Chuyện này tôi nói hoàn toàn nghiêm túc, không đùa.
Chỉ trong vòng 50 ngày tính đến giữa tháng 5.2019, lượng ma túy, nhất là ma túy đá, bị bắt giữ trong 5 vụ án lớn đã vượt quá tổng lượng ma túy thu giữ được trên toàn quốc trong cả năm 2018. Xâu chuỗi các vụ án ma túy nghiêm trọng này, chúng ta thấy gì?
Khoảng 13h30 chiều 20.3, tại một khu vực dân cư ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, Công an đã bắt một xe tải chứa khoảng 300kg ma tuý đá. Ngay sau đó, 7 điểm khác nhau ở Sài Gòn và tỉnh Đắk Nông bị khám xét. Công an đã bắt giữ 11 đối tượng gồm 3 người Việt Nam và 8 người Trung Quốc.
Ngày 27.3, CSGT An Sương chặn hai chiếc ô tô, phát hiện và bắt giữ 895 bánh heroin, khoảng 300 kg, do Trần Vỹ, một người Đài Loan Trung Quốc đã 3 lần nhập cảnh vào Việt Nam chở đi giao. Chủ hàng cũng là một người Đài Loan, 37 tuổi. Hai người này thuê kho ở huyện Dĩ An, Bình Dương để tập kết và buôn lậu ma túy. Đường dây này do 4 người Đài Loan cầm đầu. Trước đó khoảng 1 tháng, chúng đã chuyển khoảng 300 kg ma túy từ kho ở Dĩ An sang một khách sạn ở quận 10, TP Hồ Chí Minh, sau đó chuyển về nhà xưởng ở xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn đóng vào container gửi theo đường biển về Đài Loan trong 5 thùng, dưới mác nhãn trà của Trung Quốc.
Chiều 15.4, Công an Hà Tĩnh thu giữ 600 kg ma túy đá tại thành phố Vinh, bắt 3 đối tượng. Nếu trót lọt, số ma túy này cũng sẽ được chuyển giao cho khách hàng là người Đài Loan.
Hai ngày sau, 17.4, Công an Nghệ An phát hiện và thu giữ 23 bao tải, khoảng 700kg ma túy đá tại cánh đồng muối ở xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu. Đêm đó, khám xét nhà kho cất giấu ma túy ở xóm 1, xã Quỳnh Hồng, cùng huyện Quỳnh Lưu, cách 10km, cảnh sát thu thêm 36 kg ma túy đá vương vãi nữa. Bốn đối tượng bị bắt đều đã từng đi lao động xuất khẩu tại Đài Loan. Ma túy, nếu không bị bắt, sẽ được giao cho khách Đài Loan. Chúng được đóng gói thành bao trà, đóng vào loa thùng cùng kiểu cách với số ma túy bắt được tại Vinh hai ngày trước.
Ngày 19.4, CSGT chặn bắt trước hầm Thủ Thiêm hơn 1,1 tấn ma tuý đá, bắt tại chỗ hai người Đài Loan là Yeh Ching Wei (33 tuổi) và Chiang Wei (31 tuổi). Kẻ cầm đầu được xác định là Wu He Shan (57 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), từng ở Việt Nam suốt 10 năm, thành lập doanh nghiệp làm bình phong buôn lậu ma túy tại quận Bình Tân. Ma túy cũng được ngụy trang trong vỏ bao trà Trung Quốc, đóng vào loa thùng theo một cách thức giống hệt các vụ bắt ở Nghệ An. Ngoài ra, khi khám kho của một đối tượng người Việt liên quan là Bùi Nguyễn Huy Vũ (38 tuổi) ở Phú Nhuận, Công an còn thu giữ được thêm hơn 1kg ketamine.
Ngày 11.5, một lượng ketamine khủng tới 500 kg, trị giá gần 500 tỉ đồng đã bị bắt tại một kho hàng ở Bình Chánh. Lần này, ketamine không được chuyển đi dưới dạng tinh chất mà chuyển sang dạng sệt, đựng trong các bao nilon lớn đặt trong thùng nhựa. Đường dây ma tuý do Liu Ming Yang (cầm đầu. Bị bắt quả tang khi đang nhận hàng gồm Jhu Minh Jyun và người tình Nguyễn Thị Thu Vân (đều là người Đài Loan), Tô Gia Mỹ (quốc tịch Trung Quốc) trong vai trò phiên dịch và giúp việc. Ông trùm Liu Ming Yang (34 tuổi, người Đài Loan) đang ẩn náu tại một khách sạn trên đường Cộng Hoà, quận Tân Bình cũng bị bắt giữ ngay sau đó.
Tổng cộng có tới hơn 3 tấn Methamphetamine, 300 kg Heroin và 500 kg Ketamine đã bị bắt trong chưa đầy 2 tháng. Tên tuổi của những tên tội phạm người Trung Quốc trong vai trò người tổ chức và kẻ ăn hàng xuất hiện trong cả 5 vụ. Chủng loại hàng, đường đi, cách thức đóng gói, ngụy trang và cách chuyển – nhận gần như đều giống nhau, như thể chúng chung dòng chảy của một tập đoàn tội phạm quốc tế đang ráo riết hoạt động. Đáng chú ý, cả 5 vụ đều bắt hàng không thiếu một gam nhưng chưa vụ nào bắt được tiền mua hàng. Ông trùm của mọi ông trùm cho đến nay vẫn chưa lộ diện (hoặc công an đã nắm rõ nhưng tôi thì không biết).
Giả sử kho hàng được thiết lập tại những địa phương đã được công nhận hưởng quy chế đặc khu - vấn đề gây tranh cãi, phản đối, thậm chí gay gắt đến mức châm ngòi thành bạo loạn gây rối trong năm 2018 - liệu việc phát hiện bắt giữ của cơ quan công an có thể thực hiện được tốt như những chiến công vậy không? Không muốn sa vào vũng lầy ngụy biện tiên tri, song trong câu chuyện này, với tôi, hỏi tức cũng đã là trả lời: không dễ và không thể. Nỗi ám ảnh đe dọa và những vụ bắt giữ ma túy khối lượng khổng lồ đang củng cố thêm cho cá nhân người viết bài này một niềm tin vững chắc: dứt khoát phải phản đối luật đặc khu. Không thể chấp nhận rước các tập đoàn tội phạm quốc tế, dễ thấy nhất là từ Trung Quốc, về tác oai tác quái trên đất Việt suốt 70 năm, 99 năm và hệ lụy thì còn lâu hơn thế nữa, không tẩy nổi.
Đáng mừng, chiều nay, 17.5, khi được hỏi về dự luật Đặc khu, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội đã trả lời: “Chính phủ vẫn đang trong quá trình tiếp tục hoàn chỉnh dự luật, khi nào Chính phủ thấy chín muồi thì sẽ trình sang Quốc hội”. Có thể hiểu, nói như vậy nghĩa là vấn đề chưa “chín” lắm, chưa đến lúc. Luật Đặc khu sẽ tạm thời chưa được đưa ra xem xét trong chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội lần này. Thật là đáng thở phào. Và tin chắc, chuyện “hoàn chỉnh” và “chín muồi” sẽ còn lâu lắm, càng lâu càng tốt, thậm chí “còn vướng mắc” nên không bao giờ có thể được trình càng tốt.
Giải thích bằng ngôn từ thế nào, đó là chuyện đại nghị của Quốc hội. Còn với những người dân như tôi, miễn đừng bao giờ nhắc đến Luật đặc khu nữa thì đã đủ cảm thấy an toàn và sung sướng lắm rồi!
Muốn nói như Lý Thường Kiệt ngày xưa, rằng: “Dụng quảng gian tri, thiết tự tư lượng, mạc hoài chấn bố”!
Nguyễn Hồng Lam
Bài về chủ đề Hù doạ-Nguy cơ: