Mượn tên, mượn nhân thân, sử dụng bằng cấp của chị ruột để xin việc, rồi đi học kế toán, cao đẳng, đại học rồi cao học, vươn lên đến vị trí Trưởng phòng hành chính quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, cố nhiên người phụ nữ ấy đã phạm lỗi gian dối và vi phạm nhiều quy định khác. Sai phạm của chị là không thể biện minh, cũng không thể không xử lý. Chị cũng đã tự “kỷ luật” mình, viết đơn xin thôi việc ngay. Một người đã thừa nhận sai lầm, dám tự phạt mình, người đó còn tự trọng.
Với cá nhân, tôi cho rằng vậy là đủ, không nên khoét sâu bêu riếu gì thêm nữa.
Giận, bất bình nhưng tôi không coi thường chị. Về phần con người, chị có nhiều điểm đáng cảm thông, dù không thể đồng tình, bao che hay bỏ qua. Hình dung đi, gia đình 12 đứa con, lớn lên trong thời bao cấp, không đủ điều kiện học hành đến nơi đến chốn, cơ hội nào cho cô gái trẻ ngoi lên với đời? Trong hoàn cảnh, chấp nhận làm nghề gội đầu, hớt tóc để sống, đó nên xem là lựa chọn (có thể bất đắc dĩ), đừng vội quy thành phẩm chất. Bạn và tôi, chúng ta không chắc đã biết đủ về người khác, cũng không chắc đã có quyền đánh giá phẩm hạnh của ai chỉ dựa vào nghề kiếm sống mà họ đã từng làm.
Cái nên ghi nhận là khát vọng và nỗ lực của chị thời trẻ. Làm công nhân, chị vẫn tìm cách đi học kế toán, rồi ra đời bằng nghề kế toán đã – được – đào – tạo, từ đó học lên nữa. Chị sai khi dùng bằng cấp 3 của chị ruột, nhưng chị học thật. Bằng kế toán cũng được cấp cho người đã học thật, đã vượt qua được các kỳ kiểm tra. Nếu chất lượng chuyên môn của mảnh bằng đáng hoài nghi, lỗi là của cơ sở đào tạo đã nhận, đào tạo, cấp bằng cho chị. Cả bằng đại học, cao học sau này cũng thế. Tên là giả, nhưng bằng là thật, cấp cho người học thật, là chính chị chứ không phải là cho người có tên ghi trên mảnh bằng.
Gần 20 năm, chị đã vươn lên từng nấc, không nhảy ào lên Trưởng phòng được ngay. Đó là nghị lực và nỗ lực. Nếu ở từng nấc thang vị trí, chị không đủ năng lực, không bảo đảm chất lượng công việc, chị đã không được đề bạt và thăng tiến. Sự nâng đỡ có thể có, nhưng thành quả đạt được, chắc chắn phần lớn là do nỗ lực của người lao động. Đừng xổ toẹt toàn bộ thực tế này bằng lý do đạo đức.
Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng hành vi khai gian, giả mạo lý lịch của người đàn bà ấy là nhằm ý đồ “trèo cao, chui sâu”. Ngay từ đầu, chị đã gian dối. Nếu từ chối đề bạt, chị sẽ bị phát hiện và loại ra ngay. Tương lai của chị sẽ là một hàm số bị chặn. Đành là do tham, đành là không minh bạch, nhưng liệu mấy ai đủ can đảm tự từ bỏ thành quả đã nỗ lực 20 năm đeo đuổi. Tôi nói thành quả, không nói mục đích. Theo tôi, khi xin việc bằng nhân thân giả, chắc chắn người đàn bà ấy chỉ muốn một công việc, không mơ một danh vọng, dù là lớn hay nhỏ. Chị không đủ can đảm tự thú để hủy hoại công việc, sự nghiệp và tương lai mình. Một toan tính rất dễ hiểu, rất đàn bà!
Lỗi nặng nhất trong toàn bộ chuỗi sự việc thuộc về hệ thống. Tổ chức lỏng lẻo, quản lý hành chính quan liêu, kiểm tra hình thức, thẩm tra lý lịch tắc trách, giám sát công việc chiếu lệ, đề bạt cán bộ dễ dãi... Tất cả đã giúp con voi chui lọt lỗ kim, khuếch đại cái sai ban đầu của một cá nhân thành một sai lầm nghiêm trọng về công tác cán bộ. Hình dung lần nữa đi, trong 20 năm đó, chất lượng công tác hành chính của nhà khách, của văn phòng tỉnh ủy liệu có bảo đảm? Khi vụ việc vỡ lỡ, uy tín công quyền, chính quyền, hệ thống còn lại được bao nhiêu?
Và bây giờ, cả những kẻ góp phần tạo nên chuỗi sai lẫn một chiều dư luận lại rắp ranh trút toàn bộ sự coi thường, chán ngán, căm ghét hệ thống lên một cá nhân, dồn toàn bộ sai trái và đòi hỏi sự trừng phạt lên một người đàn bà. Thật mỉa mai, đã có người ví vụ việc với trò cài cắm của... tình báo Hoa Nam. Bớt giỡn nhé! Nói vậy là quá coi thường trình độ làm tình báo của đối phương. Họ, nếu có âm mưu, xin lỗi, còn lâu mới chọn một “quân cờ” yếu và bày một bàn cờ hớ hênh, ấu trĩ đến thế. Trò chơi tình báo, gián điệp chẳng bao giờ nông nỗi như tham vọng đàn bà, nhất là khi người đàn bà ấy đang còn ở tuổi một cô gái mới lớn.
Người đàn bà trong câu chuyện, chắc chắn là đã phạm lỗi nghiêm trọng. Nhưng chị cũng là một nạn nhân. Nạn nhân của khao khát việc làm từ chính mình, nạn nhân của sự bát nháo trong cơ chế, nạn nhân của hệ thống, cấu trúc hành chính tha hóa.
Giờ, người đàn bà ấy mất tất cả. Đó là kỷ luật không thể khác mà chị phải chịu, đáng phải chịu. Nhưng sai lầm không do mình chị gây ra. Những thối tha góp phần trên đoạn đời 20 năm mà chị đã trải qua, do nhiều người khác bày ra, cũng cần được dọn dẹp. Họ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm và phải bị trừng phạt, thật nặng.
Sao không giành sự khinh ghét, phẫn nộ, quyết tâm loại trừ cho hệ thống mục ruỗng, lại nhăm nhăm miệt thị một con người, dẫu đó là một người đàn bà phạm lỗi? Để chứng tỏ ta sạch hơn, mạnh hơn, thông minh hơn và xứng đáng hơn chăng?
Dường như không mấy ai còn nghĩ nhiều đến những u hoài sâu xa trong thân phận con người bé mọn. Nó khiến tôi nghĩ đến một chiều khác, một câu chuyện khác. Trước Vạn Lý Trưởng Thành hay Kim Tự Tháp, kẻ tham quan chỉ trầm trồ thán phục sự kỳ vĩ của công trình. Chẳng có ai mảy may lưu tâm, dưới chân những bệ đá cao vút và dài dằng dặc kia là mồ chôn hàng vạn bộ xương khô của những thân phận nhỏ nhoi đã làm nên bao kỳ quan vĩ đại.
Vô tâm và tàn nhẫn, đó là thuộc tính của con người.
07-10-2019
Nguyễn Hồng Lam
Bài về chủ đề Nhận định:
Với cá nhân, tôi cho rằng vậy là đủ, không nên khoét sâu bêu riếu gì thêm nữa.
Giận, bất bình nhưng tôi không coi thường chị. Về phần con người, chị có nhiều điểm đáng cảm thông, dù không thể đồng tình, bao che hay bỏ qua. Hình dung đi, gia đình 12 đứa con, lớn lên trong thời bao cấp, không đủ điều kiện học hành đến nơi đến chốn, cơ hội nào cho cô gái trẻ ngoi lên với đời? Trong hoàn cảnh, chấp nhận làm nghề gội đầu, hớt tóc để sống, đó nên xem là lựa chọn (có thể bất đắc dĩ), đừng vội quy thành phẩm chất. Bạn và tôi, chúng ta không chắc đã biết đủ về người khác, cũng không chắc đã có quyền đánh giá phẩm hạnh của ai chỉ dựa vào nghề kiếm sống mà họ đã từng làm.
Cái nên ghi nhận là khát vọng và nỗ lực của chị thời trẻ. Làm công nhân, chị vẫn tìm cách đi học kế toán, rồi ra đời bằng nghề kế toán đã – được – đào – tạo, từ đó học lên nữa. Chị sai khi dùng bằng cấp 3 của chị ruột, nhưng chị học thật. Bằng kế toán cũng được cấp cho người đã học thật, đã vượt qua được các kỳ kiểm tra. Nếu chất lượng chuyên môn của mảnh bằng đáng hoài nghi, lỗi là của cơ sở đào tạo đã nhận, đào tạo, cấp bằng cho chị. Cả bằng đại học, cao học sau này cũng thế. Tên là giả, nhưng bằng là thật, cấp cho người học thật, là chính chị chứ không phải là cho người có tên ghi trên mảnh bằng.
Gần 20 năm, chị đã vươn lên từng nấc, không nhảy ào lên Trưởng phòng được ngay. Đó là nghị lực và nỗ lực. Nếu ở từng nấc thang vị trí, chị không đủ năng lực, không bảo đảm chất lượng công việc, chị đã không được đề bạt và thăng tiến. Sự nâng đỡ có thể có, nhưng thành quả đạt được, chắc chắn phần lớn là do nỗ lực của người lao động. Đừng xổ toẹt toàn bộ thực tế này bằng lý do đạo đức.
Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng hành vi khai gian, giả mạo lý lịch của người đàn bà ấy là nhằm ý đồ “trèo cao, chui sâu”. Ngay từ đầu, chị đã gian dối. Nếu từ chối đề bạt, chị sẽ bị phát hiện và loại ra ngay. Tương lai của chị sẽ là một hàm số bị chặn. Đành là do tham, đành là không minh bạch, nhưng liệu mấy ai đủ can đảm tự từ bỏ thành quả đã nỗ lực 20 năm đeo đuổi. Tôi nói thành quả, không nói mục đích. Theo tôi, khi xin việc bằng nhân thân giả, chắc chắn người đàn bà ấy chỉ muốn một công việc, không mơ một danh vọng, dù là lớn hay nhỏ. Chị không đủ can đảm tự thú để hủy hoại công việc, sự nghiệp và tương lai mình. Một toan tính rất dễ hiểu, rất đàn bà!
Lỗi nặng nhất trong toàn bộ chuỗi sự việc thuộc về hệ thống. Tổ chức lỏng lẻo, quản lý hành chính quan liêu, kiểm tra hình thức, thẩm tra lý lịch tắc trách, giám sát công việc chiếu lệ, đề bạt cán bộ dễ dãi... Tất cả đã giúp con voi chui lọt lỗ kim, khuếch đại cái sai ban đầu của một cá nhân thành một sai lầm nghiêm trọng về công tác cán bộ. Hình dung lần nữa đi, trong 20 năm đó, chất lượng công tác hành chính của nhà khách, của văn phòng tỉnh ủy liệu có bảo đảm? Khi vụ việc vỡ lỡ, uy tín công quyền, chính quyền, hệ thống còn lại được bao nhiêu?
Và bây giờ, cả những kẻ góp phần tạo nên chuỗi sai lẫn một chiều dư luận lại rắp ranh trút toàn bộ sự coi thường, chán ngán, căm ghét hệ thống lên một cá nhân, dồn toàn bộ sai trái và đòi hỏi sự trừng phạt lên một người đàn bà. Thật mỉa mai, đã có người ví vụ việc với trò cài cắm của... tình báo Hoa Nam. Bớt giỡn nhé! Nói vậy là quá coi thường trình độ làm tình báo của đối phương. Họ, nếu có âm mưu, xin lỗi, còn lâu mới chọn một “quân cờ” yếu và bày một bàn cờ hớ hênh, ấu trĩ đến thế. Trò chơi tình báo, gián điệp chẳng bao giờ nông nỗi như tham vọng đàn bà, nhất là khi người đàn bà ấy đang còn ở tuổi một cô gái mới lớn.
Người đàn bà trong câu chuyện, chắc chắn là đã phạm lỗi nghiêm trọng. Nhưng chị cũng là một nạn nhân. Nạn nhân của khao khát việc làm từ chính mình, nạn nhân của sự bát nháo trong cơ chế, nạn nhân của hệ thống, cấu trúc hành chính tha hóa.
Giờ, người đàn bà ấy mất tất cả. Đó là kỷ luật không thể khác mà chị phải chịu, đáng phải chịu. Nhưng sai lầm không do mình chị gây ra. Những thối tha góp phần trên đoạn đời 20 năm mà chị đã trải qua, do nhiều người khác bày ra, cũng cần được dọn dẹp. Họ cũng sẽ phải chịu trách nhiệm và phải bị trừng phạt, thật nặng.
Sao không giành sự khinh ghét, phẫn nộ, quyết tâm loại trừ cho hệ thống mục ruỗng, lại nhăm nhăm miệt thị một con người, dẫu đó là một người đàn bà phạm lỗi? Để chứng tỏ ta sạch hơn, mạnh hơn, thông minh hơn và xứng đáng hơn chăng?
Dường như không mấy ai còn nghĩ nhiều đến những u hoài sâu xa trong thân phận con người bé mọn. Nó khiến tôi nghĩ đến một chiều khác, một câu chuyện khác. Trước Vạn Lý Trưởng Thành hay Kim Tự Tháp, kẻ tham quan chỉ trầm trồ thán phục sự kỳ vĩ của công trình. Chẳng có ai mảy may lưu tâm, dưới chân những bệ đá cao vút và dài dằng dặc kia là mồ chôn hàng vạn bộ xương khô của những thân phận nhỏ nhoi đã làm nên bao kỳ quan vĩ đại.
Vô tâm và tàn nhẫn, đó là thuộc tính của con người.
07-10-2019
Nguyễn Hồng Lam
Bài về chủ đề Nhận định: