Về thân phận người nhập cư — không muốn viết nhưng lại phải viết…

Anh, tác giả bài viết, đã từng là NCS ở Nhật Bản đã viết về tình trạng của những người Việt nhập cư thế này: “Đất nước của người ta rất đẹp, rất văn minh nhưng đấy là nơi dành cho những người đã có vốn tư bản xã hội được tích lũy. Tư bản xã hội đó như là vốn. Vốn đó là quan hệ họ hàng, bạn bè, là văn hóa, là hiểu biết xã hội, là khả năng lý giải ngôn ngữ và phi ngôn ngữ... Khi là một người nhập cư, lại là người nhập cư trong thế yếu cả về học vấn, địa vị xã hội, nghề nghiệp, cơ hội để có cuộc sống thoải mái, tự do rất thấp. Mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân, mưu cầu sinh tồn là quyền tự do thiêng liêng cần được tôn trọng nhưng nếu thế phải có sự chuẩn bị về hiểu biết, sức khỏe về vốn xã hội tương đối nếu không sẽ gặp quả đắng.” Source: fb.com/permalink.php?story_fbid=940279279684147&id=100011062518050 Về thân phận người nhập cư — không muốn viết nhưng lại phải viết...
39 người chết cùng một chỗ, một lúc thì lay động nhân tâm, báo chí quan tâm đưa tin nhưng nếu 39 người chết ở 39 thời điểm khác nhau (ví dụ cùng một năm) thì sao? Có ai quan tâm không?

Cuộc đời rất không công bằng và nghiệt ngã. Cùng là sinh mạng mà khi chết sẽ lại chia ra sinh mạng lớn và sinh mạng bé. Sinh mạng đáng quan tâm và sinh mạng chẳng đáng quan tâm.

Người Việt sang Nhật ngày một nhiều. Trong đó có rất nhiều người có ý định bỏ trốn từ trước. Một số khác thì do bị lừa, bị chủ hành hạ, đối xử bất công bỏ trốn. Một số thì muốn bỏ trốn vì nghĩ ra ngoài làm có lương cao hơn.

Tiếng lóng chỉ việc bỏ trốn ra ngoài làm và cư trú bất hợp pháp là “đi bộ đội”.

Về thân phận người nhập cư — không muốn viết nhưng lại phải viết...
Người Việt lao động bất hợp pháp bị bắt và trục xuất về nước.
 
Khi đi làm ở Nhật, do lương tính theo giờ thấp (các chủ thường lách luật bằng cách trả lương tối thiểu theo quy định của luật) nên muốn có thu nhập cao hơn người lao động phải làm thêm giờ, tăng ca và thường là ca đêm. Làm việc lâu trong môi trường căng thẳng, nhiều giờ, làm đêm dẫn tới kiệt sức và đột quỵ.

Đi làm chui cũng vậy. Thường làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, thiếu an toàn.

Kết quả là lâu lâu lại có tin tức người Việt bị tử nạn do tai nạn lao động hoặc đột quỵ. Toàn độ tuổi 20-25.

Không muốn trách móc gì đâu nhưng với trách nhiệm là người biết phải viết ra để cảnh báo.

Rất nhiều thanh niên ra nước ngoài làm ăn, học tập nhưng hoàn toàn không có động thái tìm hiểu, học hỏi về đất nước mình sẽ tới. Có cậu bị bắt giam 3 tháng điều tra trong nhà giam Nhật vì ăn cắp mấy chục vụ mà còn yêu cầu tôi dịch cho luật sư để làm thủ tục “tị nạn”. Có cậu bị bắt quả tang ăn trộm vẫn yêu cầu luật sư làm thủ tục bảo lãnh tại ngoại... Đại đa số đều nói tiếng Nhật rất tồi tệ và 100% các vụ tôi dịch đều không đọc và viết được tiếng Nhật.

Trong bối cảnh như vậy, các thông tin họ có đều là thông tin rỉ tai và thông tin từ “anh em xã hội”. Và khi đó cạm bẫy giương lên.

Hầu như, ai bị bắt giam cũng để lại cho gia đình một món nợ. Có một chi tiết khá nhạy cảm khi làm việc trong các vụ án đó là nhiều bố mẹ có xu hướng muốn con đi để “kiếm tiền gửi về cho gia đình”. Ngay cả nhiều bạn “vừa học vừa làm” cũng gánh lấy trách nhiệm đó. Luật sư Nhật rất ngạc nhiên về chuyện tại sao thanh niên phải kiếm tiền nuôi cả gia đình? Tôi cũng lắc đầu không giải thích thế nào cho ông hiểu được.

Về thân phận người nhập cư — không muốn viết nhưng lại phải viết...

Vì trải nghiệm rất nhiều chuyện ở Nhật, trong đó có những chuyện không dám kể hoặc chưa thể kể nên về quê hay đi đâu bất cứ ai hỏi han, gợi ý gì chuyện giúp đỡ đi Nhật tôi đều không muốn tiếp chuyện. Thi thoảng tôi cũng tư vấn, cung cấp thông tin cho một vài người ở góc độ tôi biết được từ kinh nghiệm của một người sống cũng khá lâu, đi dịch ở nhiều nhà máy, tiếp xúc với nhiều nghiệp đoàn, công ty và dịch cho cả luật sư trong 2 năm.

Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là đại đa số họ đều muốn nghe các thông tin đem lại cho họ cảm giác an tâm hay hài lòng. Họ không có nhu cầu tiếp cận sự thật. Họ hỏi như vậy chỉ là để chờ mong tôi nói vài lời có tính chất động viên để yên tâm cho con em mình lên đường mà thôi.

Thật buồn và chán!

Muốn sống tốt ở đâu đó thì trước hết phải hiểu về nơi đó và phải có thông tin. Tại sao một điều giản đơn như vậy mà không thông.

Đáng buồn hơn nhiều người Việt lúc đầu là nạn nhân về sau lại quay ra lừa gạt hoặc rủ rê nhiều người Việt khác để bù lại chỗ mình đã mất.

Buồn thay.

P.s. Đất nước của người ta rất đẹp, rất văn minh nhưng đấy là nơi dành cho những người đã có vốn tư bản xã hội được tích lũy. Tư bản xã hội đó như là vốn. Vốn đó là quan hệ họ hàng, bạn bè, là văn hóa, là hiểu biết xã hội, là khả năng lý giải ngôn ngữ và phi ngôn ngữ...

Khi là một người nhập cư, lại là người nhập cư trong thế yếu cả về học vấn, địa vị xã hội, nghề nghiệp, cơ hội để có cuộc sống thoải mái, tự do rất thấp.

Mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân, mưu cầu sinh tồn là quyền tự do thiêng liêng cần được tôn trọng nhưng nếu thế phải có sự chuẩn bị về hiểu biết, sức khỏe về vốn xã hội tương đối nếu không sẽ gặp quả đắng.

Ở Nhật, ngay cả những người Việt tạm gọi là "có trình độ cao" làm việc như chuyên gia, kĩ sư, bác sĩ, nghiên cứu viên cũng phải rất nỗ lực hàng ngày mới có cuộc sống tạm ổn. Nhưng ngay cả như vậy, đi sâu vào trong sẽ thấy rất nhiều điều. Nếu biết suy nghĩ, nếu đã sinh ra là người Việt Nam, nói tiếng Việt và suy nghĩ bằng nó, người ta có thể vẫn dằn vặt, không thỏa mãn ngay cả ngủ trên một tấm nệm êm trong thành phố rực ánh đèn ở nước ngoài. Cái này là một thực tế, có điều người trong cuộc có nói ra bằng cách này hay cách khác hay không mà thôi.

Bố mẹ cũng như quê hương giống như là định mệnh của mỗi người là vì thế. Nó đeo đẳng suốt cả cuộc đời. Người ta sẽ còn khổ đau hay hạnh phúc về nó ngay cả khi đã rời xa hay cự tuyệt.

Nguyễn Quốc Vương
Bài về chủ đề Cảnh báo:
Mới hơnCũ hơn

Biểu mẫu liên hệ