Kỳ 1: Linh mục, một người mâu thuẫn
(Bài của cố Linh mục Petrus Đặng Xuân Thành, giám học Đại chủng viện Giuse Hà Nội. Xin trích.)
🍀
Mỗi khi bị mấy anh bạn đồng nghiệp tại các trung tâm ngoại ngữ hỏi tới tấp: “Linh mục là gì vậy?”, “Giám mục là gì vậy?”, nhất là “Tại sao anh trở thành linh mục?”, tôi thường trả lời không biết. “Nếu vậy, anh đã không được tự do khi chọn làm linh mục à? Anh đã không được hành động theo lương tâm của mình à?” Tôi đáp lại: “Khi lập gia đình, nếu có bị hỏi tại sao kết hôn và tại sao kết hôn với cô này anh nọ, bạn cũng trả lời như vậy thôi: không biết. Vì trong tình yêu, có bao giờ người ta biết rõ những lý do sau cùng đâu; thế nhưng người ta vẫn tin rằng mình đã tự do khi làm thế”.
Tại sao trở thành linh mục ư? Đó cũng là kết quả của một tình yêu, và nguyên nhân sâu xa của việc này nằm trong đáy lòng mình. Nói thế có nghĩa là làm linh mục không phải là một việc làm hoàn toàn phi lý, nhưng cũng không phải là một việc hợp tình hợp lẽ như người ta thường nghĩ.
◪ Linh mục, một người mâu thuẫn
Nếu là một nhà tâm lý hay xã hội học muốn tìm hiểu con người và cuộc sống của người linh mục, chắc hẳn tôi sẽ cố gắng khám phá ra duyên do động lực đã đưa người ấy tới chỗ trở thành linh mục, tâm lý - khuynh hướng - tính tình và những vấn đề của đương sự trong lãnh vực ấy, môi trường sống của người linh mục từ tấm bé cho tới khi lớn lên và trưởng thành (môi trường gia đình, môi trường sinh sống, môi trường giáo dục, môi trường làm việc...). Tôi cũng sẽ thử định nghĩa linh mục dựa vào những việc ông ta làm - nhưng đó cũng có thể là những việc mà người khác làm, nhất là khi khan hiếm linh mục.
➥ Đức Giáo tông tiền nhiệm Benedictus XVI gặp gỡ Lm Petrus Đặng Xuân Thành
Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra nếu giản lược linh mục vào các vai trò hay nhiệm vụ phải làm, dù đó là những vai trò hay nhiệm vụ không thể thay thế được trong cộng đoàn? (...)
Như vậy, các quan điểm trên chỉ có giá trị bổ túc; còn nếu muốn hiểu đúng bản chất sâu xa của linh mục thì phải dựa vào ĐỨC TIN. Vượt lên trên những gì có thể quan sát hay nắm bắt được về người linh mục, bản chất sâu xa của linh mục vẫn vô hình và chỉ khi nào nhìn bằng cặp mắt của Đức Ki-tô mới trông thấy. Sở dĩ thế là vì ngọn nguồn của chức linh mục nơi người này hay nơi người kia là tiếng gọi và sự sai phái của Đức Ki-tô: linh mục được Đức Ki-tô mời gọi và sai đi làm một nhiệm vụ đặc biệt là làm sao cho trong Giáo Hội là Thân Thể của Người luôn có sự hiện diện của Đức Ki-tô trong tư thế là Đầu hay Thủ Lãnh để cứu độ và thánh hóa con người.
Chính vì thế, linh mục sẽ mãi mãi là con người mâu thuẫn vì vừa làm chi thể của Đức Ki-tô như tất cả mọi người đã chịu phép Rửa, vừa làm người thay mặt Đức Ki-tô trong tư thế là Đầu hay Thủ Lãnh. Vừa được chọn giữa loài người vừa được đặt lên làm người đứng đối diện với loài người ngay giữa loài người. Vừa gắn bó chặt chẽ với cộng đoàn vừa cô độc không kém khi một mình lên núi cầu nguyện, vừa liên đới với dân vừa đứng trước mặt dân. (...)
Sự mâu thuẫn hay căng thẳng này, linh mục chỉ có thể đảm nhận được dựa vào mầu nhiệm nhập thể nghịch lý của Đức Ki-tô và phỏng theo cách Ngài đã trải qua mầu nhiệm ấy. (...)
Nhưng có phải như thế linh mục sẽ trở nên cao trọng hơn các người khác không? Không, ở đây chúng ta không đứng trên quan điểm lớn hay nhỏ, cao trọng hay thấp hèn, mà là trên quan điểm khác nhau chỗ nào, đặc thù ở điểm nào. Làm linh mục là được Đức Ki-tô hiện diện nơi mình một cách khác, không phải như khi làm giáo dân, như khi chịu phép Rửa. Nhưng có khác tới đâu, linh mục cũng không đương nhiên được bảo đảm khỏi yếu đuối, dốt nát, sai lầm và tội lỗi.
Chỉ có một điều duy nhất được bảo đảm, bất kể linh mục thế nào, đó là hiệu quả của CÁC BÍ TÍCH mà linh mục cử hành: tội lỗi của linh mục có lớn tới đâu cũng không làm vô hiệu một hành vi bí tích.
Còn mọi việc làm khác của linh mục đều mang dấu vết của sự bất toàn và tội lỗi. Chính vì thế, linh mục phải hoán cải bản thân mình hằng ngày và dùng việc suy niệm, học hỏi, kinh nghiệm sống để có thể có được ơn biết phân định đâu là cái sẽ góp phần xây dựng cộng đoàn, đâu là cái sẽ đẩy cộng đoàn tới chỗ phá sản.
(Còn tiếp)
Nguồn: Nguyễn Chương
Bài về chủ đề Tu sỹ: