Báo Tuổi Trẻ ngày 2 tháng 5 năm 2019 loan tin, tại tòa đàm Giáo dục diễn ra ở Sài Gòn, Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thanh Bình, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho biết, nếu nền giáo dục Việt Nam cứ giữ như hiện tại, thì Việt Nam đang đi ngang, còn các nước khác thì đi lên, nên khoảng khách giữa Việt Nam và các nước sẽ càng xa.
Ông Bình nói thêm, so với các nước xung quanh, giáo dục Việt Nam còn chênh lệch. Nhưng bộ Kế hoạch- đầu tư lại báo cáo, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, các tổ chức đánh giá là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới nằm ở khu vực Đông Á- Thái Bình Dương! Phản bác lại thông tin này, hiệu trưởng một trường đại học tại Sài Gòn đã nói, giáo dục Việt Nam thuộc dạng kém nhất thế giới chứ không phải tiên tiến nhất thế giới, và cho rằng cách đổi sách giáo khoa và chương trình của Việt Nam rất lạ lùng. Vị này còn cảnh báo, nếu không thay đổi, trong năm năm nữa Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu hơn.
Tương tự nhận xét trên, Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm cho rằng, nếu nói giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới thì còn hiểu được, chứ top 10 tốt nhất thì khó hiểu. Bởi vì đây là nền giáo dục mang nặng tính đối phó, thành tích. Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc sở Giáo dục TPHCM nhận định, các giáo viên không dở nhưng lương bổng cho giáo viên rất thấp. Mức thù lao mà các giáo viên nhận được chỉ bằng 10% so với mức thuê một giáo viên ngoại quốc. Điều này đã khiến nhiều giáo viên giỏi nghỉ việc ở trường để ra ngoài dạy.
An Nhiên (theo STBN)
Bài về chủ đề Giáo dục: