 3 triệu người. Tuy nhiên, nhận thức về sức khỏe tâm thần còn nhiều hạn chế và mang nhiều định kiến ở Việt Nam nên dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc vì không được phát hiện sớm.
Diễm Thi (RFA).
Bài về chủ đề Cảnh báo: