Đặng Văn Hiến — nhân vật của tôi — đồng loại của tôi — là một thân phận vô cùng đơn giản; trở thành một phần của vụ việc mâu thuẫn phức tạp đất đai ở Tây Nguyên nói riêng và vô số mâu thuẫn phức tạp đất đai quốc gia nói chung.
Tính từ ngày tôi gợi ý với bà con ở bến đò Đak Ngo nên khuyên Hiến đầu thú và Hiến đồng ý ra đầu thú; là cả một quãng dài đối mặt với sự phức tạp khác của lòng người. Tôi từ phẫn nộ dần trở nên bình tĩnh, thậm chí lạnh lùng hơn khi đối mặt với sự khiêu khích của bất cứ ai khi nhắc đến Hiến.
Hai lần bị tuyên án tử ở phiên sơ thẩm, rồi phúc thẩm nhưng Hiến vẫn ở trong tù, chưa xử. Nói trắng ra là xử Hiến ra sao là một nan đề mà số đông nhìn vào. Hiến chết, đám “tư bản đỏ” và đám tay chân xã hội đen,sẽ rất vui. Chúng sẽ đinh ninh vẫn được vảo vệ để tiếp tục quá trình cướp bóc bằng con dấu lẫn bằng bạo lực như những nguyên nhân gốc gây ra tình trạng khiếu kiện đất đai mấy chục năm qua. Hiếu sống, cũng chính những kẻ cướp đất và cướp tự do người khác sẽ lo sợ những cuộc nổ súng rồi đầu thú khác để thực hiện quyền được nói của nạn nhân.
Đặng Văn Hiến nổ súng vì những uất ức tích tụ như vô số cây điều lao động cật lực bị ủi trắng, như nhiều lằn sẹo mới cũ của người dân tiểu khu 1535 nơi anh sống, vì được bọn cướp đất “ban cho”. Anh ấy đầu thú vì quyền được nói. Vì anh ấy sống ở một nơi mà khi thông báo mình bị đánh, bị cướp tài sản thì còn bị “khuyến mãi” thêm những cái bạt tai “Mày ngon tố cáo cả tao đi!” — như một nhân vật khác của tôi, cũng sống gần nơi Hiến ở.
Hôm qua, chị Khuyên — vợ Hiến nhắn tin cho tôi. Người đàn bà lam lũ ấy đã trải qua những biến cố lớn của đời người khi chồng vướng vòng lao lý do không thể tìm thấy công lý. Người đàn bà hay sợ hãi và chỉ biết khóc vì đau đớn ấy đến lần hai nghe tuyên bố tử hình chồng đã bắt xe ra Hà Nội nộp đơn đến Văn phòng chủ tịch nước. Sự biến đổi nhận thức ấy mang tính “cưỡng bức” của thời cuộc, của số phận. Nhưng dù sao, dũng cảm đi kêu oan cho chồng, vẫn tốt hơn là sợ hãi và khóc.
➥ Chị Mai Thị Khuyên gục xuống sau phiên tòa kết án tử chồng mình.
Tôi từng suy nghĩ rất lâu, rất giằng xé: Mình nên viết đơn kêu oan cho Hiến hay không? Khi chị Khuyên ra Hà Nội và có liên lạc, tôi nói chị hãy nộp đơn như một công dân bình thường đang thực hiện quyền công dân của mình.
Đưa Hiến ra đầu thú để “được nói” như anh ấy mong muốn, tôi đã làm. Vận động các luật sư bào chữa miễn phí cho Hiến như đã hứa, cũng đã làm. Câu nói: “Tôi tin còn có công lý nhà báo ạ!” và lời cảm ơn của Hiến khi tôi thăm ké tử tù (đi theo vợ con anh ấy) trước phiên xử phúc thẩm làm tôi rất vui. Chính Hiến — trong mối dây số phận kỳ lạ với tôi — bằng câu nói ấy, đã khiến tôi yên tâm đối mặt tiếp với những điều ác ý.
Hiểu đơn giản, chỉ duy nhất Đặng Văn Hiến mới có quyền nói “tôi là ai”, “tôi thế nào” trong cuộc đầu thú kỳ lạ của anh ấy!
Và như đã nói, tôi chờ phiên giám đốc thẩm, để lần nữa thấy những trái ngang chưa lộ mặt trong hai lần xử trước: sai phạm của chính quyền địa phương — cũng là tình tiết mới (mà không mới của vụ án). Hàng loạt cán bộ huyện Tuy Đức và cán bộ tỉnh Đak Nông bị kỷ luật vì sai phạm đất đai đã phần nào nói lên bản chất của vụ nổ súng của Hiến: Bị dồn đến đường cùng.
Tôi có thể viết thư cho cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang (khi ông còn sống) hay Chủ tịch nước đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Thậm chí, bức thư ấy có vài bản sao để đường “chính ngạch” nộp qua bưu điện bị “ai đó” ngăn lại thì vẫn đến đúng người; song tôi không làm thế.
Muốn thượng tôn pháp luật thì không thể trông cậy vào tình thương của chính trị gia mà là việc siết chặt kỷ cương của cán bộ, răn đe bằng phép nước với tổ chức/cá nhân có ý định cướp đất để ngăn ngừa những vụ nổ súng. Và đã nổ súng rồi, thì thân phận của người nông dân bị dồn đến đường cùng phải “chính ngạch” làm rõ bằng các thủ tục tư pháp.
Ở phiên giám đốc thẩm sắp tới, Hiến phải trả giá vì làm chết ba mạng người nhưng chưa thể nói ngay anh ấy bị tử hình hay chỉ còn chung thân. Nhưng các tình tiết pháp lý về sai phạm nhà nước của những cán bộ các cấp của Đak Nông sẽ được phơi bày trước công luận để lý giải vì sao Hiến buộc phải nổ súng.
Có lần được hỏi: “Ấn nghĩ sao nếu Đặng Văn Hiến bị xử tử.” Tôi đáp tôi đã cố hết sức có thể dưới góc độ nhà báo, công dân và con người. Nhưng tôi cũng không quên “nhắc” người hỏi rằng không chỉ Tây Nguyên mà dân oan cả nước sẽ nhìn vào bản án cuối cùng của Đặng Văn Hiến để chọn cách hành xử khi bị cướp đất. Đó là điều chế độ nên nghĩ thay vì hỏi tôi. Cuộc nói chuyện ấy là với một người “của chế độ”.
Ai sẽ cứu Đặng Văn Hiến ư? Công lý. Không phải là một anh diễn viên hài đang chạy show. Mà là sự tín niệm của nữ thần bịt mắt cầm cân hiện diện chốn pháp đình. Nếu có công lý, Hiến sẽ được giảm án. Nếu không thể “có mặt” có tại toà, công lý sẽ xuất hiện ở những người bị dồn đến đường cùng tự đi tìm nó với tâm thế “đằng nào cũng chết”.
Và xin nhắc rằng việc công dân tự tìm công lý chưa bao giờ là điều tốt đối với bất cứ nhà nước nào!
Đành chờ phiên giám đốc thẩm để kiểm chứng điều đó vậy...
P/s: Gần 3 năm qua, từ lúc Hiến ra đầu thú, tôi mất nhiều mà cũng được nhiều. Mất việc vì bị đấu tố, có lúc mất niềm tin khi bị những kẻ mông muội tấn công. Còn cái được lớn nhất có lẽ chính là thấy được lòng người.
Nên xin trân trọng cảm ơn những người đã bên cạnh hay chia sẻ từ xa với tôi trong suốt thời gian ấy. Cũng chân thành cảm ơn những kẻ phản trắc đã giúp tôi thấy rõ mình hơn và đối mặt tốt hơn trước những thứ tương tự của cuộc đời.
(Lại chiến đấu tiếp thôi chị Khuyên ạ!)
Mai Quốc Ấn
Bài về chủ đề Ngược đời-Vô lý: