Điều gì khiến cho một lễ hội thuần tôn giáo và “Tây” như Giáng sinh lại rất được hưởng ứng ở một nước như Việt Nam?
Sẽ có người cho rằng dân Việt Nam sính ngoại, ăn theo phong trào, thiếu bản sắc. Lập luận này thật sự chưa thuyết phục lắm, vì người ưa thích ngày lễ Giáng sinh có mặt đông đảo trên khắp thế giới – với mọi thành phần dân tộc, màu da, giới tính, v.v… Hiện tượng này không chỉ có ở Việt Nam. Chẳng lẽ chúng ta cho rằng cả thế giới mất bản sắc?
Cũng có người cho rằng đây là kết quả của hội nhập, là chuyện thường tình của quá trình toàn cầu hóa. Cách tiếp cận cởi mở này lại không giải thích được tại sao Giáng sinh lại phổ biến hơn nhiều so với nhiều ngày lễ lớn của các tôn giáo khác. Ramadan của Hồi giáo hay Phật Đản của Phật giáo đều là những ngày lễ tôn giáo lớn rất quan trọng và rất thiêng liêng, được nhiều người biết đến trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay. Nhưng vì sao những ngày lễ này lại không phổ biến như Giáng sinh?
Hiểu sơ lược một chút về Giáng sinh, chúng ta cần biết rằng người Công giáo bắt đầu chuẩn bị cho Giáng sinh trong vòng bốn tuần liền trước đêm Giáng sinh chính thức (mà chủ yếu là bốn ngày Chúa nhật tương ứng) – được gọi là Mùa Vọng (Advent). Đây là thời điểm mà người Công giáo chuẩn bị, cầu nguyện, và gột rửa tâm hồn mình (purify) để chào Chúa giáng trần.
Trong khi đó, người ngoại đạo thì chuẩn bị quà bánh cho người thân, và nếu có thể, một buổi ăn chiều họp mặt gia đình. Tư duy ấy từ đâu ra? Các nhà khoa học xã hội – chính trị – pháp lý có câu trả lời cho hiện tượng kỳ lạ này, và gọi đó là quá trình thế tục hóa (secularization) của Giáng sinh.
◪ Từ ban thờ tới văn hoá đại chúng
Ai tìm hiểu sơ qua lịch sử Trung đại của phương Tây đều nhận ra chính trị tại các quốc gia thời kỳ này là quá trình tranh giành quyền lực giữa hai thế lực, một bên là chính quyền quân chủ thế tục, các nhóm học giả, các nhà tư tưởng – khoa học, với một bên là cơ quan đại diện thần quyền – Giáo hội.
Sự kèn cựa lẫn nhau giữa hai thế lực chính trị tạo nên sự lộn xộn bất ổn đặc trưng của các chính quyền Châu Âu Trung đại, nhưng nó cũng biến tôn giáo trở thành một đề tài không nhạy cảm cho lắm trong giới học thuật và các tác gia.
Kỷ Phục Hưng (Renaissance – bắt đầu từ khoảng thế kỷ 14 sau Công Nguyên), thường được xem là giai đoạn làn sóng chủ nghĩa nhân đạo – nhân văn dân sự lan tỏa. Đó là thời kỳ mà mà các học giả nói chung, dù thuộc tôn giáo hay không tôn giáo, nhận ra giá trị của con người, nhận ra quá trình tự khai sáng và nhận thức được tầm quan trọng của các nhu cầu cá nhân. Từ đó, họ tạo nên một môi trường sinh động cho các hoạt động văn hóa – khoa học – nghệ thuật.
Tuy nhiên, dù là giai đoạn tái sinh lại các giá trị, tầm nhìn, tư tưởng, phong cách và văn học – nghệ thuật của Hy Lạp – La Mã cổ điển, các tác giả danh tiếng nhất của Kỷ Phục Hưng phần lớn lấy nguồn cảm hứng của mình từ điển tích và nhân vật Công giáo (với hầu hết các tác phẩm nổi tiếng nhất thời kỳ này đều gắn liền với hình ảnh Thiên chúa). Chúng một phần tấn công các giá trị tôn giáo có tổ chức đã được Giáo hội thiết lập, song các giá trị Công giáo, nhờ đó, cũng trở nên gần gũi hơn, nhân văn – nhân bản hơn, và mang tính văn hóa nhiều hơn đối với xã hội phương Tây.
Kỷ Phục Hưng do vậy đánh dấu một dấu mốc lịch sử cực kỳ quan trọng cho hàng loạt cải cách tôn giáo của các nhánh Công giáo như: Giáo hội Thánh La Mã (Roman Catholic Church), Kháng cách giáo (Protestant) hay Thanh giáo (Puriant). Và tác phẩm Christmas Carol lừng danh của tác giả Charles Dickens đã đóng góp một phần quan trọng trong công cuộc cải cách đó.
Tác phẩm này mô tả những buổi lễ thường được tổ chức ở Nhà thờ, chú trọng vào sự tu niệm cá nhân và lễ nghi. Đột nhiên, quan hệ tôn giáo chuyển trọng tâm sang nói về gia đình, tình thương, buổi tối Giáng sinh sum họp và hiển nhiên là các hoạt động thiện nguyện trong mùa lễ. Theo nghiên cứu của giáo sư, sử gia ẩm thực và đầu bếp trưởng Cathy Kaufman, các bữa ăn sum họp gia đình mùa Giáng sinh mà chúng ta thường thấy trong phim ảnh Mỹ (mà thật ra cũng là phong tục tiêu chuẩn của người Mỹ, Châu Âu hiện nay), với gà tây nhồi, thật ra là nhại lại bữa ăn của nhà Cratchit được mô tả trong quyển sách này.
Tại thời điểm mà tác phẩm Christmas Carol ra đời, Giáng sinh là sự đối lập giữa cộng đồng tôn giáo khép kín, mê tín (đôi khi được cho là như thế) và những cuộc chè chén ăn mừng lộn xộn, nhếch nhác, thiếu văn minh. Cả hai vốn được xem là điều không hề phù hợp với xã hội công nghiệp hiện đại. Vậy nên với Christmas Carol, nhiều học giả đến nay vẫn tin rằng chính Dickens đã thay một bộ mặt khác cho lễ Giáng sinh, khiến nó thân hiện hơn, nhẹ nhàng hơn và hướng nội hơn. Đây cũng là phiên bản Giáng sinh nổi tiếng khắp thế giới qua các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật phương Tây.
Không chỉ vậy, Kỷ Phục Hưng còn bảo vệ và phát huy hình ảnh của nhân vật quan trọng nhất đêm Giáng sinh, người khiến cho trẻ em khắp thế giới chết mê chết mệt với Giáng sinh – ông già Noel.
Truyền thuyết về ông già Noel (hay Santa Claus) bắt đầu với St. Nicholas (Thánh Nicholas) – nhà tu hành nổi tiếng với lòng vị tha và sự tốt bụng. Ông được biết đến như là người bảo hộ cho trẻ em và những kẻ yếu đuối. Ngày mất của ông, ngày 6 tháng 12 hằng năm, được nhiều người phương Tây cho là ngày may mắn để cưới hỏi hay mua sắm lớn. Trong Kỷ Phục Hưng, Thánh Nicolas là vị thánh nổi tiếng nhất Châu Âu. Ngay cả sau cuộc cải cách Kháng Cách giáo (Protestant Reformation), khi mà hình ảnh của các vị thánh dần bị ruồng bỏ vì nhiều vấn đề chính trị liên quan đến quản lý Giáo hội, Thánh Nicolas tiếp tục được ưa thích vì tính nhân văn – thế tục – hành đạo của ông.
Vào thập niên 20 của thế kỷ 19, sự ra đời của nhiều tác phẩm văn học, nhu cầu thương mại và mua sắm Giáng sinh của người dân Hoa Kỳ dần được nhiều nhà tư bản nắm bắt. Và Santa Claus (đọc trại từ Sinter Klaas – tức Saint Nicolas trong tiếng Hà Lan) chính thức biến thành ‘đại diện thân thiện’ hiệu quả nhất của Giáng sinh.
◪ Giáng sinh và chính trị – pháp luật Hoa Kỳ
Quá trình thế tục hóa Giáng sinh không chỉ xảy ra trong hoạt động văn hóa, văn học và nghệ thuật, các yếu tố chính trị và pháp luật của Hoa Kỳ cũng giúp Giáng sinh trở nên phổ biến.
Vào thập niên 1980, cơ quan công quyền Hoa Kỳ có thiện cảm với Giáng sinh với tư cách là một sản phẩm tôn giáo mang hơi hướng văn hóa. Trong án lệ Florey v. Sioux Falls School District, bên nguyên đơn khởi kiện một trường công lập vì cho rằng các chương trình mừng lễ Giáng sinh có bao gồm các bài hát tôn giáo và biểu tượng tôn giáo là vi phạm Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Đối với trường hợp này, tòa án Hoa Kỳ lần đầu tiên đưa ra các nguyên tắc pháp lý thế tục hóa lễ Giáng sinh, cho rằng: “Vì nhạc Giáng sinh có chứa ngôn ngữ tôn giáo đã trở thành một phần của văn hóa chúng ta, Tòa không thể khẳng định rằng việc sử dụng các bài hát Giáng sinh này đương nhiên bị xem xét là một hành động ủng hộ tôn giáo. Tác động cơ bản của hoạt động chào mừng rõ ràng không nhằm cổ xuý cho một tôn giáo nhất định.”
Đây là một trong những lập luận pháp lý đầu tiên dần thế tục hóa Giáng sinh, loại bỏ dần tính tôn giáo của ngày lễ và biến nó trở thành một ngày hội chung, đại đồng.
Rõ ràng quá trình thế tục hóa ngày lễ Giáng sinh đã và vẫn đang tiếp diễn khiến ngày lễ này nhận được nhiều tình cảm của người dân trên khắp thế giới. Ngược lại, những nguyên tắc tôn giáo càng hà khắc, càng nguyên thủy (ví dụ như các quy định cấm nạo phá thai, cấm ra đường mà không che hết thân người, cấm đi chơi riêng với đàn ông…) thì rất khó có chỗ đứng trong lòng xã hội hiện đại.
Nguyễn Quốc Tấn Trung (theo Luật Khoa Tạp Chí)