Nghĩa trang quân đội Biên Hoà (1966 - 1975) đã chôn khoảng 10.000 mộ tử sĩ (thiết kế cho 16.000 mộ), trong đó có khoảng 70% tử sĩ theo đạo Phật và thờ cúng ông bà.
Nhà tang lễ chia làm 3 dải, từ ngoài nhìn vào, bên phải là Phật giáo, bên trái là Công giáo, ở giữa là sĩ quan.
Đầu tháng 12/1972, thằng bạn cùng khoá 3/72 sĩ quan Thủ Đức đi chiến dịch tử trận, tôi phải đi gác linh cửu nó hai ngày.
Lúc đó, 3 mặt trận mùa hè đỏ lửa (Bình Long, Kontum, Quảng Trị) đã lắng dịu, nhưng quan tài tử sĩ rất đông, bên Phật giáo chừng 70 hòm, bên công giáo khoảng 30 hòm.
Bên Công giáo có một linh mục tuyên uý mặc áo thụng đen cầm tô nước và đoá hoa, đứng trước đầu hòm vẫy nước và đọc kinh. Chừng 30 phút cha làm lễ xong 30 quan tài.
Nhưng bên Phật giáo, vị đại đức tuyên úy phải tụng kinh cúng cơm cho từng quan tài mất tổng cộng hơn hai tiếng.
Mặc dầu hòm tử sĩ đều được bọc tole tráng kẽm và hàn chì bên trong, nhưng cả trăm hòm gây ra mùi thối kinh khủng.
Thân nhân quỳ cúng cơm tử sĩ chừng 10 phút là bỏ về nhà nghỉ, chứ không dám đứng gần hòm.
Vậy mà nhà sư và hai anh lính hầu bàn vong phải chịu mùi hôi suốt 5 tiếng/ngày (cúng cơm trưa và chiều).
Tôi rất quý trọng nhà sư chừng 40 tuổi rất mẫn cán vì tử sĩ.
Mới đây, tôi gặp thằng em tên Đảm pháo binh Sư Đoàn 7, cho biết bố vợ hắn là bạn thân vị sư này.
Ngài là cố hoà thượng Thích Thanh Bối (1928-1994), với cấp bậc đại úy tuyên úy Phật giáo, trụ trì chùa Hải Đức (Phú Nhuận), mỗi sáng có jeep chở thầy lên nghĩa trang quân đội, đến chiều tối xe jeep mới chở thầy về chùa.
Sau 30/4/1975 thầy đi học tập cải tạo 2 năm, rồi trở lại chùa Hải Đức tu cho đến ngày viên tịch.
Hiện nay cốt của ngài được chôn trong ngôi tháp bên trái sân chùa.
Hôm nay, sắp đến ngày thua cuộc, tôi đến thắp nhang và lạy thầy 4 lạy để tỏ lòng tri ơn thầy đã dày công tụng niệm cho 7.000 tử sĩ đã bỏ mình để bảo vệ nền tự do mong manh và ngắn ngủi.
Mai Bá Kiếm
Bài về chủ đề Lịch sử-Truyền thống: