Nếu khái niệm ế” là một khái niệm không có thực thì tại sao phải “thoát ế”? Đúng vậy, bài viết này nếu nói một cách chính xác và nghiêm túc sẽ nói về việc làm cách nào để giải thoát mình ra khỏi nỗi ám ảnh “bị ế”. Trước hết, bạn phải hiểu rằng khái niệm “ế” chỉ đúng nếu bạn tự coi mình như một món hàng không còn giá trị. Áp lực “bị ế” thường đến từ bên ngoài nhiều hơn là từ bên trong của một người. Tôi biết nhiều bạn ở tuổi 30 dù chưa muốn lập gia đình vì một số lý do nhưng bị áp lực từ cha mẹ, dòng họ, bạn bè nên vội vã kết hôn hoặc tìm một người nào đó tìm hiểu qua loa rồi cưới. Những cuộc hôn nhân như vậy có thực sự mang lại hạnh phúc hay không thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu.
Nếu các bạn còn trẻ, có trình độ học thức và có tư duy đúng đắn, hãy tự giải thoát mình ra khỏi nỗi ám ảnh “bị ế” vì đây là một khái niệm hết sức lỗi thời và hạ thấp nhân phẩm của con người. Thay vì suốt ngày ủ rủ u sầu hay bị áp lực vì chuyện ế để rồi tìm mọi cách để thoát ế mà bất chấp hậu quả, hãy dành thời gian để làm những điều sau đây:
1. Tận dụng thời gian còn chưa có gia đình để làm những điều mình thích: Có một điều mà những người có ý định lập gia đình bắt buộc phải hiểu: lập gia đình là gánh vác lên mình những trách nhiệm to lớn chứ không đơn thuần là sống chung với người mình yêu. Khi đã lập gia đình, thời gian dành cho những sở thích hoặc nhu cầu cá nhân sẽ được hi sinh cho thời gian dành cho cái chung. Hãy tận dụng thời gian trước khi có gia đình để làm những điều gì mình muốn cho bản thân và có ý nghĩa như học một thứ mình thích, sưu tầm một thứ gì đó, chơi một môn thể thao, đi du lịch một mình hoặc với bạn bè thân, dành thời gian nhiều hơn cho bố mẹ hoặc những người thân trong gia đình và tích lũy một số tiền. Để khi đã quyết định bước vào cuộc sống hôn nhân, bạn sẽ không phải có quá nhiều hối tiếc về những chuyện mình muốn làm nhưng chưa làm được. Cái cảm giác chưa thỏa mãn được những nhu cầu của bản thân nhưng phải gánh vác trách nhiệm gia đình khiến nhiều người bị ức chế và trở nên sống ích kỷ hơn khi bước vào cuộc sống hôn nhân và là một trong những nguyên nhân lớn gây tan vỡ.
2. Tự đánh giá đúng bản thân mình: Như đã đề cập ở phần trên, một khi bạn tự cho rằng mình tới tuổi này mà vẫn chưa có ai rước là ế thì bạn đang tự đánh giá bản thân mình rất thấp. Chữ “ế” chỉ có thể dành cho một món hàng cũ kỹ, lỗi thời hoặc không có giá trị chứ không dùng cho con người. Phải hiểu rằng bạn không phải là một món hàng và không ai được quyền coi bạn như một món hàng vì nếu bạn là hàng ế, bạn sẽ tự hạ giá mình một cách thảm hại để được người ta mua. Để thoát ế, bạn sẵn sàng chấp nhận những người không xứng đáng hoặc sẽ kết hôn như một bổn phận cho vừa lòng người khác. Đó là một điều cực kỳ ngu ngốc. Điều bạn cần làm là đánh giá bản thân mình một cách nghiêm túc xem mình còn có điều gì chưa ổn mà điều chỉnh lại. Nếu bạn cảm thấy mình nói chuyện không thu hút, hãy học cách ăn nói có duyên hơn và nâng cao thường thức xã hội của mình. Nếu bạn thấy ngoại hình mình quá béo hoặc quá gầy, hãy tập thể dục để cân đối lại vóc dáng. Nếu bạn cảm thấy mình quá nhút nhát, hãy tập cho mình tự tin hoạt bát hơn.. Cách để thoát ế là nâng giá trị bản thân lên chứ không phải là coi bản thân như một món hàng tồn kho phải mang ra bán đại hạ giá.
3. Xác định đúng tầm quan trọng của tình yêu trong hôn nhân: Trong lịch sử loài người “tình yêu” là một khái niệm bị lợi dụng, hiểu lầm và quan trọng hóa quá mức cần thiết. Đứng ở góc độ khoa học mà phân tích, tình yêu đóng một vai trò nhất định trong đời sống của con người nhưng không phải là nhân tố quyết định tất cả. Có một số nguyên tắc về tâm lý học mà những người đang yêu phải nắm vững để tránh ngộ nhận và đi lạc lối:
a. Tình yêu chỉ là một mặt của cuộc sống như học tập, công việc, sở thích cá nhân...Nó không hề quan trọng hơn những điều khác và cũng không nên để cho nó quyết định những điều khác. Sai lầm lớn nhất trong đời của một người là để tình yêu chi phối tất cả những phương diện khác của cuộc sống.
b. Tình yêu cũng như những trải nghiệm khác trong đời sống sẽ có những sai lầm: sai đối tượng, sai thời điểm, sai hoàn cảnh... Nếu sai thì sửa thậm chí bỏ đi, không có lý do gì mà cứ phải bám lấy sai lầm dó để làm khổ mình.
c. Mối tình đầu có đẹp hay lãng mạn cách mấy cũng không đảm bảo gì được cho một cuộc sống hôn nhân viên mãn sau này. Trên thực tế, 95% các mối tình đầu sẽ tan vỡ một người trung bình sẽ trải qua từ 2-4 mối quan hệ nghiêm túc mới có đủ kinh nghiệm quyết định đi đến hôn nhân.
d. Người bạn nên kết hôn là người mang đến cho bạn cảm giác an toàn và tôn trọng nhất không phải là người mang cho bạn cảm giác say mê đắm đuối nhất.
4. Tập sống có trách nhiệm trước khi chuẩn bị kết hôn: Trước khi quyết định kết hôn, hãy tự hỏi bản thân mình rằng mình đã biết cách sống có trách nhiệm với bản thân và cho người khác chưa. Đừng vội kết hôn khi bạn vẫn chưa tự lo được cho bản thân mình mà vẫn còn dựa vào cha mẹ từng li từng tí. Đừng vội kết hôn khi bạn vẫn còn thích chơi bời shopping hay ăn nhậu với đám bạn bè mà chưa biết điểm dừng của mình. Đừng vội kết hôn khi bạn quen còn chưa kiểm soát được cái tôi đỏng đảnh và ích kỷ của mình để học cách kiềm chế cảm xúc và lắng nghe người khác. Đừng vội kết hôn khi bạn chưa sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với người khác mà vẫn còn thích làm mọi thứ theo ý mình.
5. Tìm hiểu rõ và thực hiện các nguyên tắc tình dục an toàn: Quan hệ tình dục sớm hay trải qua nhiều mối tình đều không có nghĩa là bạn hiểu hay có kinh nghiệm về tình dục an toàn. Cho dù là kết hôn hay sống thử, hãy tìm hiểu và thực hiện những nguyên tắc tình dục an toàn để bảo vệ cho mình và bạn tình của mình không mắc bệnh sinh dục hoặc có thai ngoài ý muốn. Các bạn nam đừng bị phim hoặc truyện khiêu dâm ám mà xem phụ nữ là công cụ tình dục và cũng đừng bị ba cái thứ lễ giáo gia phong vớ vẩn đóng khung suy nghĩ xem vợ mình là máy đẻ để duy trì nòi giống cho dòng họ mình. Hãy học cách tôn trọng cảm xúc của đối phương, đừng ích kỷ chỉ biết nghĩ tới ham muốn của bản thân. Điều quan trọng nhất trong tình dục là đồng điệu và chia sẻ về cảm xúc chứ không phải là thỏa mãn ham muốn thể xác.
6. Ổn định về kinh tế và công việc: Có hai nguyên tắc về kinh tế và hôn nhân mà những người nghĩ đến chuyện kết hôn cần biết. Đối với đàn ông, đừng kết hôn khi chưa ổn định về mặt kinh tế. Nếu tiền lương của bạn không đủ để chi tiêu mà còn phải ngửa tay xin tiền bổ mẹ, đừng cưới vợ. Tệ hơn nếu bạn chưa có công ăn việc làm thì hôn nhân tuyệt đối không phải là bước tiếp theo của cuộc đời bạn. Một người đàn ông không có khả năng đảm bảo kinh tế gia đình thì không có tư cách làm chồng làm cha. Còn đối với phụ nữ, cho dù yêu người kia cách mấy, đừng bao giờ hi sinh công việc của mình để về nhà làm nội trợ. Một khi bạn mất quyền tự do về kinh tế, bạn sẽ trở nên lệ thuộc vào chồng và phải chấp nhận những thói hư tật xấu của anh ta mà không dám bỏ. Cho dù không phải thế, hãy nghĩ đến những bất trắc có thể xảy ra như chồng bạn có thể bị bệnh tật, tai nạn ngoài ý muốn hoặc thất nghiệp. Lúc đó ai sẽ là người lo kinh tế? Sự hi sinh cho tình yêu và gia đình không có nghĩa là cho đi hết tất cả mà không biết giữ những thứ thiết yếu nhất của cuộc đời mình.
7. Bạn từng nghe qua thuật ngữ “Sapiosexual” chưa? Những bạn nào không được tự tin về ngoại hình của mình cho lắm nên biết đến thuật ngữ “sapiosexual” để biết rằng mình không hề bị bít cửa trong việc tìm chọn người bạn đời. Trong thế giới tràn ngập những hình ảnh “trai xinh, gái đẹp” “hot boy, hot girl” trên phim ảnh và các phương tiện truyền thông ngày nay, con người rất dễ có cái nhìn không đúng đắn về bản thân và các mối quan hệ nhất là các cô gái trẻ. Họ thường cho rằng mình phải có dáng chuẩn với số đo ba vòng như cô diễn viên này hay gương mặt V-line như cô người mẫu kia thì mới có cơ hội tìm được người yêu. Và dĩ nhiên người bạn trai trong mắt họ cũng phải là những anh cao trên 1m8, bụng sáu múi và gương mặt giống một diễn viên Hàn Quốc nào đó. Điều này khiến cho các chàng trai cô gái tập trung quá nhiều vào việc nâng cấp sắc đẹp của mình mà quên đi rằng trí thông minh cũng là một thứ vũ khí hấp dẫn người khác giới. “Sapiosexual” là một thuật ngữ chỉ sự hấp dẫn người khác phái không phải do vẻ bên ngoài mà là do kiến thức uyên bác và sự chín chắn về mặt nội tâm. Những người có trình độ cao thường sẽ bị cuốn hút và có khuynh hướng gắn kết với những người hiểu biết rộng, tinh tế, nói năng lưu loát, hài hước và biết kiềm chế cảm xúc hơn là những chàng trai cô gái có vẻ bề ngoài nóng bỏng nhưng sáo rỗng và nhạt nhẽo chỉ biết ăn chơi. Vì vậy, bên cạnh thời gian dành để nâng cấp ngoại hình, đừng quên nâng cấp tư duy và trình độ của bản thân. Khoa học đã chứng minh, những mối quan hệ của những cặp “sapiosexual” sẽ nghiêm túc và hạnh phúc hơn những mối tình cổ tích của các cặp trai xinh gái đẹp, thể loại mà các phương tiện truyền thông muốn bạn tin vào.
Nói tóm lại, nếu bạn đã đến tuổi có đôi có cặp mà vẫn chưa tìm được ý trung nhân thì đừng bấn loạn hoặc đừng vì sức ép của gia đình, dòng họ hoặc xã hội rồi tự gắn cho mình một cái mác “ế” và từ đó đại hạ giá bản thân đến thê thảm như của ôi của thiu ngoài chợ hòng được người rước. Ngược lại, nếu biết tự mình nâng giá trị bản thân, bạn sẽ nhận được những điều xứng đáng với sự kiên nhẫn và nỗ lực của mình. Hãy nghiêm túc xem xét lại về bản thân mình, học hỏi những thứ cần học hỏi, làm những điều cần làm và chuẩn bị thật tốt cho cuộc sống hôn nhân sau này. Không có tuổi nào là quá trễ để tìm hạnh phúc hay lập gia đình cả. Hạnh phúc của cuộc đời bạn là do bạn quyết định chứ không phải do ai quyết định thay cho bạn. Hôn nhân muộn nhưng hạnh phúc và viên mãn vẫn đáng giá gấp trăm lần những cuộc hôn nhân sớm nhưng đầy bi kịch và sóng gió. Có người nói với tôi rằng nho và rượu nho đều cùng một nguồn gốc nhưng giá trị hoàn toàn khác nhau. Quả nho nhìn mọng nước và ngọt ngào nhưng không giữ được lâu, còn rượu nho thì càng ủ lâu càng có giá trị. Nếu bạn chọn làm quả nho, hãy mang bản thân mình đi bán càng sớm càng tốt vì bạn sẽ nhanh chóng bị dập úng thành đồ rẻ, có vứt đi cũng không ai thèm. Còn nếu bạn chọn làm rượu nho thì hãy kiên nhẫn và trải qua nhiều thử thách, lúc đó bạn càng để lâu thì càng có giá trị. Làm nho hay làm rượu, tùy bạn chọn lựa.
Tháng 1: Lên sóng làm khách mời của talk show "Tôi Chọn Hạnh Phúc" của đài truyền hình VTV2.
Tháng 5: Thành lập trung tâm Anh Ngữ HCV English của riêng mình.
Tháng 6: Mở lớp đào tạo chuyên môn cho giáo viên Anh ngữ.
Tháng 8: Dịch xong cuốn "Dad to Dad- Parenting Like a Pro" cho Nhà Xuất Bản Kim Đồng.
Tháng 9: Lên sóng làm khách mời của talk show "Chuyện Nghề" của HTV7.
Tháng 10: Thi Ielts với điểm tổng 8.5
Tháng 11: Hoàn tất chỉnh sửa bộ giáo trình của 8 chương trình học ở HCV English.
Tháng 12: Thực hiện live show mơ ước "Deep Purple" với Unboxing Band và hoàn thành ba bản thảo sách xuất bản cho năm sau.
Đó là những gì tôi đã làm được bên cạnh giờ đi dạy từ thứ 2 đến thứ 7, tập nhạc với band sáng chủ nhật, viết blog, vẽ tranh và dành thời gian cho gia đình.
Thời gian một ngày ai cũng có 24 tiếng đồng hồ như nhau, không hơn, không kém. Còn sử dụng một ngày của mình như thế nào cho có hiệu quả và không lãng phí thời gian là do bản thân mình. Riêng tôi, tôi luôn tuân thủ những quy tắc sau:
1. Yêu thích công việc mình làm. Tiền không phải là mục tiêu đầu tiên khi tôi nhận làm một việc nào đó. Điều quan trọng nhất là điều đó phải có ý nghĩa.
2. Không phí thời gian cho những việc vô bổ như nhậu nhẹt, la cà, chơi điện tử, xem hài nhảm, đi bão... Thời gian rảnh tôi dành cho gia đình và những hoạt động rèn luyện bản thân.
3. Không phí thời gian cho những người mang lại nguồn năng lượng xấu như cực đoan, lười biếng, ỷ lại, hay oán thán nhưng không biết nhìn lại mình để cố gắng.
Bài về chủ đề Giới trẻ: