➥ Một bên là thánh Phêrô, một bên là thánh Phaolô, khác biệt lắm, nhưng luôn có Thầy Giêsu ở giữa!
Mãi tới sau 1975, rời tiểu chủng viện Châu Đốc về học cấp 3 ở Sài Gòn, tôi mới biết thêm nhiều Dòng tu khác nhau của Giáo hội Công giáo, và cũng được biết một số chuyện gọi là ‘trục trặc nội bộ’ của các Dòng hay các Giáo phận.
Điều làm tôi nhớ mãi là lời kể của một bạn học. Anh chàng nhà rất gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng và từng là cậu thiếu niên giúp việc trong Dòng nên ra vô thường xuyên. Bạn tôi kể các cha, thầy DCCT rất nhiều lần có những cuộc tranh luận nảy lửa vì... khác chính kiến. Cãi nhau nhiều khi to tiếng, cả trong giờ cơm, xổ cả tiếng Tây, đến độ hai bên buông luôn cả muỗm nĩa, ngưng luôn bữa ăn vì nuốt không vô nữa.
Cũng dễ hiểu thôi, ‘thời nội chiến Quốc+Cộng’ mà! DCCT có những linh mục tuyên úy thuộc quân đội VNCH và có những linh mục mang tiếng ‘thân Cộng’, xung khắc quan điểm về thời sự, về chính trị là điều tất nhiên.
Những mâu thuẫn như thế (không chỉ chính kiến mà đủ thứ lãnh vực khác nữa) là điều xảy ra trong mọi Dòng tu, trong mọi Giáo phận. Nghĩ cũng thương các bậc bề trên, hẳn phải lắm phen khổ tâm và khó xử khi đứng giữa những khuynh hướng dường như đối nghịch của anh chị em mình.
Thầy Giêsu trăn trối: “Thiên hạ cứ dấu này mà nhận ra anh chị em là môn đệ của Thầy: đó là anh chị em yêu thương nhau”. “Điều răn quan trọng mà Thầy truyền lại: hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh chị em!”.
Vậy yêu thương thì có... cãi nhau không? Hi hi, thưa có! Chín người mười ý. Khác biệt ý kiến và tranh cãi nhau, kể cả nảy lửa, là chuyện thường. Chính các tông đồ thời đầu của Giáo hội cũng đã không thiếu những lần cãi nhau.
Ông ‘tân tòng’ Phaolô dám nổi nóng sửa lưng cả vị ‘giáo hoàng đầu tiên’ Phêrô. Hai tông đồ Phaolô và Barnaba bất đồng ý kiến khi chọn người cộng sự cho chuyến truyền giáo, tranh cãi kịch liệt một hồi, bèn chia tay “anh đường anh, tôi đường tôi”. Cãi nhau, thậm chí chia tay như vậy, nhưng không có nghĩa là “tình nghĩa đôi ta có thế thôi”!
Cãi nhau, bảo vệ ý kiến của mình, nhưng vẫn phải yêu thương nhau. Và một trong những chỉ dấu của tình yêu thương đó, chính là sự khiêm tốn vâng phục. Vâng phục bề trên. Vâng phục Cộng đoàn. Vâng phục Giáo hội.
Nhưng như vậy thì có khác chi các “đảng phái” và “phe nhóm” ở đời không? Các băng cướp họ cũng có tình huynh đệ đồng đội với nhau mà. Các đảng phái chính trị, kể cả những đảng độc tài hiểm ác nhất, cũng “tình đồng chí ấm áp như mùa Xuân” mà. Và băng đảng nào cũng có điều lệ dù thành văn hay bất thành văn: trung thành và vâng phục; phản bội là có khi xử tử chứ không đùa.
Nếu có gì đó làm một giáo hội/tôn giáo trở nên là một cộng đồng tâm linh chân chính và đích thực, là ở chỗ tình yêu thương và vâng phục giữa họ không phải là thứ yêu thương vâng phục kiểu cục bộ và khép kín. Họ yêu thương và vâng phục nhau là để cùng nhau trải rộng tình yêu thương vâng phục đó đến hết mọi người.
Từ bi và bác ái chỉ là đích thực khi không loại trừ, không kỳ thị, không thù oán bất cứ ai; thực lòng và tận tụy yêu thương phục vụ tất cả, cho dù là người “ngoại đạo”, kể cả cho dù là những kẻ đang bách hại Giáo hội mình.
Hồng Hà
Bài về chủ đề Đề xuất: