➥ Trẻ em Campuchia nhận thức ăn tập thể (không sống chung với gia đình).
Nói chung tư liệu Việt Nam thường nói tránh đi cái gốc cộng sản của Khmer đỏ nên hầu như không nói Khmer đỏ là cộng sản Campuchia. Ngoài ra, ta chỉ nói Khmer đỏ diệt chủng, rất chung chung, khiến nhiều người hiểu nhầm về nạn “diệt chủng” ở Campuchia.
Đa số dân Việt Nam cứ nghĩ diệt chủng là bạ ai nó cũng giết, tùy hứng. Vì đọc cái từ “diệt chủng” sẽ gây hiểu nhầm là giết người vô điều kiện.
Thực ra, nếu nói chính xác, thì Khmer đỏ cải cách xã hội theo kiểu siêu cực tả, cộng sản cực đoan. Họ bắt chước mô hình cộng sản, nhưng đã cực đoan hóa thêm nhiều phần. Bản chất việc diệt chủng này là “thanh lọc giai cấp”, tương tự như Đức Quốc xã là “thanh lọc dân tộc”. Vì thế tuy Khmer đỏ có giết người như Quốc xã nhưng mục đích giết người lại không giống tuy rằng tinh thần dân tộc của họ có nét hao hao giống Quốc xã.
Sao lại gọi là thanh lọc giai cấp?
Đây chính là cách cải tạo xã hội cơ bản nhất của chủ nghĩa cộng sản. Quốc gia cộng sản nào khi mới thành lập cũng đều có một bước là thanh lọc giai cấp, Liên Xô, Trung Quốc cũng vậy, nhưng Khmer đỏ muốn đốt cháy giai đoạn nên dùng biện pháp cực đoan nhất, khiến Trung Quốc (vốn đã cực đoan) còn phải e ngại. Thanh lọc giai cấp hiểu nôm na là cộng sản muốn loại bỏ giai cấp bóc lột. Bài phổ biến nhất chính là cải cách ruộng đất. Chính quyền cộng sản bật đèn xanh cho bần nông đứng lên cướp đất của địa chủ, đấu tố họ, thậm chí xử bắn tại chỗ, chỉ xét xử bằng tòa án nhân dân (chính bần cố nông xử). Sau đó, thân nhân của họ bị cách ly, bị đàn áp, phân biệt đối xử, không cho học cao, không còn tài sản, để biến họ thành giai cấp cơ bản. Đó đã là một giải pháp cực đoan đối với cánh hữu nhưng lại quá ôn hòa nếu so với Khmer đỏ.
Để đốt cháy giai đoạn. Khmer đỏ lùa toàn bộ giới trí thức, thương gia... tức là toàn bộ những người không trực tiếp sản xuất, lao động chân tay về các vùng quê để trực tiếp lao động nông nghiệp. Tức là biến họ thành bần nông ngay lập tức một cách cưỡng bức.
Vì cách làm đó gây xáo trộn xã hội quá lớn, giống như thay dân, mà lại dùng biện pháp hà khắc. Ví dụ như dân thành thị phải đi bộ về các vùng nông thôn, khiến cho nhiều người không chịu nổi mà chết. Họ chết do thay đổi lối sống đột ngột. Hoặc, họ chống lại Angka (cách Khmer đỏ xưng với dân), nên bị giết ngay lập tức để giữ kỷ luật. Nếu không giết thì không thể làm cách mạng được nhanh chóng.
Ở các nước cộng sản khác, khi hình thành nhà nước, chính quyền sẽ sử dụng tem phiếu thay cho tiền, nhưng không hoàn toàn xóa bỏ tiền tệ, vẫn duy trì thị trường tự do (chợ đen). Nhưng Khmer đỏ hoàn toàn xóa bỏ tiền tệ và thị trường tự do ngay lập tức. Ai chống lại đều bị giết. “Con buôn” đương nhiên bị giết trước để thị uy.
Các nước cộng sản đề cao tính giai cấp lên trên tính dân tộc và giòng họ, gia đình. Thời cộng sản, khi đi họp, vợ chồng hay bố con cũng gọi nhau là đồng chí hết. Nhưng họ không xóa bỏ gia đình, chỉ làm giảm vai trò của nó.
Còn với Khmer đỏ, họ hủy bỏ cả gia đình, tách bố mẹ khỏi con cái. Trẻ con sẽ do Angkar giáo dục từ nhỏ thay bố mẹ chúng. Ai chống lại cũng bị giết.
Thế nên, Khieu Samphan (hay Ieng Sary), một trong “tứ trụ” của Khmer đỏ, đã từng nói với Chu Ân Lai, khi ông này khuyên can Khmer bỏ nên giảm bớt tính cực đoan: “Các đồng chí chưa làm được cách mạng triệt để, vì các đồng chí vẫn duy trì tiền tệ và gia đình.” Trung Quốc thực ra không ủng hộ biện pháp cực đoan đó, nhưng vẫn hỗ trợ Khmer đỏ một cách không điều kiện.
Tóm lại, Khmer đỏ làm cách mạng xã hội theo kiểu cộng sản cực đoan, cụ thể là thanh lọc giai cấp. Vì biện pháp quá cực đoan nên dẫn đến cái chết của rất nhiều người, do họ không chịu được cực khổ hoặc bị giết do phản kháng lại Angkar.
Có nghĩa là Khmer đỏ không giết người tùy hứng mà có chọn lọc. Người chết chủ yếu thuộc giai cấp bóc lột và người có gốc nước ngoài (gốc Việt Nam, Trung Quốc, Tây, Chăm...). Và đương nhiên, cộng sản còn thanh lọc tôn giáo nữa. Đây là một phần của việc thanh lọc sắc tộc, nhưng không chiếm đa số các nạn nhân.
Chính vì họ chỉ thanh lọc giai cấp và một phần sắc tộc, nên họ vẫn có chỗ đứng trong một số nhóm cư dân thuộc giai cấp cần lao. Đó cũng là lý do khiến Khmer đỏ vẫn duy trì được hơn 10 năm sau khi sụp đổ. Tức là họ vẫn ẩn náu trong dân được ở một số vùng quê hẻo lánh, chứ không phải họ bị dân cách ly hoàn toàn.
Cách làm tương tự như vậy đã từng có thời Stalin và Mao, nhưng không cực đoan bằng, nhưng số nạn nhân lại lớn hơn nhiều do dân số Campuchia quá ít và thời gian Khmer đỏ nắm quyền quá ngắn.
Dương Quốc Chính
Bài về chủ đề Lệch lạc: