Tri ân, biết ơn nhà giáo và lý tưởng giáo dục bây giờ — chính giữa thời buổi này không gì cần kíp và thiết thực hơn việc: Toàn dân nhận chân lại giá trị của việc học và bản chất của việc học.
Học là để cầu lợi, cầu danh hay học là để có tâm, thân phát triển không ngừng, để làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Để rồi trong quá trình theo đuổi như vậy, lợi và danh sẽ đến một cách chính đáng.
Với tôi, sự tri ân tốt nhất của người học sinh đối với thầy là tiếp nối, phát triển và phổ biến được cho rộng, cho sâu giá trị tư tưởng mà người thầy khai mở.
Việc đó mới chứng tỏ người học nhớ đến ông thầy và không uổng công người thầy đã dạy.
Nếu nhận lầm thầy, học nhầm giá trị thì phải tìm kiếm ông thầy khác thích hợp hơn và tìm cái phù hợp hơn để học thay vì “ngu trung” để hại mình dối người.
Chân thành học hỏi, chân thành hợp tác và học suốt đời trong mọi không gian, thời gian là cách duy nhất để người Việt thoát khỏi trạng thái “trẻ con” — như các bậc thức giả đã chỉ ra từ lâu.
Tự huyễn hoặc bằng danh, bằng lợi nhất là lợi trước mắt và danh hão sẽ làm cho bản thân người học không tiến xa và đi lâu được. Cùng lắm là đến khi lấy được bằng hay được bổ làm quan.
Học phải là niềm vui suốt đời, phải là một hành vi giống như ăn cơm, uống nước hàng ngày.
Học phải nằm ngoài cự can thiệp vô lý của những người chăm chăm muốn đem người học làm vật hi sinh để cầu lợi.
Có thế mới tiến bộ.
P.s. Tối qua, khi tôi đang cho con đi ngủ thì một sinh viên cũ đến mua sách. Cô ấy có trêu vợ tôi rằng “20—11 mà sao nhà thầy buồn thế này”. Có lẽ ý cô nói là 20—11 sao nhà tôi không có học trò đến chơi, tặng hoa, tặng quà, chúc tụng… Cô ấy rất hiểu tôi nên mới đùa như vậy dù rằng tôi không trực tiếp dạy. Mọi hình thức và nghi lễ tự nhiên sẽ mất hết tác dụng hoặc thành thứ phản nhân văn nếu như nó thay thế cho nội dung.
Bản thân tôi cũng thấy vui vì học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp vô tình gặp tôi đâu đó ngoài đường hay ở chỗ nào đó vẫn chạy lại chào thầy một tiếng hoặc tiếp tục đọc sách, làm thư viện, dịch thuật truyền bá tri thức. Nhưng thú thật — các bạn thông cảm cho tôi — dạy xong, tiếp xúc xong là tôi quên luôn học trò. Rất ít khi nhớ em nào vào em nào và cũng không để ý lắm đến chuyện mình đã từng dạy ai.
Đấy là một cái nhược điểm của tôi.
Nhưng đấy cũng là cái tôi không muốn cải tiến vì tôi thấy cái đó có lợi cho sự tiến bộ của học trò.
Đã “mất dạy” rồi mà ra đường vẫn được nhiều người chào bằng “thầy” thấy ngượng vì chữ thầy thiêng liêng lắm.
Nguyễn Quốc Vương
Bài về chủ đề Giáo dục: