"Con xin lỗi bố mẹ nhiều! Con đường đi nước ngoài không thành... Con chết vì không thở được." Tôi đọc lời trăn trối đầy tang thương đó từ một nạn nhân được cho là có mặt trong chuyến xe tử thần sang Anh Quốc. Dòng tin nhắn ám ảnh đó đến từ cô gái Phạm Thị Trà My, quê gốc Can Lộc - Hà Tĩnh.
39 thi thể được tìm thấy trong xe container đông lạnh tại khu công nghiệp Waterglade, thị trấn Grays (Essex, Anh Quốc). CNN đưa tin nạn nhân gồm 31 nam và 08 nữ đều mang hộ chiếu Trung Quốc. Nhưng theo tìm hiểu từ BBC thì một nạn nhân có thể đến từ Việt Nam đó là em Phạm Thị Trà My, 26 tuổi. (Nhiều nguồn tin đang loan đi: Có thể rất nhiều trong số 39 nạn nhân là người Việt.) Gia đình đã cho biết em Trà My xuất phát từ Việt Nam sang Trung Quốc ngày 03/10/2019 và sau đó bay sang Pháp để rồi qua Anh.
Lần đầu em tìm cách vượt biên giới vào Anh là hôm 19/10, nhưng bị bắt và phải quay lại. Đoạn tin nhắn này được gia đình cho biết là em đã gửi đi trước khi hơi thở lịm tắt không bao giờ trở lại.
Theo thông tin từ gia đình: Trà My đã trả 30 ngàn bảng - khoảng 892 triệu đồng, cho đường dây đưa người đi lậu. Tại mỗi địa điểm mới, Trà My có gọi về và địa điểm cuối cùng là 7:20 giờ địa phương hôm thứ Ba, từ Bỉ (6:20 sáng giờ Anh). Trà My nói rằng, lúc đó em đang chuẩn bị vào một container và phải tắt điện thoại để tránh bị phát hiện.
➥ Lộ trình của chiếc container (màu cam) và của chiếc xe tải (màu đỏ).
Tôi không thể kìm lòng khi nghĩ đến khuôn mặt cô gái xinh đẹp Phạm Thị Trà My mà tôi có thể được nhìn thấy qua bức hình. Tôi không thể kìm được khi đọc những dòng trăn trối viết vội trước giờ biết mình sẽ không thể sống sót.
Vì sao? vì sao lại có thể như thế? Nếu những nạn nhân là người Trung Quốc thì cũng hiểu rằng tại sao họ lại phải bỏ xứ một nước được cho là đứng thứ hai thế giới về kinh tế. Và nếu có những người Việt trong đó nữa thì sao, bởi điều này là có thể.
Tôi đã từng đi qua thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh. Tôi từng vào một số khu vực của tỉnh Hà Tĩnh sau đợt thảm họa Formosa. Tôi có thể hiểu lý do vì sao họ phải ra đi. Đa phần phải đi để kiếm kế mưu sinh, để tiếp tục cuộc sống. Họ phải đi với một cái giá rất đắt cả về kinh tế và cả việc bất chấp tính mạng. Vì không đi thì cả cuộc đời họ sẽ phải chìm trong đau khổ của nghèo nàn. Ai sẽ cứu họ đây? Cả vùng đất sỏi đá Miền Trung xưa nay "chó ăn đá, gà ăn sỏi". Đã nghèo lại còn mắc eo với thảm họa môi trường cá chết do Formosa gây ra. Nhưng chúng - bọn quan chức đã làm gì để người dân bớt khổ? không, chúng chẳng làm gì cả. Không công ăn việc làm, không tiền, không giáo dục - không tương lai... Họ phải đi!
Nếu "quê hương là chùm khế ngọt" chẳng có ai muốn rời xa nơi đó cả. Nhưng tất cả chỉ còn chua chát, đắng cay. Tất cả đều trong bế tắc, tuyệt vọng. Nhất là với những người thấp cổ bé họng. Họ không bao giờ là trung tâm của chính sách hay sự hỗ trợ, mà chỉ đơn thuần bị coi là đối tượng ăn bám. Những người nghèo thường bị coi là rắc rối, bị coi là phiền phức và dốt nát. Không ai cho họ một cần câu. Những kế hoạch kinh tế sai lầm, những dự án táo bạo nhưng bất lương đã đẩy dân nghèo thành dân oan mất đất. Những bất công đẩy dân ta vào thành dân ức - ức hận.
Không ai muốn rời bỏ quê nhà yêu dấu. Người ta chỉ phải bỏ đi khi không thể sống trên mảnh đất cha ông mình để lại. Người ta đi chỉ vì bị bức hại, chỉ vì không thể dung thân, vì không có tương lai trên chính đất nước của mình. Ai chẳng một lần nhớ đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Trong những đêm miệt mài mưu sinh trên xứ lạ quê người, nơi gác trọ vắng vẻ đìu hiu, ai đã chẳng một lần khóc. Khóc cho thân phận của mình, khóc cho những kỉ niệm đã đi vào dĩ vãng. Khóc cho cha mẹ và nhớ em thơ... Khung trời nhớ thương cho mỗi người con xa xứ, lưu vong có sướng gì đâu.
Tôi cũng tin rằng vạn bất đắc dĩ những bậc cha mẹ mới phải để con cái hay chính mình đi vào con đường vượt biên đầy chông gai đó. Bao nhiêu hiểm nguy rình rập, bao nhiêu cạm bẫy trong một hành trình không biết trước đó. Đừng chửi họ tham lam, đó chỉ là một phần của bức tranh thôi. Họ chỉ vì nghèo thôi, nếu giàu có họ đã chẳng bao giờ phải vượt biên đánh đổi số mạng mình mà tìm một con đường khác để con mình di cư. Họ cũng chỉ là nạn nhân của đói nghèo, thiếu hiểu biết. Chính họ là người mỗi đêm trằn trọc khi con mình chưa tới đích. Những cuộc gọi điện về cho người thân ở mỗi đích đến đủ biết họ mong ngóng từng ngày.
Tôi không dám tưởng tượng rằng chính trên quê hương này, bao nhiêu con người quyết tử để bỏ nước ra đi. Sự thật đó vẫn diễn ra dù bất chấp bao nhiêu nguy hiểm. Tôi chưa thấy một đất nước nào dù nghèo mà công dân xứ họ phải trốn chạy quê hương như cùi hủi. Ngoại trừ, những quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá kiểu của Trung Đông hoặc Châu Phi. Chẳng phải đất nước đã hòa bình, chẳng phải chúng ta giàu mạnh lắm sao? Đến cả các nước lân bang như Thailand, Lào, Campuchia dù nghèo cũng làm gì đổ xô trốn chạy như thế. Đến cả những quốc gia bị li tán cả hàng ngàn năm như Israel họ vẫn hẹn nhau ngày trở về. Còn chúng ta thì sao? tôi không dám nói.
Đừng nói rằng tôi tiêu cực khi chưa có thông tin chính thức. Chúng ta chẳng xa lạ gì khi chính các quan chức cao cấp cũng chạy nạn bằng đủ con đường. Tị nạn giáo dục, tị nạn kinh tế, tị nạn chính trị và tị nạn bằng mọi giá. Bắt đầu từ những con cái của các nhà lãnh đạo như Nguyễn Xuân PHúc, Nguyễn Tấn Dũng... Tất cả chỉ muốn trốn chạy khỏi "thiên đường" này.
➥ Vòng hoa cho các nạn nhân.
Vâng, xin tiễn biệt em Phạm Thị Trà My - "con chết vì không thở được". Xin tiễn biệt những nạn nhân xấu số. Sẽ sớm có câu trả lời cho một tình trạng chẳng con xa lạ với Việt Nam. Nhưng tới bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi tại sao "con chết vì không thở được". Sẽ không có câu trả lời cho câu hỏi "con đường đi nước ngoài không thành". Bao lâu những lãnh đạo quốc gia vẫn còn bận đấu đá để dành những chiếc ghế quyền lực, vơ vét tất cả tài nguyên vào túi riêng và sống xa hoa trên máu của dân nghèo thì sẽ vẫn còn dòng người ly hương.
Máu và nước mắt hôm nay cho người quá cố cũng chính là máu và nước mắt cho một xứ sở điêu tàn.
Xin Chúa xót thương chúng con.
Trần Minh Nhật
Bài về chủ đề Đau lòng: