“Việt Nam xâm lược Campuchia!” là một thông điệp của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Tôi chưa bàn đến đúng, sai nhưng chắc chắn đó không phải là một thông điệp mang tính chất kéo gần hai quốc gia Việt- Sing về mặt ngoại giao.
Có khá nhiều mổ xẻ về mặt đúng/sai của phát ngôn nhưng tôi đợi phát ngôn của Bộ Ngoại giao rồi mới nhận định. Thông điệp của Chính phủ Việt Nam cũng rất... ngoại giao (xem ảnh).
Khi nhắc đến lịch sử, Việt Nam từng chứng kiến những giai đoạn trỗi dậy về tâm thế tiếp cận ngoại giao ngang hàng với Trung Quốc lớn mạnh hơn rất nhiều khi xưng đế. Hoặc cũng có nhiều lần dù đánh cho thiên triều xơ xác nhưng vẫn nhún nhường xưng vương và cống nạp hàng năm.
Quốc gia này cũng từng phải xuất quân chinh phạt hay ban thưởng vỗ về các láng giềng nhỏ hơn trỗi dậy. Cách mà nhà Trần “gả” công chúa Huyền Trân trước rồi bình định Chăm Pa cũng là những thể hiện sự ngoại giao hôn nhân hay ngoại giao quân sự tùy thời điểm.
Nghĩa là sự tiếp cận về mặt ngoại giao mang tính chất tùy biến. Còn biến chuyển thế nào hay độ mềm mỏng/cứng rắn của phát ngôn ngoại giao lại tùy thuộc vào vị thế của quốc gia.
Chỉ xin lưu ý, thông thường một quốc gia cố tình khiêu khích quốc gia khác qua các phát ngôn của Chính phủ và quân đội, là thể hiện quốc gia bị khiêu khích đang ở vị thế thấp hơn.
Túc Dụ là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước chiến tranh xâm lược của họ vào 1979 từng huênh hoang “ăn sáng Hà Nội, ăn tối Sài Gòn” chỉ với một phần lực lượng của Quân khu Côn Minh, Quân khu Quảng Châu. Sự ngạo mạn ấy trả giá khá đắt trên chiến trường thực tế.
Ngụy Phượng Hòa là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đương nhiệm phát ngôn nhẹ nhàng hơn rằng Trung Quốc không xâm lăng nhưng sẽ đánh trả nếu bị tấn công tại Biển Đông. Với hải chiến Hoàng Sa 1974 và thảm sát Gạc Ma 1988 thì lời nói đầy tính ngoại giao ấy chỉ thể hiện sự thâm hiểm, cáo già cấp cao.
Cái lõi vấn đề của quốc gia phát ngôn về một quốc gia khác chính là vị thế của cả hai với nhau và với tương quan thế giới. Tôi rất “thông cảm” cho Bộ Ngoại giao mỗi lần lên tiếng về Biển Đông không ngoài câu “Chúng tôi phản đối!” đầy yếu ớt mà không có thông điệp đi kèm rằng sẽ thực hiện những biện pháp tự vệ cần thiết.
Bộ Ngoại giao là cơ quan đối ngoại của Chính phủ. Phát ngôn của Bộ ngoại giao thể hiện vị thế của đất nước. Thông điệp mạnh mẽ hay nhún nhường cũng thể hiện ra như vậy.
Trong một tương liên sâu rộng về ngoại giao, sự “ngoài êm” cũng nói lên “trong ấm” hay không. Nghĩa là lực nội tại một quốc gia có đủ mạnh và thống nhất thì quốc gia ấy không bị khinh thường.
Nhân dân muốn biết “trong ấm” hay không thì hãy nhìn chất lượng cuộc sống của bản thân mình, gia đình mình và xung quanh. Thực tế đời sống xã hội chính là câu trả lời rõ ràng nhất.
Trong hiểu biết hạn hẹp cá nhân người viết, tính “trong ấm” của một quốc gia thường thể hiện ra bằng sự minh bạch của Chính phủ với nhân dân. Ví dụ một quốc gia minh bạch thì sẵn sàng công khai tài sản các thành viên của Chính phủ trước nhân dân, để nhân dân giám sát. Nhân dân phải đầu tắt, mặt tối mưu sinh thì có thể nhờ Đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ, buộc chính phủ trả lời.
Lần nữa phải nhắc lại, một Chính phủ điều hành quốc gia có “ấm” thì vấn đề đối ngoại mới “êm”.
Và hiện trạng đến việc thành viên của Chính phủ không cần/được cho phép không trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội đã thể hiện phần nào tính “ấm” bên trong cỡ bao nhiêu...
Trong càng “lạnh” thì ngày thay thế những người điều hành quốc gia càng gần. Đó là quy luật mà bất cứ quốc gia nào cũng gặp phải trong lịch sử!
Mai Quốc Ấn
Bài về chủ đề Ngoại giao-Chính trị: