Người ta cứ bảo bỏ Tết đi. Giời ạ, Tết có tội tình chi mà buông bỏ? Người ta lý sự, Tết ngày càng mất đi phong vị. Than ôi, Tết vẫn nguyên si mà, mất đi phong vị là bởi chúng ta vô vị đấy thây.
Gớm chết chết, từ lúc cắt rốn cho đến khi vào hòm, ai cũng mong tỏ tường rằng Tết nay ai về ai ở? Thần tình lắm nên người ta luôn hỏi, rắn rỏi hoặc mềm nhũn ra. Ấy là cái thế tình vậy, đôi lúc mỉa mai và có thể rông dài.
Tớ đi gần hai mươi năm và chưa từng ăn Tết nơi phố thị đúng ngày 30. Không phải tớ ghét bỏ gì chốn ấy mà bởi phận con hư nên Tết nhất phải về với song thân. Chả lo được gì đâu nhưng đỡ đi cái tiếng mất mặt. Cho cả tớ và cả những bề trên, với vô khối nhiêu khê và cũng lắm nỗi niềm.
Cứ 3 năm một lần quãng mùng 5 là tớ về với mẹ theo đúng cái lối vội vã giở về rồi vật vã ra đi. Năm nào cũng vậy, mồng hai Tết lại đã tất tả ngược xuôi bởi còn nhiều chốn nhiều nơi cần giá đáo. Sự ấy đã thành lệ chứ chả phải nhiêu khê gì. Gớm, mỗi năm có một ngày tốt, ngày tốt cho ta gặp nhau. Há chẳng phải là chân chính lắm?
Nhưng chân thành mà nói, năng gặp không hẳn đã hay. Cái thói của người xứ ta buồn cười lắm, là chả mấy khi hỏi nhau sức khoẻ có dồi dào mà tinh đi soi mói hầu bao hay chức tước. Những người rủng rỉnh xu hào hay vai vế thời còn có dịp mà phô phang, chứ như hạng tớ đây gái xa thì ngượng ngùng xấu hổ rất. Ấy là chửa kể những kẻ bông phèng thời còn chả biết ăn nói ra sao. Thành ra buồn bã lắm í...
Tết nay chắc phố phường một phen bởi nghe nói những ngày này Hà thành thần thánh lắm. Là sự vắng vẻ, trầm mặc và đôi chút cô liêu. Khác xa với cái bản mặt ồn ào, bụi bặm và vô pháp vô thiên thường nhật. Nhưng chính yếu nhất là đáp cái lễ nghi với bậc song thân đẻ ra con “vịt gốc” nhà tớ. Nhà neo người nên tết nhất năm nào cũng chỉ mỗi hai thân già lủi thủi, cám cảnh ra trò. Là nhẽ định thế thôi chứ đến cận ngày lòng lại chộn rộn muốn về chốn chôn rau. Cái thời khắc, cái khí tiết nó làm động lòng ghê gớm lắm.
Hôm nay ở quê nhà đã là ngày hăm ba tháng chạp, Tết đang đủng đỉnh đến nhưng thiên hạ thời hối hả lắm. Hỡi loài người thông minh, sao lại dại dột chạy đua với thời gian và xuẩn ngốc so kè cùng Tết? Hãy thong thả nhẩn nha mà hoà mình với đất trời cho hồn xuân phơi phới, thế có phải thuận thiên không?
Là cứ ăn nói hàm hồ thế, chứ tớ biết thời gian nào có đợi chờ ai bao giờ. Chẳng vắt chân lên thời thành ra lạc hậu rồi lại trơ gan cùng với tro tàn thôi. Có ông thi sĩ nào đó còn réo rắt, rằng nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ bởi sợ những mầm non chưa kịp hái đã vấp phải những tàn phai.
Đang sửa cái lễ nhạt tiễn Táo chầu giời thời mẹ tớ gọi qua. Ngôn lời lại như bao Tết xưa, rằng hôm nao thì về? Giời ạ, hóa ra cái nỗi lòng của người già cũng tha thiết lắm. Tớ biết mẹ mong chúng tớ về để khoe. Không phải khoe cái sự công thành danh toại của chúng tớ. Mà là khoe con, khoe cháu…
Bởi đó là thứ tài sản quý giá nhất mà bà làm ra trong suốt bảy mươi mùa qua.
Trịnh Túc Mạch
Bài về chủ đề Tản văn: