Đây là một phần trong “Nhật ký Truyền giáo” rất sống động của thầy phó tế Cao Viết Tuấn, CM (Dòng Vinh Sơn). Những điều mà chúng ta vẫn quen tưởng như là thiệt thòi, chậm tiến ở một xó góc nào đó trên quả địa cầu này, có khi, thực ra, lại chính là phần hoang sơ, nguyên tuyền địa đàng hết sức quý báu còn sót lại trên cái trần gian đầy phức tạp, nhiễu nhương đến buồn cười này... Chúng ta cùng chúc thầy luôn mạnh giỏi nơi “tuyến đầu” nhiều chuyện lạ lùng và thú vị này.
➥ Ảnh một góc làng, rất bình yên (khi không có “Đánh nhau”!)
Ở đảo, một trong những cảm nhận làm mình rất thích, và cũng sẽ khó tìm được ở đâu khác, đó là một bầu không khí rất nguyên sơ.
Trong buổi hoàng hôn chập choạng, đi trên những đoạn đường vắng, không thể nhận ra bất cứ một vết tích nào của văn minh, của cơ giới, của khói bụi công nghiệp... mình thích hít thật sâu như để hút lấy thêm và để cảm nhận nhiều hơn một cái gì đó rất mát mẻ, tươi mới, rất tinh khiết, rất nguyên thủy. Một cảm giác lâng lâng khó tả, và cũng sẽ là khó hình dung đối với những ai đang sống trong xã hội hiện đại. Những lúc đó mình hay nghĩ, có lẽ bầu không khí ấy đã có từ hàng ngàn năm nay và nó vẫn chưa bị xâm hại bởi những cái gọi là văn minh hiện đại.
Ở đảo Trobriand, tiền hiện đại chỉ mới được đưa vào gần đây với một lượng nhỏ, bởi vì đời sống người dân trên đảo khép kín, mọi giao dịch trao đổi chủ yếu giữa người dân trên đảo với nhau. Do đó, người dân vẫn xài tiền truyền thống là lá chuối khô và vỏ ốc biển.
Đây là một loại lá chuối đặc biệt (mình chưa hiểu nó đặc biệt thế nào), được hái về, xét thành miếng, phơi khô và xếp lại thành từng xấp. Khi cần, người ta mang những xấp lá chuối khô này đi đổi lấy cá, khoai, bắp ... Và để cưới chồng, các cô gái cũng mang loại tiền này, cùng với khoai mỡ, đến nhà vị hôn phu để trao đổi.
Trong hình là một cô gái đội một thau “tiền tươi”!
Quả thực, mọi thứ ở đây vẫn giữ nguyên nét ban sơ của một xã hội loài người xa xưa. Xem lại những đoạn phim tài liệu về Trobriand 40-50 năm về trước, mà cho dù cả trăm năm về trước đi nữa, quang cảnh, nhà cửa, tính cách, cách làm vườn, các tập tục, tổ chức cộng đồng và lối sinh hoạt của người dân lúc đó vẫn còn được giữ gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Và rất có thể 20-30 năm nữa, mọi thứ cũng sẽ chẳng khác đi bao nhiêu.
Mình cảm thấy may mắn khi được sống được trải nghiệm trong bầu khí như vậy, được trở về với lối sống trước đây thậm chí cả trăm năm, trở về với cái thời mà tổ tiên mình đã từng sống. Đôi khi mình cảm thấy giống như những nhân vật trong phim giả tưởng trở về quá khứ: ngỡ ngàng với một lối sống nguyên sơ tới mức xa lạ, và kể những câu chuyện về thế giới hiện đại khiến người dân ngỡ ngàng đến nỗi không tin (ví dụ họ không tin con nít 2 tuổi đã đi học với chi phí ngang với một sinh viên đại học).
➥ Con nít ở đây, từ 2-3 tuổi đã hưởng một sự tự do gần như hoàn toàn. Chúng có thể leo trèo, tắm biển, tắm mưa hay chơi bất cứ trò chơi nào chúng muốn mà không có bất cứ sự kiểm soát hay trông nom của người lớn.
Mình vẫn hay suy nghĩ, dẫu biết rằng cuộc sống nào cũng có hai mặt, không thể tìm thấy thiên đường trên trần gian, nhưng liệu cuộc sống văn minh hiện đại ngoài kia đem lại hạnh phúc và bình yên cho con người hơn cuộc sống nguyên thủy nơi đây chăng?
Cao Viết Tuấn
Bài về chủ đề Khác lạ-Kỳ thú: