➥ Báo Thanh Niên cố gắng tường thuật khách quan nhiều chiều về vụ này, và đây là một bài viết theo hướng đó.
Trong vụ giang hồ vây xe công an ở Đồng Nai đại khái ban đầu có 2 nhóm đi nhậu: Nhóm công an có 3 sĩ quan cấp tá, trong đó 1 vị đã về hưu, cùng 1 người không phải công an là ông Phạm Văn Hiền. Nhóm bên kia có ông Nguyễn Tấn Lương, ông Lê Võ Trường Hải cùng 8 người khác, không có ai là công an. Dù nhóm thứ nhất có 3 sĩ quan công an nhưng các vị đến đây không phải làm nhiệm vụ, mà cả hai nhóm đều “bình đẳng” là hai nhóm nhậu.
Kích hoạt mâu thuẫn là do nhóm công an gây ra, khi ông Hiền ói “nhầm” vào người ông Lương, việc này khiến cho hai ông xô xát nhưng chưa gây thương tích. Sau đó, hai sĩ quan công an cùng ông Hiền vào phòng nhậu của nhóm ông Lương, không phải để dàn xếp phải không, mà để lại kết quả là một người của nhóm ông Lương là ông Lê Võ Trường Hải bị đánh rách đầu phải may 13 mũi. Sau đó, nhóm công an lên xe đi về.
Ông Lương liền gọi “giang hồ xăm trổ” tới, vây xe của nhóm công an đề nghị xuống giải quyết, nhưng các sĩ quan công an đóng chặt cửa xe không xuống và gọi lực lượng cảnh sát tới giải cứu.
2 sĩ quan công an đương chức đi nhậu trong giờ hành chính đương nhiên không phải làm nhiệm vụ, nhưng lực lượng cảnh sát với vũ khí và công cụ hỗ trợ đầy mình là lực lượng thi hành công vụ. Lẽ ra họ phải xử lý cả vụ gây rối trật tự trong quán ăn mà hậu quả là có người bị thương tích, nhưng lại chỉ tập trung giải cứu các sĩ quan công an ngồi trên xe. Mấy anh giang hồ không chịu, nên xì lốp xe không cho đi. Công an phải tăng cường lực lượng mới giải thoát được nhóm sĩ quan công an ăn nhậu và giải tán đám đông.
Sau một hồi điều tra, đã có 3 người trong nhóm “giang hồ xăm trổ” bị khởi tố và bắt giam về tội gây rối trật tự công cộng. Tôi không biết những người này còn có những hành vi phạm pháp gì nữa ở những nơi khác nhân vụ này gộp lại để bắt luôn hay không, vì không thấy cơ quan điều tra công bố. Còn nếu như chỉ khởi tố riêng vụ này thì chinh các sĩ quan công an đi nhậu kia cũng trực tiếp tham gia gây rối trật tự công cộng, họ sao có thể vô can được?
Từ sau vụ án Năm Cam, giang hồ khắp nơi trỗi dậy thi nhau “lấy số”. Do luật pháp thực thi thiếu công minh, nên ngày càng có nhiều doanh nhân dựa vào sự bảo kê của họ. Nếu như vụ này vẫn tiếp tục thiếu công minh, xử lý không bình đẳng, thì sẽ tạo thêm cơ hội “lấy số” cho các anh chị “xăm trổ”. Nghề “giang hồ xăm trổ” do đó không những không giảm đi mà còn có cơ hội phát triển.
Hoàng Hải Vân
Bài về chủ đề Ngược đời-Vô lý: