Cách đây khoảng 5 năm, hồi tôi hay viết còm ở các blog, có một số cô chú anh chị nói tôi, “thẳng tính.” Tôi thắc mắc bởi họ và tôi chưa hề gặp mặt, chỉ là đọc văn nhau mà sao có thể nói tôi thẳng tính? Các cô chú anh chị bảo, “Văn là người, Voi ạ.”
Mãi sau này, khi tôi thoát ra khỏi các trang sách, tôi đọc rất rất nhiều các blog, các còm, các bài viết trên mạng xã hội, nhất là facebook, thì tôi hiểu câu “văn là người” là một câu khá chuẩn. Do đó, khi đọc văn hoặc nói chuyện với ai tôi thường chú ý đọc và lắng nghe rất kỹ. Đọc, nghe để thấu hiểu chứ không phải đọc, nghe để đáp trả.
Do quan sát kỹ, đọc kỹ, lắng nghe kỹ nên tôi rất hiếm khi hiểu sai, hiểu lầm ý của người viết, nói. Có những người, họ kém trong khả năng diễn đạt bằng văn nói hoặc viết. Khi nói hoặc viết câu chữ cứ túc tắc nên không thể nói được hết hoặc không làm rõ được ý muốn nói. Nhưng, khi mình đọc hoặc lắng nghe bằng tâm thế để thấu hiểu thì mình sẽ có sự kiên nhẫn nhất định, sẽ biết cách gợi mở, nói thêm cho rõ ý người nói, viết. Khi mình nói thêm chưa đúng ý người nói, viết, người ta trao đổi lại thì từ từ sẽ làm rõ được nội dung của câu chuyện, ý người ta muốn truyền tải.
Với tâm thế trên, tôi hiếm khi phán xét và chụp cho ai cái mũ này mũ kia một cách vội vàng và khi hiểu thì tôi hiểu vấn đề rất sâu và chuẩn xác, cũng như khi nhận định về người nào thì tôi luôn cẩn thận, cẩn trọng, cân nhắc cho đến khi đưa ra nhận định thì...ít có sai.
Bởi văn là người nên khi để ý và chịu khó kiên nhẫn, ta sẽ thấy rất dễ để nhận ra đâu là người viết, nói với cái tâm trong sáng, đâu là người viết vì tiền, đâu là người viết vì một mục đích nào đó. Và cũng rất dễ để nhận ra tính cách con người thông qua câu chữ. Từ đó nhận ra đâu là người dũng cảm thật, đâu là người công chính, đâu là người mượn con chữ để tô hồng đánh bóng, đâu là người lợi dụng ngôn từ để che đậy bản chất...
Tôi nhận thấy, hơn một năm trở lại đây, tình trạng dư luận viên cấp thấp chỉ biết chửi bới tục tằn đã giảm đi rất nhiều. Bù lại, gia tăng nhóm dư luận viên cấp cao nói viết có vẻ có văn hóa. Nhóm này dùng lý luận, sử dụng ngôn ngữ khá thành thục để làm công việc định hướng dư luận. Và họ đang thành công, ngày càng đông, ngày càng thu hút được rất nhiều người dân đủ mọi thành phần đọc, nghe và bị họ định hướng, dẫn dắt.
Nhóm người này, họ lợi dụng phong trào đấu tranh dân chủ, giả vờ là cũng có tư tưởng, tư duy dân chủ để viết bài, nói những điều phù hợp tâm lý đám đông. Tâm lý đám đông ở Việt Nam là gì? Là biết đảng tồi tệ, nhưng sợ không dám nói động đến đảng, nên quay ra mắng quan chức cóc ké. Ví như nói đến dân oan, đến thu hồi đất đai, đền bù giải tỏa thì chỉ nói quan chức địa phương làm sai mà không dám nói đến cái sai của điều 53 hiến pháp. Khi nói đến tham nhũng thì chỉ nói cá nhân quan chức mà không dám đụng đến cơ chế, đến bộ máy chính quyền tạo ra cơ chế... Nói, viết kiểu lập lờ, mơ hồ, đa ý ai hiểu sao thì hiểu... Thế nên, khi nhóm này nói, viết những bài viết giả vờ phản biện xã hội nhưng né đảng ra, không đụng đến bản chất sự việc, chỉ viết cái ngọn thì đám đông ùn ùn like, share, truyền bá, khen ngợi... vì họ thỏa mãn được tâm lý ức chế nhưng vẫn cảm thấy an toàn.
Từ cái tâm lý muốn thỏa mãn tâm lý ức chế nhưng vẫn muốn sự an toàn này mà có những người không phải là dư luận viên đã trở thành một cánh tay đắc lực của nhóm dư luận viên bởi cách viết y hệt. Bị định hướng, dẫn dắt mà không hay biết, vẫn cho đó là tư duy của chính mình.
Hai nhóm này tôi gọi chung tên là “Nhóm múa chữ.” Họ hợp lại với nhau, một cố tình, một vô ý gây hại rất lớn cho tiến trình “khai dân trí, chấn dân khí,” tìm kiếm phương pháp, đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam vì người dân có nhận thức tiếp cận thông tin để tìm hiểu thì lại bị nhóm này dẫn dắt mất rồi.
Người dân khi bị rơi vào cái mê hồn trận dẫn dắt, định hướng này thì rất khó và rất lâu mới có thể thoát được sự lừa mị có định hướng để hiểu được bản chất vấn đề. Họ thành đám đông bị lợi dụng, biến thành trợ thủ không công cho đám dẫn dắt. Họ đem những kiến thức hổ lốn và lừa mị mà đám kia phổ biến đi còm khắp nơi hoặc viết stt để thể hiện bản thân, phản biện không ra phản biện, kiến thức không ra kiến thức, trí thức không ra trí thức, thậm chí chửi nhau cũng không ra chửi nhau. Nó cứ dở dở ương ương khoe chữ rất khó chịu nhưng lại dương dương tự đắc mình có tư duy độc lập, logic và từ đó không chịu học hỏi gì thêm nữa cả. Nhóm này giờ cực nhiều.
Có quá nhiều ngụy biện, lợi dụng các hình thức ngụy biện, giả vờ dân chủ để che đậy mục đích đằng sau con chữ, tôi khó có thể liệt kê để nhận biết trong một bài viết ngắn. Mà thật ra, tôi có đủ thì giờ ngồi liệt kê thì các bạn cũng chẳng thể nhớ hết được. Nhưng có một số nguyên tắc cơ bản mà khi để ý kỹ các bạn sẽ nhận ra ngay, đó là:
1. Người công chính không bao giờ nói, viết lập lờ, mơ hồ, đa ý để gây hại cho người khác.
2. Người đàng hoàng tử tế không bao giờ nói, viết kiểu hai hàng, nịnh bợ.
3. Người chính trực không bao giờ chấp nhận hai kiểu viết trên.
Những kẻ múa chữ đang tự tung tự tác, nếu bạn để ý sẽ nhận diện được và tránh được việc bị dẫn dắt. Không khó đâu, chỉ cần lắng nghe, đọc để thấu hiểu chứ đừng nghe và đọc để đáp trả là sẽ nhìn thấu và học được rất nhiều, biết được rất nhiều.
Vài dòng chia sẻ. Thân.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Bài về chủ đề Nhận định: