Khi khởi sự thì khiêm tốn, nhưng Giáo hội Công giáo đã tăng số rất nhiều trong hai thiên niên kỷ vừa qua, lan rộng trên khắp địa cầu. Đức tin Kitô giáo là niềm tin tôn giáo được thực hành rộng rãi nhất, chiếm khoảng gần 1/3 dân số thế giới, và giữa rất nhiều tông phái, thì Giáo hội Công giáo được kể là lớn nhất, với khoảng 1,285 tỷ tín hữu.
Trong khi Trung Đông là vùng đất mà Công giáo đã khởi phát, và người Rôma giúp loan truyền rộng rãi đến Châu Âu, thì phần đa biết đến Lời của Đức Kitô nhờ vào những nhà truyền giáo Châu Âu. Mặc dù vị thế về mặt đời của Giáo hội đã thay đổi kể từ thời Trung Cổ, nhưng đức tin thì vẫn mãi là một nguồn trợ lực mạnh mẽ giúp hướng đạo cho rất nhiều người.
Dưới đây là 10 quốc gia (Top Ten) có số tín hữu Công giáo đông đảo nhất trên thế giới:
#10. Cộng hoà Dân chủ Côngô — 28.700.000 tín hữu Công giáo
Quốc gia cực nam của vùng Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Côngô (trước đây là Daia) giành được độc lập năm 1960. Đáng tiếc, kể từ đó quốc gia Phi Châu này đã rơi vào tình trạng hỗn loạn trong nhiều năm, hứng chịu nhiều tang thương từ những cuộc nội chiến và các cuộc chiến lục địa. Giáo hội Công giáo đã tích cực chung tay giúp sức, xây trường học, bệnh viện, đồng thời cũng đóng vai trò trung gian hoà giải giữa chính phủ và các đảng kín. Kitô giáo là tôn giáo chiếm đa số tại đất nước này. Theo các cuộc khảo sát gần đây, các Kitô hữu chiếm 93,7% dân số, trong đó tín hữu Công giáo chiếm 29,7%: xấp sỉ 35 triệu người.
#9. Tây Ban Nha — 32.364.000 tín hữu Công giáo
Kitô giáo ở Tây Ban Nha cũng có tuổi đời xa xưa như chính Kitô giáo vậy. Có một sự kiện được nhiều người biết đến là, thánh Phaolô từng có ý định đến thẳng Tây Ban Nha, như đã được nói rõ trong chương 15 thư gửi tín hữu Rôma của thánh nhân (từ câu 24 – 28). Một số thứ kinh (extra biblical text), gồm Quy điển Muratori và thư thứ nhất của thánh Clêmentê gửi các tín hữu Côrintô, đều viết rằng, thánh Phaolô thật sự đã đi đến “mút cùng Phương Tây”. Tuy nhiên, nếu như sự hiện diện của thánh Phaolô ở Tây Ban Nha là một vấn đề còn tranh cãi, thì sự hiện diện của thánh Giacôbê, con ông Dêbêđê (từ “Santiago” thật ra, là một biến thể của cụm từ “Sanctu Iacobu” trong bản Kinh thánh Latinh Vulgata, có nghĩa là “thánh Giacôbê”) là sự kiện mà hết thảy mọi con dân Tây Ban Nha đều trân quý lưu giữ trong tâm lòng mình: người ta tin rằng, chính thánh Giacôbê đã rao giảng Tin Mừng quanh bán đảo Ibêri (là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hiện nay), và thi thể của ngài sau này được đem từ Giêrusalem (là nơi ngài bị chém đầu) về Compostela (Santiago de Compostela Cathedral, nhà thờ chánh toà Santiago).
#8. Ba Lan – 33.037.017 tín hữu Công giáo
85,8% dân số Ba Lan tự nhận là Công giáo. Việc Kitô giáo hoá Ba Lan bắt đầu khi vua Mieszko I (vương triều Piast) rửa tội vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh năm 966. Đến thế kỷ XIII, Công giáo đã trở thành tôn giáo phổ thông nhất tại quốc gia này, các tín hữu Công giáo Ba Lan chung sống bên cạnh một cộng đồng Do-thái giáo đáng kể, đến Thế chiến II, chiếm tới 10% dân số. Đất nước này đã sản sinh ra các vị thánh như: thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, thánh Faustina Kowalska, thánh Maximilian Kolbe và nhiều vị thánh khác; và đất nước này đã coi các ngài như những biểu tượng mạnh mẽ cho thấy đức tin của mình.
#7. Côlômbia – 36.000.000 tín hữu Công giáo
Công giáo đến Côlômbia năm 1508, và giáo phận đầu tiên được thiết lập trên đất nước này năm 1534. Giống như tại hầu hết các vùng trước đây là thuộc địa Tây Ban Nha, Giáo hội Công giáo (trong thời kỳ đầu thuộc địa, các tu sỹ Dòng Phanxicô, Dòng Đa Minh, và Dòng Âu-tinh đóng vai trò chính yếu) chẳng những xây dựng nhưng còn giúp điều hành các cơ sở công, bao gồm các cơ sở giáo dục (các trường học, cao đẳng, đại học, thư viện), các cơ sở chăm sóc sức khoẻ (các bệnh viện, viện cô nhi, các bệnh viện dành cho người cùi) và thậm chí cả nhà giam. Hiện nay, có 52 địa phận và 120 tổ chức Công giáo trên đất nước này.
#6. Pháp – 44.000.000 tín hữu Công giáo
Một truyền thuyết lâu đời cho rằng, cô Maria vùng Bêtania, cùng với người chị là cô Mátta, anh Ladarô cùng với một số người bạn, vì bị bách hại tại Đất Thánh đã băng qua Địa Trung Hải và đặt chân đến mạn Nam của nước Pháp, gần Arles. Truyền thuyết vùng Provençal cho rằng, ông Ladarô trở thành giám mục tiên khởi của Marseille. Thế nhưng bản ghi chép đầu tiên của các Kitô hữu ở Pháp thì có tuổi vào quãng thế kỷ II, khi thánh Irênê mô tả chi tiết cái chết của vị giám mục 90 tuổi Pothinus của địa phận Lugdunum (Lyon ngày nay) cùng với các vị tử đạo khác, trong cuộc giết hại 177 người ở Lyon. Sau đó vài thế kỷ, vào năm 496, thánh Remigius rửa tội cho vua Clovis I, là vị vua được coi là cha đẻ của nước Pháp.
#5. Ý – 50.474.000 tín hữu Công giáo
Kitô giáo đến Ý ngay từ thế kỷ I, hầu hết các sử gia đều cho rằng, rất có thể do các con buôn và binh lính trong quân đội La Mã. Lá thư mà thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Rôma, chính là bằng chứng cho sự hiện diện của các Kitô hữu Rôma, ngay trong những ngày đầu khai sinh Kitô giáo. Các cộng đoàn này cũng là những người sát cánh cùng với thánh Phêrô và thánh Clêmentê. Thánh Clêmentê là vị giáo hoàng người Ý đầu tiên, là người chắp bút viết lá thư gửi cho cộng đoàn tín hữu tại Côrintô năm 96.
#4. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ – 71.000.000 tín hữu Công giáo
Hoa Kỳ đón nhận Công giáo với dòng người từ Tây Ban Nha đến Floria, Georgia, cũng như California, thánh Junípero Serra, một tu sĩ Phanxicô chính là một nhân vật có đóng góp quan trọng trong tiến trình này. Người Pháp cũng giúp cho Công giáo được hiện diện tại Louisiana, Alabama, Arkansas, Illinois, và Michigan, mặc dầu rất lâu sau đó, tức là vào thế kỷ XVIII, cùng với di dân Đức và Anh. Đức tin tiếp đến được kiện cường thêm ở vùng cực Bắc nhờ di dân Ý và Aixơlen trong thế kỷ XIX và XX, cũng như bởi những dân cư Đông Âu mới đến, hay ngày nay là cộng đồng La-tinh và Philíppin.
#3. Philippine – 85.470.000 tín hữu Công giáo
Công giáo đến quần đảo Philippine nhờ các nhà truyền giáo và thực dân Tây Ban Nha, họ đã đến đây hồi đầu thế kỷ XVI tại Cebu. Ngày nay, đảo quốc này là một trong hai quốc gia Châu Á có đa số dân theo Công giáo, cùng với Đông Timor. Theo những điều tra gần đây, 81,4% dân số của đất nước này tự nhận mình là tín hữu Công giáo.
#2. Mêxicô – 98.820.000 tín hữu Công giáo
Công giáo đến Mêxicô nhờ những người khai phá, xâm chiếm Châu Mỹ, cũng như các nhà truyền giáo đến từ Tây Ban Nha, hồi đầu thế kỷ XVI, trong đó có một vị linh mục đã đặt chân đến bán đảo Yucatán năm 1519, với tư cách là thành viên trong đoàn thám hiểm do Hernán Cortés tổ chức, tại nơi mà ngày nay chúng ta gọi là cảng Veracruz (nghĩa là “Thánh Giá Thật”). Vài năm sau, năm 1524, mười hai tu sĩ Phanxicô cũng đến Mêxicô, sau này họ được gọi là “Los Doce” (nghĩa là “Nhóm Mười Hai”, danh xưng này rõ ràng muốn so sánh, ám chỉ tới 12 môn đệ của Đức Kitô). Dòng Đa Minh đến Mêxicô năm 1526, tiếp đến là các tu sĩ dòng thánh Âu-tinh vào năm 1533.
#1. Brazil – 126.880.000 tín hữu Công giáo
Tương truyền, thánh lễ đầu tiên được cử hành trên vùng đất Brazil là lễ Chúa nhật Phục sinh, năm 1500. Tuy nhiên, giáo phận đầu tiên được người Bồ Đào Nha thiết lập trên vùng đất này vào năm 1551. Trong giai đoạn thuộc địa, các giáo khu Công giáo chống lại chính sách triệt hạ dân bản địa của chính phủ Bồ Đào Nha, điều này dẫn đến việc triệt tiêu Dòng Tên hồi thế kỷ XVIII. Khi quốc gia này giành được độc lập hồi thế kỷ XIX, cộng đoàn tín hữu Công giáo Ibêri (gồm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) đón nhận thêm số đông tín hữu là di dân đến từ Ý, Ba Lan và Đức. Ngày nay, Brazil là quốc gia có số tín hữu Công giáo đông đảo nhất, mặc dù họ chỉ chiếm 61% tổng dân số Brazil.
J-P Mauro
Chuyển ngữ: Nhóm phiên dịch Mai Khôi
https://aleteia.org