Hàng vạn hộ dân (ước tính gần cả triệu người) bị ảnh hưởng bởi sự cố nước ô nhiễm - một sự cố mà lẽ ra nhà máy nước sông Đà có thể ngăn chặn được bằng cách... cúp nước. Họ không làm thế, nước vẫn chảy và người dân vẫn không có thông báo nào.
6 ngày sau sự cố mới cúp nước. 6 ngày phơi nhiễm độc tố đấy!
Bác sĩ Nguyễn Trọng An- chuyên gia y tế, nhấn mạnh: Xylen hay styren gây ô nhiễm nước sông Đà đều có thể gây ung thư lẫn bệnh ngoài da nếu dùng nấu ăn và tắm. Cả hai hai chất này đều vượt ngưỡng.
Cái mà người dân Hà Nội cần là một vụ kiện. Chí ít phải có một vụ kiện! Không phải chỉ vụ nước sông Đà mà cả cháy Rạng Đông. Cả hai, đều xứng đáng được gọi là thảm hoạ quốc gia! Những người từng hít khói thuỷ ngân Rạng Đông, uống nước ô nhiễm sông Đà Nên lập group và trao đổi thường xuyên về tình trạng sức khoẻ. Tin hay không thì tuỳ, không có “sống chết tại số” đâu.
Nhanh thôi, quý vị sẽ thấy kết quả!
Chửi bới chưa bao giờ là một giải pháp tốt! Che giấu hậu quả lại càng không phải là giải pháp tốt! Đối mặt mới là giải pháp tốt nhất lúc này khi phòng chống ô nhiễm đã bị bỏ qua!
Xin thẳng thắn: Một Đảng gần 90 tuổi và Nhà nước gần 75 tuổi với nòng cốt là cán bộ “Đảng cử”; sẽ còn đối mặt tiếp với những biến cố môi trường tương tự thép Formosa, bụi mịn Vĩnh Tân, cháy rừng “liên tỉnh” ở nhiều định dạng khác. Mật độ biến cố môi trường sẽ tăng, “chất lượng” biến cố môi trường cũng nâng lên. Đến một ngưỡng nào đấy, nhân dân sẽ phải vùng lên đòi lại quyền “dân cử” thật sự của mình. Đó đơn giản là một nhu cầu khách quan không thể nào dừng lại.
Vì ngay cả giữa trung tâm chính trị quốc gia, những biến cố môi trường còn bị giấu diếm khi xảy ra và hoàn toàn không chút hiệu quả phòng chống nào! Các biến cố ấy luôn cần thời gian “tích tụ”, như việc không dời các nhà máy sản xuất khỏi khu dân cư hay siết các án phạt cho việc đổ trộm chất thải.
Một trong các cảnh báo tôi đưa ra là nhân dân sẽ chấm dứt chế độ vì ô nhiễm vẫn đang “tích tụ”: san lấp rác và san lấp tro xỉ nhà máy thép, tro xỉ nhiệt điện và tro xỉ các ngành đốt lò khác.
Search tìm hiểu về độc chất của chúng đi. Chúng vẫn được đem đi san lấp trộm đấy. Bị phát hiện thì chỉ phạt hành chính 1,5 triệu. Quá “rẻ” cho đầu độc nguồn nước, đất để chúng trực tiếp ảnh hưởng con người hay gián tiếp ảnh hưởng qua rau củ, gia súc gia cầm thành thức ăn của con người.
Hôm qua tôi ngồi với nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng và vẫn chưa quên bài báo cuộc sống đảo lộn chính là chứng cứ mà anh ấy viết trên Tuổi Trẻ sau biến cố Vedan. Quốc gia này có trên 50 điểm tích tụ ô nhiễm dạng siêu lớn và vô số các điểm tích tụ ô nhiễm dạng vừa và nhỏ. Chúng đã, đang và sẽ còn làm đảo lộn cuộc sống người dân.
Sẽ luôn có một ngưỡng “sáng mắt, sáng lòng” nào đấy mà nhân dân không chịu nổi nữa; buộc phải giành lại quyền sống của mình!
Thay đổi bây giờ là muộn, nhưng không phải là quá muộn! Và thay đổi không giấu diếm ô nhiễm vẫn là chưa đủ. Thay đổi kiểu “đốt lò” để tạo “lồng nhốt quyền lực” cũng vẫn chưa đủ. Mà gốc rễ phải là nhân dân được chọn những người xứng đáng nhất gồm cả năng lực giải quyết vấn đề không chỉ ô nhiễm lẫn đạo đức để không thoả hiệp với các nhóm đặc quyền đặc lợi.
Từ sau 2030, cuộc đếm xác nghĩa đen sẽ bắt đầu vì ô nhiễm. Tôi không nhớ mình đã viết cảnh báo này bao nhiêu lần song biết rất rõ sẽ khó có thể thoả hiệp từ sau giai đoạn ấy.
Cả triệu cái camera giám sát hay những chiếc bọc thép xử lý biểu tình thật ra vô cùng “mong manh”. Người Việt, chưa bao giờ ngoan ngoãn như người Tàu bởi sát tính cao. Mỗi tội, quan chức Việt học quan chức Tàu “y khuôn”.
Hãy nhớ bạo loạn Vĩnh Tân 2015 Và hãy tìm hiểu số lượng người biểu tình vì môi trường đã tăng lên bao nhiêu lần từ 2014 đến 2018. Sự thật khách quan không biết nói dối đâu!
Ổn định chính trị của hiện tại chính là “gieo Nhân”. Vui lòng nhìn thực tại hôm nay để gieo lại một Nhân khác minh bạch hơn, nhân văn hơn kẻo “gặt Quả” rất đắng trong tương lai...
Tương lai gần!
Mai Quốc Ấn
Bài về chủ đề Tội phạm-Ác độc: