Nhìn bức ảnh... bỗng dưng ý nghĩ “cổ hủ” từ lâu tôi muốn quên lại hiện về: Răn dạy con theo phương châm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” của cha ông ta xưa có thật hoàn toàn phi lý không?
Tôi chẳng muốn bàn lúc này chuyện chúng ta đã và đang thừa nhận không chỉ với nhau, mà bằng công ước quốc tế, vấn đề tôn trọng quyền của trẻ, không xâm hại chúng dưới bất cứ hình thức nào. Mọi phương pháp giáo dục phải trên cơ sở hướng dẫn, phân tích, đối thoại...
Vâng! đó là điều dễ nghe. Từ lâu bằng lý trí, và, để tỏ ra mình đã tiếp cận được cái mới, tôi đã rất đồng tình. Nhưng, điểm bâng khuâng mơ hồ của tôi ở đây: có phải là cứ mỗi nền văn hoá lại hàm chứa tính giáo dục trẻ theo cách của mình, và mọi biện pháp không thể khác, áp dụng sau đó, đều có lý do của nó. Hay có thể diễn đạt một cách cụ thể hơn là quá trình nuôi nấng, chăm sóc trẻ, phải phù hợp với cách giáo dục riêng, mà nhiều lúc, sự phối hợp ấy có thể tạo nên những điều tiết hợp lý, để hoàn thiện nhân cách của trẻ.
Phần lớn những đứa trẻ phương Đông, nhất là ở xứ ta, từ khi sinh ra cho đến lúc ôm cặp đến trường, bố mẹ như những vị thần đầy quyền năng che chở cho chúng.
Em bé Việt được bú mẹ lâu dài, bú bất cứ lúc nào. Cứ khóc lên là có bụ mẹ; ngủ với mẹ suốt năm đầu tiên, có khi, nhiều năm sau chào đời. Lúc nào cũng được mẹ bồng ẵm, dỗ dành; vấp ngã chút xíu là được cả nhà quan tâm. Được chiều chuộng ngay cả những lúc nổi “chướng”, đòi hỏi những chuyện không hợp lý.
Mọi sự chăm sóc ngoài mức cần thiết ấy dẫn đến tính cách đầu tiên được huân tập của đứa trẻ là thói ỷ lại, dựa dẫm, luôn luôn cần sự che chở, thói quen tự lập yếu trong cách sống lẫn tư duy...
Những đứa trẻ hưởng được sự chìu chuộng và luôn luôn được người lớn nhìn dưới hình ảnh nhỏ bé, tội nghiệp, và hoàn toàn chưa biết gì. Từ đó, xem việc con ngừng khóc trong mọi trường hợp, là mục đích mà bố mẹ cần đạt được.
“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, phản ánh nhu cầu ấp yêu quá mức đối với trẻ, nhiều lúc, đơn thuần đó là nhu cầu của phụ huynh, chứ không phải từ yêu cầu của chính đứa trẻ.
Để khắc chế sự nhìn nhận dễ dãi ấy, ngay từ lúc con biết vui, biết sợ, biết biểu lộ cái ta, lòng tự ái... thì bố mẹ đã phải theo tuổi của con, thể hiện sự răn đe bằng những biện pháp cương quyết, để con có cơ hội nhìn lại mình.
Đây được xem là phương thức hoá giải những bất ổn của thời kỳ nuôi nấng ban đầu đầy ắp sự ấp ủ, chìu chuộng. Những gì cần thiết và buộc lòng phải có, để điều chỉnh những hậu quả tất yếu của giai đoạn trước để lại. Triết lý “thương cho roi cho vọt...” phải chăng từ đó mà hình thành.
Người phương Tây làm sao hiểu được người phương Đông khi đánh con họ đã tỉnh táo như thế nào: chọn cây roi không gây thương tích cho con, tìm cho được cái mông con mới đánh, vừa đánh vừa răn dạy; và người đánh, lòng còn đau hơn kẻ bị đánh.
Tất nhiên, có những bố mẹ đánh để trút giận lên đầu con, để thoả mãn sự độc đoán của mình, nhưng, tôi tin rằng họ nằm trong số rất ít và hoàn toàn không đại diện cho lối giáo dục mà tôi đang đề cập.
Tôi muốn nhắc lại rằng mình có thể sai ngay khi viết những điều này, nhưng không hiểu sao, tôi cứ mãi trung thành với ý nghĩ: cứ mỗi nền văn hoá lại có những đặc điểm riêng, và rõ ràng; không thể đứng ở nền văn hoá này để phê phán hay xác nhận sự bất hợp lý ở một nền văn hóa khác qua một số hiện tượng mà không hiểu nguyên uỷ của nó.
Cho nên, nếu phải khóc thầm vì thương con trong khi đánh nó, tôi cho rằng, đó không phải là hành động xâm hại trẻ của phụ huynh. Mà là một sự điều chỉnh cần thiết với những gì chúng “ bị hay được” nhận trước đó từ sự nuôi dưỡng và giáo dục trong nền văn hoá cổ truyền vốn có. Câu trả lời đúng sai trong cách nhìn nhận này, chúng ta có thể nhìn thấy ít nhiều từ hiện trạng xã hội.
Cho đến hôm nay tôi vẫn không hề oán giận những làn roi của thầy giáo cô giáo ngày xưa, thậm chí ba mạ tôi còn tự hào vì con mình được học một trường có giáo dục nghiêm. Và tôi cũng cho rằng mình khó có thể học tốt vào thời điểm đó, nếu không nhận ít nhiều những dạng răn đe ấy.
Tôi nhớ và thương những thầy giáo cô giáo đã cho tôi những ấn tượng khó quên, dù đó là cảm giác chẳng êm ái bao nhiêu. Và, tôi vẫn nhớ như in những lằn roi với lòng nhớ thương vô hạn khi nghĩ về ba tôi, đơn giản bởi vì tôi từng là đứa bé phương Đông.
Ngàn lần tôi không có ý cổ xuý cho cái cũ, nhưng, muốn tính đến sự hiệu quả của một quan niệm giáo dục, chúng ta phải bắt đầu từ tập quán nuôi nấng, đối xử với trẻ sơ sinh; hãy cho nó có ý thức trách nhiệm về cá nhân ngay từ những thói quen ban đầu... Tôi hiểu điều ấy, nhưng quả là chẳng dễ dàng thực hiện, tôi vẫn có nhu cầu ấp yêu, che chở, bảo bọc con tôi quá mức cần thiết so với tuổi của nó.
Thế hệ của chúng tôi đã ăn phải trái cấm ngày xưa, nên cũng khó cách tân một cách triệt để, dù vẫn biết mọi điều rồi cũng phải khác đi và “tiến bộ” hơn.
Thôi thì cứ tập để quên dần chuyện mình đã lớn lên một cách khá tử tế từ những lằn thâm tím trên mông và một chuỗi kỷ niệm khó quên xung quanh chiếc roi mây ngày nào...."
Nguyễn Hữu Thông
Bài về chủ đề Giáo dục: