Đọc lại Nam Cao, tự nhiên nghĩ bần thần. Phải chăng người Việt chúng ta giờ đây chỉ sau có 20 năm đã quên hết những cảnh nghèo cảnh khổ dù hàng ngày vẫn gặp người bới rác kiếm ăn trên phố hay lên miền ngược vẫn thấy những người sống dưới mức tồi tàn?
Đọc Nam Cao, dù đã trải qua rất nhiều nỗi khổ đau đời thường và trải nghiệm, tôi vẫn thấy sợ và chỉ dám đọc lướt qua những truyện như “Lang Rận” , “Mò sâm banh”, “Một bữa no”… Nó khốn khổ, bạo liệt và trần trụi quá cho dù trong thực tế có khi nó còn gấp 2-3 lần như thế.
Đôi khi vào siêu thị hay quán xá nhìn xung quanh thấy người người ăn uống, mua sắm lại nghĩ ngợi linh tinh.
Thời đại đã đổi thay. Vật chất ngập tràn. Có tiền dường như thứ gì cũng mua được hết. Ở những cửa hàng bán gà rán hay trà sữa, thanh thiếu niên xếp hàng dài dặc, trên bàng ngổn ngang thức ăn bỏ lại.
Ở nhà, mỗi khi rửa bát phải bỏ thức ăn đi vì không thể cho chó hay mèo, gà ăn như ở quê tôi lại thấy tiếc và nhớ lại kỉ niệm những lần đi vay gạo khi xưa.
Ôi, dường như từ 9x trở đi phần đa thanh niên bây giờ không còn bị cái đói ám ảnh nữa dù cha mẹ họ có thể không phải là người giàu có.
Làm sao cho trẻ em, thanh thiếu niên trân trọng vật chất trong xã hội tiêu dùng thật khó.
Có người cứ hỏi mãi một câu rất ngớ ngẩn là “học văn, đọc văn để làm gì?”.
Thì đây, đọc là để khỏi lãng quên.
Việt Nam mới thoát khỏi cái đói ở bình diện chung 20-30 năm nay là cùng. Mỗi năm vẫn có hàng ngàn người được cứu đói. Nhưng nhìn cung cách tiêu dùng của người Việt nhất là khi ăn nhậu thì ta không khỏi có cảm giác như xứ mình đã hóa rồng hóa hổ.
Đừng nghĩ rằng, cái đói đã dứt khoát từ bỏ xứ sở mình.
P.s. Hôm kia, cho vợ con ra siêu thị chơi bị vợ ép mua hai cái quần bò đại hạ giá mỗi cái 250k. Vợ muốn mua cho thêm một cái nữa nhưng không đồng ý. Quần áo nhiều chỉ tổ mất công phải quản lý, giặt giũ. Mà quần áo giờ mặc xong cũ hoặc chán thì vứt đi chứ nó không rách. Cho người khác thì ngượng vì chẳng ai còn muốn mặc quần áo cũ hoặc cũng không dám cho. Nhớ lại hồi đi thi đại học phải ra Hà Nội, thiếu quần mặc phải mang thêm cả một cái quần của chị thứ hai-quần không có túi. Thấy cũng đen cho ngành may mặc hay thời trang, nếu ai cũng như kẻ bán sách rong này, hẳn nhiên là phá sản.
Dạy con để con biết quý trọng vật chất và vui vẻ với vật chất có giới hạn là nan đề của phụ huynh nước Việt ngày nay. Rất nhiều thanh niên đã không cảm thấy hạnh phúc với vật chất dù từ bé sinh ra và lớn lên trong những gia đình giàu có.
Nguyễn Quốc Vương
Bài về chủ đề Nhận định: