Đôi lúc, tôi thấy mình như một trung tâm tiếp nhận những oan trái trong đời sống này. Ngày nào cũng vậy, tôi nhận được quá nhiều lời cầu cứu từ những người thân cô thế cô bị bức hại, những doanh nghiệp bị đối xử không công bằng, bị triệt tiêu đường sống.
Lần nào tôi cũng quay quắt nghĩ suy. Lần nào tôi cũng loay hoay xa xót. Làm sao có thể không như thế khi chứng kiến một hiện thực mà ở đó niềm tin đã không còn nơi để bấu víu?
Tôi không biết Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi vui mừng với con số tăng trưởng kinh tế 7,08% có được biết rằng, bộ máy thừa hành, các ngành các cấp địa phương đang vô cảm và khiến doanh nghiệp, người dân khốn khổ đến nhường nào không?
Liệu có ai báo cáo lên Chính phủ rằng, dù được minh oan không bán hàng giả, hàng lậu như vu cáo ban đầu, thì Công ty cổ phần Con Cưng - chủ hệ thống siêu thị dành cho mẹ và bé - đến giờ vẫn đang phải chịu đựng hậu quả dai dẳng và con số mất mát lên gần 500 tỉ đồng rồi không?
Liệu có ai báo cáo lên Chính phủ rằng, sự vô cảm, cứng nhắc, thậm chí như bẫy doanh nghiệp của chính quyền Đà Nẵng để giành lấy miếng đất cho bằng được, lấy tiền cọc của doanh nghiệp cho bằng được, dù doanh nghiệp không hề gây thiệt hại cho nhà nước, đã khiến một doanh nghiệp như Công ty cổ phần Vipico đứng trước bờ vực phá sản, thiệt hại ước tính gần 200 tỉ đồng hay không?
Tuy nhiên, điều đó cũng chưa là gì. Phá sản niềm tin mới thực sự đáng sợ.
Có ai chân thành mà nói với lãnh đạo Chính phủ rằng, tất cả những câu chuyện như vậy đã làm cho môi trường kinh doanh trở nên nhá nhem và xấu xí, khó lường và đầy rủi ro.
Tôi mới ngồi nói chuyện với một người anh mà tôi quen biết là chủ tịch một quỹ đầu tư. Như mọi lần, câu chuyện cuối cùng đều quay về vấn đề môi trường kinh doanh. Anh ấy nói, cứ tình trạng hồi tố như hiện nay, nhà đầu tư vô cùng sợ hãi. Chẳng cần nói đâu xa, ngay chính quyền TP.HCM, hiện đang có xu hướng hồi tố hàng loạt dự án nhà đất, khiến cả người dân và doanh nghiệp đều hoang mang, hoảng sợ. Thanh tra, kiểm tra là cần thiết. Lãng phí cần phải xử lý. Những kẻ làm sai, những kẻ tham lam vô độ, lợi dụng bán đất công để tư túi, nếu có cần phải trả giá bằng những án tù. Nhưng nhà đã xây và bán cho dân, khi xây, khi bán, thủ tục pháp lý được chính quyền thừa nhận, mà nay lại phong toả không cho giao dịch, thì còn ai dám tin vào những quy trình thủ tục của chính quyền?
Còn ai dám tin vào môi trường kinh doanh ổn định, không có rủi ro chính trị mà chính quyền cam kết?
Khi biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới làm việc với lãnh đạo TP.HCM về các vấn đề của thành phố này, tôi tự hỏi, không biết lãnh đạo TP.HCM sẽ ăn nói thế nào nếu người đứng đầu Chính phủ biết rằng, vì để bảo vệ vị trí chính trị của mình, họ đã tạo ra một môi trường kinh doanh đầy rủi ro chính trị hay không?
Một người bạn khác của tôi cũng là chủ tịch một quỹ đầu tư. Tối hôm kia, trò chuyện về hiện thực, tôi khuyên anh ấy đừng đi khi cảm nhận được sự ngao ngán bên trong con người ấy. Bởi vì, nếu cả trí tuệ, tài chính đều lần lượt bỏ xứ mà đi thì đất nước này sẽ còn lại gì để phát triển? Anh ấy nói rằng, bản thân mình còn bám trụ nhưng vợ con anh thì nhất định phải đi, phải sống ở một vòm trời khác, sạch và an toàn hơn.
Nghe thế, có thấy xót xa không?
Bạch Hoàn
Bài về chủ đề Cảnh báo: